Khi vận động tranh cử tổng thống 2 năm trước, ông Joe Biden đặt ra một tham vọng kinh tế cao cả là đưa nước Mỹ thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng hai năm trôi qua, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 ngày càng đến gần, một vấn đề “tầm thường” hơn đang chi phối các chính sách của ông. Đó là giá nhiên liệu tại các trạm, theo BBC.
Vào ngày 19/10, Nhà Trắng đưa ra thông báo mới nhất về vấn đề này với cam kết kéo dài thời gian giải phóng dầu từ các kho dự trữ quốc gia đến hết tháng 12, đồng thời đảm bảo với các công ty khai thác rằng chính phủ sẽ tham gia thị trường với tư cách người mua nếu giá giảm xuống quá thấp, theo Reuters.
Động thái này là một phần nỗ lực ứng phó với giá xăng dầu ngày càng tăng cao, kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021.
Khi vấn đề lạm phát được nhiều cử tri quan tâm hàng đầu, các nhà phân tích cho rằng không có gì ngạc nhiên khi tổng thống Mỹ coi giá nhiên liệu là trọng tâm.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Biden nhằm giải quyết vấn đề này vẫn rất đáng chú ý, đặc biệt khi đây là một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.
“Nhà Trắng đã đánh cược mức độ tín nhiệm vào khả năng giảm giá năng lượng. Đó chắc chắn là điều bất thường. Vì thực tế, các tổng thống không kiểm soát giá xăng. Họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm như vậy", Ben Cahill, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
Mối quan tâm đặc biệt
Lịch sử Mỹ cho thấy vận may chính trị được định hình bởi sự lên xuống của giá xăng dầu - một bài học mà ông Biden học được trong nhiều thập kỷ ở Washington.
Ông trải qua nhiệm kỳ nghị sĩ đầu tiên vào năm 1973, khi Mỹ phải đối mặt với lệnh cấm vận dầu mỏ vì ủng hộ Israel. Tình trạng bế tắc lúc đó đã kết thúc sự nghiệp chính trị của ít nhất hai tổng thống.
Và hình ảnh dòng người xếp hàng dài tại các trạm xăng vẫn còn khắc sâu trong ký ức nhiều người dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP. |
Song ông Biden không thừa nhận nỗ lực của mình có động cơ chính trị. Thay vào đó, ông cáo buộc các công ty năng lượng và chiến sự ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao.
"Đối với nhiều gia đình, mọi thứ vẫn còn khó khăn. Lựa chọn của các quốc gia khác đang ảnh hưởng đến giá khí đốt. Đó là lý do tôi hành động mạnh mẽ như vậy", ông nói vào ngày 19/10, đồng thời cam kết làm mọi thứ trong khả năng để hạ giá.
Những bước đi mà ông Biden đã thực hiện cho đến nay - bao gồm giải phóng dầu từ kho dự trữ quốc gia, ra lệnh điều tra các công ty và gây sức ép buộc các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia phải duy trì nguồn cung - hoàn toàn không phải điều mới lạ.
Trên thực tế, sứ mệnh tới vùng Vịnh và khai thác nguồn dự trữ dầu khẩn cấp khi giá tăng là một phần sách lược của Washington suốt nhiều thập kỷ. Cựu Tổng thống Bill Clinton từng làm điều này vào năm 2000. Cựu Tổng thống George W Bush và cựu Tổng thống Barack Obama cũng lặp lại chiến lược này vào năm 2005 và 2011.
Tuy nhiên, quy mô giải phóng dầu của ông Biden - với khoảng 200 triệu thùng kể từ năm 2021 - vượt xa những người tiền nhiệm, khiến các kho dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980.
Raad Alkadiri, giám đốc điều hành tại Eurasia Group, cho biết quyết định sử dụng kho dự trữ để định hình thị trường của ông Biden thể hiện một sự thay đổi lớn.
"Đây là sự can thiệp trực tiếp vào thị trường và đó là điều khác biệt", ông nói, đồng thời lưu ý rằng ông Biden cũng đã thúc đẩy các biện pháp can thiệp khác, chẳng hạn giới hạn giá dầu của Nga.
Mối quan tâm về giá khí đốt cũng là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông Biden.
Trong tháng 10, Nhà Trắng cho biết đang xem xét lại mối quan hệ với Saudi Arabia, vì quyết định của OPEC+ về việc giảm sản lượng dầu.
“Lần đầu tiên trong khoảng 50 năm trở lại đây, (mối quan hệ này) thật sự có khả năng đổ vỡ”, Jeff Colgan, giáo sư và giám đốc Phòng thí nghiệm Giải pháp Khí hậu tại Đại học Brown, cho biết.
Thế khó của ông Biden
Giá xăng đã giảm trở lại sau khi chạm mốc 5 USD/gallon vào tháng 6, nhưng vẫn cao hơn 15% so với một năm trước, và tiếp tục tăng trong những tuần gần đây.
Brooke Riske, 37 tuổi đến từ Virginia, nói rằng chi phí gia tăng đã gây sức ép lên ngân sách của gia đình cô. Và dù không đổ lỗi cho tổng thống về sự gia tăng đột biến, Riske cho rằng ông Biden thiếu giải pháp.
"Nói đến khả năng quản lý đất nước của tổng thống, tôi không nghĩ ông ấy đang làm tốt", cô chia sẻ. "Vấn đề chi phí khí đốt không phải là điều duy nhất thúc đẩy nhận định của tôi, nhưng chắc chắn giúp tôi xác nhận kết luận của mình".
Thống đốc Mecca Khalid Al Faisal tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông đến Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, Nhà Trắng từng nhận được lời khen ngợi khi giá dầu giảm vào mùa hè. Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một phân tích cho thấy việc giải phóng kho dự trữ của Mỹ và các nước khác giúp giá dầu giảm 17-42 cent.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho rằng các yếu tố khác - chẳng hạn sự lo ngại về nền kinh tế - đã khiến giá dầu giảm, và ông Biden đang chơi “trò chơi chính trị” với các kho dự trữ khẩn cấp, đồng thời bỏ qua những thay đổi chính sách có thể tác động đến các công ty dầu khí của Mỹ.
"Xếp hạng tín nhiệm ảm đạm của ông ấy không phải là lý do chính đáng để tiếp tục khai thác trữ lượng dầu quốc gia", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso viết trên Twitter hôm 19/10.
Các nhà phân tích tin rằng Mỹ có lượng dầu dự trữ dồi dào trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là nhờ sản xuất trong nước tăng vọt kể từ khi kho dự trữ được xây dựng vào những năm 1970.
Nhưng điều đó không có nghĩa việc giải phóng kho dầu có thể tiếp tục vô thời hạn.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng đang chịu áp lực từ những người ủng hộ cốt lõi trong việc giữ cam kết xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.
“Chính quyền ông Biden muốn giá xăng thấp hơn, nhưng những người cấp tiến (không hoan nghênh) việc tăng sản lượng dầu và khí đốt ở Mỹ. Thật khó để dung hòa hai điều đó", ông Cahill nói.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang đàm phán với Iran và tìm cách dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela để đa dạng nguồn cung, nhưng các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ quốc gia này có thể cung cấp bao nhiêu.
Nhà Trắng cũng đã thảo luận về việc hạn chế xuất khẩu năng lượng. Vào cuối tháng 9, Bloomberg đưa tin các quan chức cấp cao của Mỹ đã thúc ép giám đốc điều hành của một số nhà sản xuất xăng dầu lớn cắt giảm doanh số bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty năng lượng. Và cuộc tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết.