“Tôi biết nhiều người nghĩ rằng tôi phóng đại”, AFP dẫn lời ông Biden nói tại buổi gây quỹ ở Los Angeles, đề cập tới việc Mỹ cảnh báo trước về khả năng Nga tấn công Ukraine. “Nhưng chúng tôi có dữ liệu để duy trì đánh giá”.
Ông nói lúc đó tin tình báo cho thấy Nga sẽ đưa quân vào biên giới Ukraine. “Điều đó chẳng có gì đáng ngờ, nhưng ông Zelensky không muốn nghe, và nhiều người cũng vậy. Tôi hiểu tại sao họ lại không tin, nhưng quả thực mọi thứ đã xảy ra”, ông nói.
Mỹ bắt đầu cảnh báo rằng Nga sẽ đưa quân vào Ukraine trước khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" hôm 24/2. Những lời cảnh báo này vấp phải sự hoài nghi, thậm chí có cả chỉ trích của một số đồng minh châu Âu, khi có ý kiến cho rằng Mỹ đang quá cảnh giác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại sự kiện gây quỹ ở thành phố Los Angeles hôm 10/6. Ảnh: Reuters. |
Hiện chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 4. Phương Tây vẫn đang viện trợ vũ khí cho nước này. NATO đã cung cấp cho Kyiv ngày càng nhiều vũ khí tiên tiến hơn. Họ cũng hứa hẹn sẽ viện trợ thêm nữa, chẳng hạn Mỹ hứa cung cấp hệ thống tên lửa phóng loạt, theo New York Times.
Các vũ khí mới tiên tiến nhất của Ukraine tập trung ở khu vực Donbas, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội nhất với lực lượng Nga. Tổng thống Zelensky cho biết thành phố Sievierodonetsk "vẫn là tâm điểm" trong cuộc giao tranh ở Donbas.
Kiểm soát được Sievierodonetsk đưa Nga tiến gần hơn một bước tới mục tiêu đã nêu trong giai đoạn hiện tại của cuộc chiến - kiểm soát phía đông Ukraine - nơi có lực lượng ly khai thân Moscow.
Bước tiến này cũng sẽ mở đường cho quân đội Nga tiến về phía tây tới Kramatorsk và Sloviansk ở lân cận Donetsk, các thành phố lớn cuối cùng do Ukraine quản lý trong khu vực.