Tổng thống Mỹ Joe Biden không có gì để nói về bản cáo trạng của người tiền nhiệm Donald Trump. Trên thực tế, ông nói cùng một nội dung theo 4 cách khác nhau với các phóng viên vào hôm 31/3.
"Bản cáo trạng sẽ chia rẽ đất nước?" - “Tôi không có bình luận gì về điều này”.
"Ông có lo lắng về các cuộc biểu tình không?" - “Không. Tôi sẽ không nói gì về bản cáo trạng của ông Trump”.
"Bản cáo trạng thể hiện điều gì về tính thượng tôn pháp luật?" - “Tôi không có ý kiến gì cả”.
"Các cáo buộc có động cơ chính trị không?" - “Tôi không có bình luận gì liên quan tới ông Trump”.
Theo New York Times, chiến lược đằng sau phản ứng “không bình luận” của ông Biden có 2 mục đích. Hai nguồn tin liên quan tới Nhà Trắng tiết lộ ông Biden và các cố vấn muốn tránh tình huống mà ông Trump tìm cách kích động phản ứng của vị tổng thống.
Tuy nhiên, trên hết, các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden tin các tổng thống không nên bình luận về những vấn đề pháp lý đang chờ giải quyết. Dẫu vậy, việc không bình luận về các cuộc điều tra pháp lý vốn là thông lệ với tổng thống Mỹ, cho đến khi ông Trump nhậm chức.
Tránh càng xa càng tốt?
Chiến lược của ông Biden nằm gọn trong lập luận ông đã chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ 2, giữa lúc ông Trump là đối thủ tiềm năng. Vị tổng thống thể hiện sự bình tĩnh và năng lực, trong khi người tiền nhiệm tiếp tục gieo rắc hỗn loạn.
Do đó, khi rời Nhà Trắng tới Mississippi hôm 31/3, ông gần như phớt lờ ông Trump - người tấn công đảng Dân chủ và các thành viên gia đình tổng thống kể từ khi tin tức về bản cáo trạng nổ ra.
Chiến lược hiện tại và mọi lúc là không đáp trả, ngay cả trong những ngày gần đây, ông Trump cảnh báo về “cái chết và sự hủy diệt tiềm ẩn” nếu bị truy tố.
Sáng sớm 31/3, ông viết trên Truth Social: “HUNTER ĐANG Ở ĐÂU?”. Dòng trạng thái này nhằm ám chỉ đến con trai ông Biden, Hunter Biden, người đang đối mặt với cuộc điều tra liên bang về các giao dịch kinh doanh.
Ông Biden liên tục từ chối bình luận về cáo trạng của ông Trump. Ảnh: New York Times. |
“Chắc chắn, họ nên tránh xa chuyện đó. Ông Trump không muốn gì hơn là việc Nhà Trắng nhảy vào. Điều này sẽ giúp ông ấy biến toàn bộ câu chuyện trông giống âm mưu chính trị từ đảng Dân chủ, nhưng trên thực tế không phải vậy”, David Axelrod - cựu cố vấn Tổng thống Barack Obama - nói.
Suốt nhiều năm qua, ông Biden đã đối mặt với những câu hỏi về khả năng liên quan tới vấn đề pháp lý của ông Trump.
Hồi tháng 10/2020, người dẫn chương trình George Stephanopoulos từ ABC News hỏi về cách "Bộ Tư pháp của ông Biden" sẽ xử lý bằng chứng trong Báo cáo điều tra của ông Robert Mueller, trong đó xem xét mối quan hệ giữa chiến dịch bầu cử của ông Trump với Nga hồi năm 2016.
“Những gì Bộ Tư pháp thời Biden sẽ làm là để Bộ Tư pháp là Bộ Tư pháp”, ông Biden nói. “Hãy để họ đưa ra phán quyết ai nên bị truy tố. Họ không phải là luật sư của tôi. Họ không phải luật sư riêng của tôi”.
Tuy nhiên, ông Biden cũng có quan điểm riêng. Theo hai nguồn tin, trước đây, ông nói với nhóm cố vấn thân cận rằng cựu tổng thống là mối đe dọa với nền dân chủ và nên bị truy tố khi xét đến vai trò của ông Trump trong cuộc bạo loạn Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Ông cũng nói mình mong Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland hành động quyết đoán.
Không thể là "người dẫn chuyện"
Hiện tại, tổng thống và các cố vấn đang chờ những cáo buộc chống lại ông Trump. Cựu tổng thống đang đối mặt với hàng loạt cuộc chiến pháp lý khác.
Các công tố viên Georgia dự kiến sớm đưa ra quyết định về việc có truy tố ông Trump và đồng minh liên quan tới nỗ lực can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 của bang hay không.
Nội bộ chính quyền ông Biden cũng không muốn liên quan. Từ châu Phi, hôm 31/3, Phó tổng thống Kamala Harris, cựu công tố viên, cũng từ chối trả lời các câu hỏi về ông Trump.
“Tôi sẽ không bình luận về vụ án hình sự đang diễn ra vì nó liên quan đến cựu tổng thống”, AP dẫn lời bà Harris nói trong buổi họp báo với tổng thống Zambia.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: "Chúng tôi sẽ không bình luận về mọi vụ việc đang diễn ra".
Bà nhấn mạnh ông Biden ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa và chính quyền luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ. Thư ký báo chí nói thêm tổng thống biết về bản cáo trạng của người tiền nhiệm thông qua tin tức hôm 30/3, giống những người Mỹ khác.
Ông Biden và phu nhân tới thăm khu vực bị ảnh hưởng bởi bão tại Rolling Fork, Mississippi hôm 31/3. Ảnh: Reuters. |
Hôm 31/3, ông Biden và phu nhân đi bộ quanh các tòa nhà bị bão phá hủy ở Rolling Fork, Mississippi. Có lúc, ông cúi xuống nói chuyện với trẻ em, trong khi bà Jill trò chuyện với những nhân viên dọn dẹp đống đổ nát.
Eric Schultz, cựu phát ngôn viên của ông Obama, cho rằng so với bản cáo trạng của ông Trump, chuyến đi của ông Biden có khả năng ít thu hút sự chú ý của báo chí hơn nhiều.
Tuy nhiên, không có nhiều lý do để vị tổng thống - người được cho là sẽ tuyên bố tái tranh cử trong những tuần tới - trở thành “người dẫn chuyện” trong câu chuyện pháp lý khổng lồ của ông Trump.
“Ông ấy rất tập chung vào những gì người dân trải qua trong cuộc sống hàng ngày. Đó là vị trí của ông ấy, bất kể người tiền nhiệm bị truy tố bao nhiêu lần đi chăng nữa”, ông Schultz nói.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng người thân của họ, qua đó cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ về cuộc đời của những lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn cả nền chính trị Mỹ.