Vụ không kích hôm 29/8 do không quân Mỹ tiến hành nhắm vào một phương tiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan (ISIS-K). Lầu Năm Góc tuyên bố đã tiêu diệt mục tiêu ISIS-K, nhưng đi kèm với đó là 10 thường dân Afghanistan thiệt mạng.
Chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trước ngày cuộc chiến Afghanistan chính thức kết thúc đã hé lộ những khó khăn chưa có lời giải cho Washington nếu muốn tiếp tục duy trì cuộc chiến chống khủng bố trong tương lai.
Vụ không kích chết chóc
Không quân Mỹ dựa vào ảnh do thám trên không cùng các nguồn tin tình báo trên thực địa để phát hiện mục tiêu thuộc tổ chức ISIS-K.
Không ảnh cho thấy các nghi phạm đưa chất nổ lên thùng một chiếc ôtô, quan chức Lầu Năm Góc nói. Các đầu mối tình báo của Mỹ xác nhận chiếc xe dừng ở nhiều địa điểm bị nghi có liên quan tới ISIS-K.
Sau khi có đủ bằng chứng để tin rằng chiếc xe đang trên đường tới sân bay Hamid Karzai tiến hành vụ đánh bom, quân đội Mỹ quyết định tiến hành oanh tạc.
Nhưng cái giá phải trả cao hơn dự tính. Vụ không kích diễn ra ở một tuyến đường hẹp đông dân cư, khiến 10 thường dân thiệt mạng. Lầu Năm Góc tuyên bố vụ không kích là cần thiết, nhưng cho biết đã mở cuộc điều tra.
Nhiều quan chức Mỹ thừa nhận với việc không còn binh sĩ hiện diện trên thực địa, việc thu thập thông tin tình báo chắc chắn khó khăn hơn nhiều.
Trong trao đổi cá nhân, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, và một số quan chức nói vụ không kích ngày 29/8 là "chính đáng", bởi giúp ngăn chặn một cuộc tấn công khác nhắm vào sân bay quốc tế ở Kabul nơi hàng nghìn người đang chờ được di tản.
Hai quan chức Mỹ cho biết không ảnh vụ không kích cho thấy đã có một vụ nổ lớn thứ hai xảy ra tại hiện trường, dấu hiệu cho thấy có một lượng chất nổ đáng kể trên chiếc ôtô mục tiêu. Các quan chức này nghi ngờ chính vụ nổ thứ hai là nguyên nhân khiến nhiều thường dân ở hiện trường thiệt mạng.
Tuy nhiên, một số cựu quan chức tình báo cho biết số thương vong của dân thường quá cao cũng cho thấy một thực tế khắc nghiệt rằng, khi không còn nhân lực trên thực địa, tiến hành không kích chính xác sẽ khó hơn nhiều.
Mỹ sẽ mù thông tin
10 dân thường thiệt mạng là con số "cao khủng khiếp", theo một quan chức Mỹ am hiểu về tiêu chuẩn các vụ không kích. Người này cho biết quân đội luôn ước tính con số thương vong ngoài ý muốn trước các vụ tấn công.
"Nếu có sự phối hợp với các đối tác địa phương, chúng ta sẽ không bao giờ bắn tên lửa vào ôtô, mà tìm cách tiêu diệt nghi phạm trước khi người này vào xe", một cựu quan chức tình báo nói.
Người này cho rằng vụ không kích hôm 29/8 cho thấy Washington chỉ có thông tin về phương tiện chứ không phải mục tiêu con người, hoặc thông tin có được quá muộn, khi chiếc xe đang trên đường, khiến quân đội Mỹ không có nhiều lựa chọn.
"Kỳ vọng rằng công nghệ hiện đại có thể cho phép tiến hành tấn công và ngăn chặn từ xa sẽ không trở thành hiện thực. Quân đội phải có tai mắt trên thực địa, và có đối tác bản xứ ra tay hành động, thay vì chúng ta bắn tên lửa từ xa hoặc triển khai biệt kích", cựu quan chức cho biết.
Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ tiếp tục săn đuổi ISIS-K ở Afghanistan, buộc tổ chức này trả giá vì vụ tấn công sân bay Kabul làm 13 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Nhưng trước thực tế chính phủ thân Mỹ đã sụp đổ, Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước, việc duy trì do thám các tổ chức khủng bố như ISIS-K sẽ ngày càng khó hơn.
Ngay cả nếu có thể tiếp tục sử dụng máy bay không người lái do thám trên không, các thiết bị này cũng mất đi hiệu quả hoạt động đáng kể, bởi chúng xuất phát từ các nước vùng Vịnh gần đó và quá trình di chuyển chiếm 60% thời gian hoạt động.
Các quan chức thừa nhận tình trạng này không khỏi khiến Mỹ bị "mù" thông tin, ít nhất là một phần. Khi không còn mạng lưới tình báo con người trên thực địa, quân đội Mỹ sẽ không biết phải hướng các máy bay vào mục tiêu nào.
"Chúng ta có thể sở hữu vũ khí tối tân nhất, nhưng sẽ chẳng ích gì nếu thiếu thông tin. Cái chúng ta cần phải biết là mối đe dọa ở đâu, có những ai liên đới, xác định danh tính, thời gian và địa điểm", một cựu quan chức tình báo nói.
Bởi vậy, chính quyền Tổng thống Biden đang vật lộn với ý tưởng có nên xây dựng một mối quan hệ ở mức lỏng lẻo với Taliban nhằm mục tiêu chống khủng bố.
Lựa chọn khó khăn
Chính quyền Biden lúc này đang tích cực thảo luận với các đồng minh về khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban, hai quan chức Mỹ nói. Quyết định sẽ có ảnh hưởng lớn tới các chiến dịch chống khủng bố trong tương lai của Mỹ ở Afghanistan.
Nhiều ngày qua, giới chức Mỹ đã đặt ra những câu hỏi chính sách hóc búa, như liệu có giải ngân hỗ trợ tài chính cho Taliban, hay ai sẽ là đại diện đối thoại với tổ chức từng là kẻ thù không đội trời chung với Washington suốt 20 năm qua.
Từ khi chiến dịch di tản bắt đầu, một câu hỏi cũng được đặt ra là Mỹ sẽ chia sẻ tin tức tình báo với Taliban ở mức độ nào để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Vấn đề này đến giờ vẫn tiếp tục được thảo luận.
Trước đó, Washington từng tin rằng họ sẽ có nhiều thời gian hơn để cân nhắc trước khi ra quyết định.
Trong suốt nhiều tháng, chính quyền ông Biden đã rà soát chính sách tiến hành không kích chống khủng bố bằng drone ở các quốc gia không phải vùng chiến sự. Quá trình này đã gần hoàn tất, nhưng sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan làm tình hình trở nên phức tạp.
Dù Taliban đồng ý phối hợp duy trì cầu không vận ở Kabul, Washington không mấy tin tưởng nhóm này sẽ trở thành đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố.
Khi được hỏi khả năng Mỹ phối hợp với Taliban thực hiện thêm các cuộc tấn công ISIS-K, tướng Mark Milley nói đây là phương án "khả thi".
Nhưng cả ông Milley lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều tỏ ra hoài nghi. Bộ trưởng Austin nói hợp tác hạn chế trong di tản không thể xem là một khuôn mẫu trong tương lai.
Ngay cả trong thời gian tiến hành di tản, Mỹ vẫn giữ khoảng cách lớn với Taliban. Dù Washington chia sẻ một số tin tình báo nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố vào sân bay Kabul, phạm vi tin tức chia sẻ rất hạn chế và chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho binh sĩ Mỹ, một quan chức cho biết.
Người này nói thêm Mỹ không nhận được bất cứ tin tình báo khả dụng nào từ Taliban. Nhân sự của Lầu Năm Góc và tình báo Mỹ đã phải lăn xả ở Kabul để tìm cách ngăn các vụ tấn công khủng bố của ISIS-K.
Taliban có chống khủng bố?
Theo thỏa thuận đạt được tháng 2/2020, đổi lấy việc Mỹ rút quân, Taliban phải cắt đứt quan hệ với Al Qaeda, ngăn không để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn để các tổ chức khủng bố như ISIS-K lên kế hoạch tấn công Mỹ.
Về lý thuyết, Mỹ và Taliban đều có động lực phối hợp cùng nhau ở một phạm vi nhất định ngăn chặn các tổ chức khủng bố tái tập hợp lực lượng tại Afghanistan. Nhưng trên thực tế, tình hình phức tạp và rối ren hơn nhiều.
"Chúng ta đã biết Al Qaeda cơ bản cấu kết với Taliban, quan hệ này không thay đổi trong 20 năm qua. Sẽ có rất nhiều chiến binh nước ngoài trở về Afghanistan, dù những người này tự xưng là Al Qaeda, ISIS hay Taliban", John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Trump, nói.
Ông Bolton cho rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan không hoạt động cố định ở một nhóm, mà di chuyển từ nhóm này tới nhóm khác. Vì vậy, việc giao những thông tin nhạy cảm cho Taliban chẳng khác nào trao cho các tổ chức cực đoan nguồn lực và công cụ để tấn công Mỹ trong tương lai.
"Chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ rằng chúng ta có thể phối hợp với Taliban để chống lại ISIS-K", ông Bolton nói.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ phản bác, cho rằng có nhiều khác biệt giữa Taliban và ISIS-K. Nhưng dù vậy, quan chức này cũng phải thừa nhận ISIS-K đã trở nên mạnh hơn nhiều so với trước khi Mỹ rút quân.
Lễ hội trở lại ở Ấn Độ dù vẫn có 40.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày
Nhà chức trách Ấn Độ quyết định tiếp tục mở cửa hơn nữa các hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, dù vẫn có khoảng 40.000 ca Covid-19 mỗi ngày cùng nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới.
Taliban tung tin thành trì của lực lượng phản kháng đã thất thủ
Ba nguồn tin Taliban tuyên bố đã đánh bại lực lượng phản kháng và giành quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Tuy nhiên, quân kháng chiến bác bỏ thông tin này.
Cuộc đua gay cấn để giành ghế thủ tướng Nhật
Cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do ngày càng nóng khi hàng loạt ứng viên ra tranh cử. Người chiến thắng nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.