Mỹ đã không có đại sứ chính thức tại Ukraine kể từ năm 2019, khi cựu Tổng thống Donald Trump cách chức đại sứ khi đó là bà Marie Yovanovitch. Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, Tổng thống Biden cho biết ông có kế hoạch tái thiết lập sự hiện diện ngoại giao tại Kyiv, theo NPR.
Hôm 25/4, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ đề cử bà Bridget Brink vào vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine. Để có thể đảm nhận vai trò của mình tại Ukraine, bà cần được Thượng viện Mỹ xác nhận.
Bề dày kinh nghiệm
Bà Brink hiện là đại sứ Mỹ tại Slovakia. Bà dành hơn hai thập kỷ tập trung vào các vấn đề châu Âu và Á - Âu.
"Kinh nghiệm trong hàng thập kỷ khiến bà ấy là người phù hợp duy nhất tại thời điểm này”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 25/4 cho biết.
Bà Brink, đến từ Michigan, đã tốt nghiệp Kenyon College, cũng như Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Bà nói được nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Nga.
Theo tiểu sử chính thức, bà gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1996 và bắt đầu sự nghiệp tại Belgrade, Serbia.
Bà Bridget Brink hiện giữ chức đại sứ Mỹ ở Slovakia. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Trong những năm qua, bà giữ nhiều vai trò tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có vị trí giám đốc phụ trách các vấn đề của vùng Aegean và South Caucasus tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Bà Brink từng là phó đại sứ Mỹ ở Tbilisi, Georgia giai đoạn 2011-2014, rồi chuyển đến Đại sứ quán Mỹ ở Tashkent (Uzbekistan) trong một năm.
Sau đó, bà trở thành cố vấn cấp cao tại Vụ châu Âu và Á - Âu của Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi bà chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Đông Âu và vùng Caucusus. Ông Trump đã đề cử bà Brink làm đại sứ tại Slovakia vào năm 2019.
Hiểu biết sâu rộng về khu vực
Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 8/2019, Brink đã thảo luận về mối quan hệ sâu sắc của bà với châu Âu. Bà đã mô tả đó là "mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương" trong toàn bộ cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Cụ thể, bà đã nhớ lại thời điểm bản thân còn là một sinh viên ở London khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bên cạnh đó, bà cũng kể một câu chuyện về trải nghiệm của gia đình mình trong Thế chiến II.
"Gần 80 năm trước, Ada McIntyre - bà của chồng tôi, sống sót sau đợt dội bom Blitz ở Manchester, trong khi Bernard McIntyre - chồng bà đã dũng cảm giúp sơ tán những người lính bị mắc kẹt ở Dunkirk với tư cách là một thành viên củaHải quân Hoàng gia Anh", bà nói.
Ngoài ra, một bác sĩ trẻ của quân đội Mỹ tên Donald Brink đã hai lần điều trị cho tư lệnh Mỹ trong cuộc chiến ở châu Âu, bà chia sẻ.
Bà Brink là nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Slovakia. |
Theo chia sẻ của bà, ông và hai bác sĩ khác đã được gọi đến để khám sức khỏe cho tướng Dwight Eisenhower, nhằm xác định liệu ông có đủ điều kiện thăng hạng.
Bà Brink cho biết ông của mình thấy huyết áp của tướng Eisenhower hơi cao nên khuyến khích ông "nằm xuống trong vài phút và nghĩ về những điều vui vẻ". Và điều đó đã có hiệu quả, ông Eisenhower vượt qua bài kiểm tra thể chất.
"Họ gọi phần còn lại là lịch sử", bà Brink nói. "Tướng Eisenhower được thăng chức, trở thành kiến trúc sư của chiến dịch Normandy, và sau đó là tổng thống Mỹ", bà cho biết.
Cũng trong bài phát biểu đó, bà Brink đã gửi lời cảm ơn đến nhiều người cố vấn, đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình, bao gồm cả hai người con, chồng và bố mẹ chồng người Anh của mình.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Brink đã đến thăm biên giới Ukraine - Slovakia vào ngày 25/2, một ngày sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine.
Vào thời điểm đó, bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine và hợp tác chặt chẽ với Slovakia để giúp nước này đáp trả cuộc tấn công của Nga. Bên cạnh đó, bà cảm thấy rất ngưỡng mộ khi chứng kiến viện trợ mà quân đội Slovakia cung cấp cho Kyiv.