Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát - bao gồm hàng loạt sáng kiến đột phá về y tế, khí hậu, và thuế - hôm 16/8, một đồng minh của ông trong Quốc hội Mỹ đã phải than rằng các thành tựu của vị tổng thống “thường nằm ngoài tầm mắt của công chúng”.
Trong khi đó, một nghị sĩ khác chỉ ra sự tương phản giữa ông Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, nhân vật “thích thú với việc gây ra hỗn loạn”. Trớ trêu thay, các động thái “gây hỗn loạn” này góp phần khiến thành tựu của ông Biden khó đến được tới tai công chúng.
Ông Biden đang phải sống trong cái bóng của người tiền nhiệm theo cách mà chưa vị tổng thống Mỹ nào phải trải qua. Bất kể có làm gì, ông luôn gặp khó nếu muốn vượt qua ông Trump về ảnh hưởng trên truyền thông.
Sự thật không thể tránh khỏi
Việc ông Biden không có sức hút với công chúng như ông Trump đã trở thành sự thật không thể tránh khỏi tại Nhà Trắng. Giờ đây, khi ông muốn người dân chú ý tới Đạo luật Giảm lạm phát, họ dường như lại chỉ quan tâm đến các diễn biến của cuộc điều tra nhắm vào ông Trump.
“Ông Biden không thể xây dựng lại hình ảnh theo cách của ông Trump. Đây không phải bản chất của ông và sẽ ‘gậy ông đập lưng ông’”, ông Kevin Madden, một nhà tư vấn chính trị cho đảng Cộng hòa, phân tích với New York Times.
Sau khi ông Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát hôm 16/8, ông Trump vẫn là nhân vật được truyền thông chú ý nhất. Ảnh: New York Times. |
“Nếu muốn chỉ ra sự đối lập với ông Trump, cơ hội lớn nhất của ông Biden là tập trung vào các vấn đề mà cử tri quan tâm nhất: Lạm phát, nhà ở, việc làm và an ninh tài chính. Đây là những vấn đề sẽ giúp tăng vốn liếng chính trị nếu ông Biden đảo ngược được các xu hướng hiện giờ”, ông Madden bổ sung.
Đây là chiến lược mà các trợ lý của ông Biden mong muốn áp dụng. Theo họ, các chính sách mà ông Biden vừa ký ban hành - cũng như việc giá xăng giảm - sẽ hấp dẫn cử tri, những người quan tâm đến ví tiền của mình hơn là ông Trump.
“Người dân Mỹ muốn Tổng thống Biden tập trung vào những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield nói ngay trước buổi lễ. “Hôm nay, ông ấy sẽ ký dự luật giúp giảm giá thành - mối quan tâm lớn nhất của người dân”.
Đội ngũ của ông Biden hiểu rằng sau buổi lễ hôm 16/8, truyền thông sẽ lại tập trung vào những diễn biến liên quan đến ông Trump. Để ứng phó, họ tìm cách khuếch đại thông điệp của vị tổng thống qua việc cử các quan chức cấp cao tới trả lời phỏng vấn ở các kênh truyền thông địa phương.
Trong khi đó, ông Biden dự định tổ chức mít tinh lớn tại bang Maryland ngày 25/8 và tại Nhà Trắng ngày 6/9 để chứng minh các thành tựu mà mình đã đạt được trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.
“Mục tiêu của chúng tôi trong những tuần tới rất đơn giản: Đưa thông điệp của chúng tôi - điều mà chúng tôi biết sẽ được các nhóm chủ chốt hưởng ứng - đến được với người dân Mỹ”, Nhà Trắng tuyên bố.
Theo các chuyên gia, đảng Dân chủ sẽ cần duy trì thông điệp này bất chấp các diễn biến chính trị mới. “Việc lặp đi lặp lại là điểm mấu chốt để vượt qua ‘bức màn không thể xuyên thấu’ giữa tổng thống và công chúng”, giáo sư Martha Joynt Kumar, chuyên gia về hoạt động truyền thông của các tổng thống Mỹ, nói.
Thách thức đối với chính quyền của ông Biden là không nhỏ. Chỉ 41% số người Mỹ được hỏi nói họ biết về đạo luật được ký hôm 16/8, theo một khảo sát của Reuters/Ipsos, bất chấp các điều khoản của đạo luật nhận được sự ủng hộ cao của người dân.
Theo ông Madden, Tổng thống Biden đang dựa vào “cách tiếp cận analog trong thế giới kỹ thuật số”. Điều này khiến ông khó lòng cạnh tranh với ông Trump, kể cả nếu cựu tổng thống xuất hiện ít hơn trong các bản tin.
Khác với người tiền nhiệm, ông Biden không tương tác với công chúng 24/7 qua mạng xã hội hay tung các “quả bom chính trị” để gây chú ý. Ông cũng ít tham gia phỏng vấn mà thường để các nhân viên dưới quyền tuyên bố.
Ông Trump muốn nối gót cựu Tổng thống Grover Cleveland để trở thành người thứ hai có thể quay lại Nhà Trắng sau khi thất cử. Ảnh: AP. |
Chiến lược của ông Biden
Ông Biden không phải tổng thống Mỹ đầu tiên chịu thách thức từ người tiền nhiệm hay các đối thủ. Dù vậy, đây là trường hợp đầu tiên diễn ra trong kỷ nguyên truyền thông có mặt rộng khắp như hiện nay.
Tính đến nay, vị tổng thống duy nhất có thể quay lại Nhà Trắng sau khi thất cử - điều mà ông Trump đang có ý định thực hiện - là Grover Cleveland, người bị Benjamin Harrison đánh bại năm 1888 nhưng lại giành chiến thắng năm 1892.
“Joe Biden phải đối mặt áp lực từ người tiền nhiệm nhiều hơn hẳn so với Benjamin Harrison”, ông Troy Senik, người từng chuyên viết diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush, nói.
“Khác với Donald Trump, Grover Cleveland gần như nằm ngoài tầm mắt công chúng sau khi thất cử năm 1888, ít khi nói trước đám đông và rất miễn cưỡng ra tranh cử thêm một lần nữa”, ông Senik cho biết.
“Bóng ma” của người tiền nhiệm cũng đã buộc Tổng thống Gerald Ford năm 1974 ân xá cho cựu Tổng thống Richard Nixon sau vụ Watergate. Ông Ford không muốn phần còn lại của nhiệm kỳ bị “chiếm sóng” nếu ông Nixon bị điều tra và phải ra tòa.
Tuy nhiên, ông Biden đã khẳng định ông sẽ không ân xá cho ông Trump nếu vị cựu tổng thống rơi vào tình huống tương tự, bất chấp điều này có thể khiến công chúng Mỹ ít quan tâm tới các thành tựu của ông hơn.
Theo các trợ lý của ông Biden, họ muốn tận dụng ông Trump như một ví dụ đối lập. Để thu hút một số đảng viên Dân chủ và cử tri thiên tả, những người cho rằng ông Biden không thực hiện hết lời hứa khi tranh cử, Nhà Trắng muốn nhấn mạnh các hành động của vị tổng thống đang hướng tới mục tiêu này, dù muộn màng.
“Tổng thống sẽ tiếp tục đề ra lựa chọn cho người dân”, bà Bedingfield nói. “Lựa chọn ấy là giữa một nghị trình sẽ được việc với người Mỹ và một nghị trình phá hủy các hàng rào bảo vệ nền dân chủ”.