Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 F0 đã khỏi bệnh không muốn ra viện

Nhật Lưu và Minh Khôi (sinh năm 2000) là 2 F0 đã khỏi bệnh, xin ở lại bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cho những bệnh nhân Covid-19 khác.

Sáng 11/9 là ca làm việc của Lê Hoàng Nhật Lưu (sinh năm 2000) tại Bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).

F0 o lai benh vien lam TNV anh 1

Lưu là TNV F0 tại Bệnh viện dã chiến số 3.

Nam tình nguyện viên (TNV) vừa tỉnh giấc đã vội mặc bộ đồ bảo hộ y tế, chạy đi kiểm tra tình trạng bình oxy của các F0 trong bệnh viện.

Cách đây hơn một tháng, Lưu cũng chính là F0 được điều trị tại đây. Sau khi khỏi bệnh, cậu quyết định xin ở lại hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế, giúp đỡ những bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng.

"Tôi thấy nhiều cô bác nằm viện rất khó khăn, tôi chỉ muốn góp chút sức lực, chăm sóc họ thay cho người nhà. Những việc làm của tôi không là gì so với các anh chị y bác sĩ", Lưu chia sẻ cùng Zing.

F0 giúp điều trị F0

Lưu cho biết ngày 29/7, cậu đủ điều kiện xuất viện sau 22 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3. Về nhà nửa tháng, cậu biết đến chương trình kêu gọi các F0 khỏi bệnh trở lại giúp sức cho tuyến đầu chống dịch, do vậy đã đăng ký quay về bệnh viện làm TNV.

"Trong thời gian điều trị bệnh, tôi thấy các bác sĩ rất vất vả, lượng bệnh nhân lại quá nhiều và ngày càng tăng. Trong khi đó nhà hàng nơi tôi làm việc đã phải tạm đóng cửa. Tôi quyết định dành thời gian rảnh của mình để vào viện hỗ trợ cho mọi người, giúp được việc gì tôi cũng vui", Lưu nói.

F0 o lai benh vien lam TNV anh 2

Nhóm TNV của Lưu tại Bệnh viện dã chiến số 3 có khoảng 20 thành viên.

Tại bệnh viện, mỗi ngày, Lưu cùng nhóm TNV được phân công theo dõi chỉ số SpO2 và thực hiện cấp, đổi bình oxy cho bệnh nhân. Ngoài ra, cậu còn hỗ trợ điều dưỡng đo các chỉ số như huyết áp, mạch, nhiệt độ; phát phần ăn, nước uống, khăn giấy, tã cho bệnh nhân và tiếp nhận, bố trí giường bệnh cho F0 mới vào viện.

Cậu cho biết thời gian làm việc của TNV không cố định, hễ có việc cần kíp là mọi người lại chủ động làm, không cần nhắc nhở. Đối với Lưu, nhiệm vụ của cậu không vất vả, ngược lại còn rất thoải mái bởi được y bác sĩ cùng người bệnh động viên, khích lệ.

"Có nhiều ngày lượng bệnh nhân lớn, tôi như 'đánh vật' để vận chuyển những bình oxy đi tới đi lui các phòng bệnh. Nhưng các anh chị y bác sĩ tại bệnh viện dễ thương lắm, luôn hướng dẫn, bảo ban chúng tôi nhiệt tình. Nhìn những cô bác bệnh nhân hôm qua mê man, hôm nay đã tỉnh lại, đó lại càng là động lực để tôi cố gắng làm việc", Lưu chia sẻ.

Vừa học online, vừa giúp người bệnh

Nhóm TNV của Lưu còn có Trần Minh Khôi, cậu sinh viên sinh năm 2000 của Trường Đại Học Công Nghệ TP.HCM (HUTECH). Từ đầu tháng 8, sau khi được điều trị khỏi Covid-19, Khôi đã xin ở lại bệnh viện hỗ trợ nhân viên y tế.

F0 o lai benh vien lam TNV anh 3

Khôi hiện vừa học online, vừa tham gia tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Hà Văn Đạo.

Nhiệm vụ của Khôi cũng giống như Lưu, làm tất cả những công việc được bác sĩ phân công, giao phó. Tuy nhiên, những ngày qua, khi trường của Khôi đã tổ chức dạy học trở lại, cậu học online ngay tại bệnh viện, hết giờ học mới có thể tiếp tục nhiệm vụ.

"Tôi có ý định tham gia tình nguyện, hỗ trợ F0 từ trước khi mắc bệnh. Nhưng khi đó do còn vướng việc học, tôi chưa thể thực hiện được.

Đến lúc tôi có kết quả dương tính nCoV và phải vào viện, được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, tôi đã quyết định ở lại bệnh viện luôn để giúp việc. Tôi đã mắc bệnh rồi nên rất hiểu tâm lý lo lắng và những tình huống khó khăn của F0", Khôi chia sẻ.

Theo Khôi, tại bệnh viện dã chiến có rất nhiều F0 tình trạng nặng nằm tại khu vực hồi sức hoặc cấp cứu. Mỗi lần đến hỗ trợ thay bình oxy cho bệnh nhân, cậu không chỉ theo dõi tình trạng sức khỏe mà còn hỏi thăm và động viên tinh thần.

"Những cô chú F0 lớn tuổi thường khó ngủ về đêm. Những ca trực tối, khi đẩy bình oxy đến phòng bệnh, tôi cũng chú ý xem cô chú đã ngủ chưa. Tôi động viên cô chú theo cách trước đây tôi được các bác sĩ nói chuyện, dặn họ cố gắng trải qua bệnh tật để sớm về với gia đình.

F0 o lai benh vien lam TNV anh 4

Vừa học vừa làm khá áp lực, nhưng Khôi không lo lắng nhiều.

Covid-19 đáng sợ là bởi nó không cho phép người bệnh có người thân bên cạnh, buộc phải cách ly một mình. Giữ tinh thần lạc quan là điều rất quan trọng để khỏi bệnh nhanh chóng", Khôi nói.

Khôi thừa nhận việc vừa học, vừa làm tình nguyện khá nhiều áp lực, đặc biệt khi vào những năm cuối đại học, các bài tập của cậu đã trở nên khó hơn. Tuy nhiên, cậu được các đồng đội trong nhóm TNV và nhân viên y tế thông cảm, tạo điều kiện để giúp đỡ.

Khôi chia sẻ hiện tại cậu rất mong dịch bệnh chấm dứt để có thể quay trở lại giảng đường, những bệnh nhân Covid-19 cũng sẽ được về với gia đình, người thân.

Trong khi đó, Nhật Lưu cho rằng đại dịch có lẽ rất khó để biến mất, chúng ta chỉ còn cách thích nghi và sống chung trong trạng thái bình thường mới.

"Tôi không nghĩ là dịch bệnh có thể kết thúc nhanh chóng được, mọi người phải chấp nhận sống chung với dịch mà thôi. Tôi chờ từng ngày cho đến khi thành phố được tái thiết như trước đây, tôi sẽ về thăm bố mẹ và bạn gái. Đã rất lâu tôi không được gặp họ rồi", Lưu nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 8/9, Sởđã tiếp nhận 273 lượt TNV F0 đã khỏi bệnh đăng ký qua đường link của Sở Y tế, trong đó có 108 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân TP.HCM đã vận động, tiếp nhận 1.270 TNV F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch và đã phân công 378 người đến 14 đơn vị có nhu cầu.

Sở Y tế cho biết thêm nhu cầu tiếp nhận TNV F0 đã khỏi bệnh ở TP.HCM hiện nay là 1.728 người, trong đó cần 140 bác sĩ, 474 điều dưỡng, 95 hộ lý, 454 hỗ trợ chăm sóc người nhiễm bệnh...

Tình nguyện viên ở TP.HCM cho cụ bà ôm để đỡ sợ khi tiêm vaccine

Hơn một tháng xin đi tình nguyện chống dịch, Mạnh Thiên sống tích cực hơn và thấy thêm thương yêu gia đình, mọi người xung quanh.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm