Ông Trump đang tìm cách ngăn Cơ quan Lưu trữ Quốc gia bàn giao các tài liệu liên quan đến ngày 6/1 cho một ủy ban điều tra của Hạ viện, bằng cách sử dụng đặc quyền hành pháp (executive privilege) của mình, theo AFP.
Đặc quyền này cho phép một tổng thống giữ bí mật thông tin liên lạc nhất định. Các chuyên gia pháp lý đang tranh cãi về việc liệu đặc quyền này có được áp dụng cho một cựu tổng thống hay không.
Thư ký Báo chí Jen Psaki cho biết Nhà Trắng đang "hợp tác với các cuộc điều tra đang diễn ra" và đã xác định rằng yêu cầu sử dụng đặc quyền hành pháp không được chấp nhận đối với bộ tài liệu đầu tiên.
Ông Biden sẽ "đánh giá các yêu cầu sử dụng đặc quyền theo từng trường hợp", nhưng ông tin rằng "điều quan trọng nhất đối với cả quốc hội và người dân Mỹ là phải hiểu đầy đủ về các sự kiện trong ngày hôm đó để ngăn chặn chúng tái diễn", bà Psaki nói.
Ủy ban điều tra vụ bạo loạn ở Điện Capitol đã đưa ra yêu cầu vào tháng 8 về các hồ sơ liên quan đến vụ việc.
Đám đông người ủng hộ ông Donald Trump xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, ngày 6/1. Ảnh: Reuters. |
Trong số các hồ sơ và tài liệu đang được tìm kiếm, có thông tin liên lạc từ ông Trump, thành viên trong gia đình ông, các trợ lý hàng đầu, luật sư, và hàng chục thành viên cũ khác trong chính quyền của ông.
Trong một tuyên bố ngày 8/10, ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ sử dụng quốc hội để "đàn áp các đối thủ chính trị của họ". Ông gửi một bức thư đến người đứng đầu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, nhắc lại những tuyên bố của ông về đặc quyền hành pháp.
Ủy ban điều tra của Hạ viện đã ban hành trát đòi hầu tòa cho bốn cựu trợ lý của Trump, bao gồm Mark Meadows, Kash Patel, Dan Scavino và Steve Bannon.
Politico và Washington Post đưa tin vào ngày 7/10 rằng ông Trump đã bảo bốn cựu cố vấn không hợp tác với cuộc điều tra.
Ủy ban đã cảnh báo bốn người này rằng họ có thể bị buộc tội khinh thường quốc hội nếu từ chối trả lời trát đòi hầu tòa từ ban hội thẩm.