“Từ khi giao tranh bắt đầu, chúng tôi có một đội ngũ tại Ba Lan phụ trách xử lý công việc”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 24/4 nói với báo chí, theo AFP. “Từ tuần này, họ có thể di chuyển hàng ngày đi sang Lviv (Ukraine), và dần khôi phục sự hiện diện tại Kyiv”.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong những ngày tới, Tổng thống Joe Biden dự kiến đề cử đại sứ Mỹ tại Slovakia làm tân đại sứ tại Kyiv. Vị trí đại sứ Mỹ tại Kyiv bị bỏ trống từ năm 2019.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường vào ngày 23/4 từ sân bay Không quân Andrew tại Maryland. Ảnh: AFP. |
Trước đó, các nước châu Âu, bao gồm Anh, tuyên bố sẽ mở lại hoạt động của đại sứ quán tại Kyiv.
Theo Washington Post, các quan chức Mỹ cho biết việc tái thiết lập hiện diện ngoại giao tại Ukraine sẽ cho phép nhân viên đại sứ quán phối hợp sát sao hơn với quan chức Ukraine, sau đó nối lại các dịch vụ lãnh sự.
Trong cuộc gặp ngày 24/4, ông Blinken và Austin còn cho biết Mỹ sẽ cung cấp hơn 300 triệu USD hỗ trợ tài chính quân sự cho Ukraine để nước này mua thêm các hệ thống phòng không hiện đại và tích trữ thêm vũ khí tương thích chuẩn NATO.
Đây là một phần trong khoản viện trợ tổng trị giá 713 triệu USD viện trợ quân sự mà Mỹ cung cấp cho hơn một chục nước trong khu vực, theo Wall Street Journal.
Chuyến đi của hai quan chức nội các Mỹ tới Kyiv là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Mỹ tới Ukraine kể từ đầu giao tranh tại Ukraine bùng nổ. Chuyến đi được giữ bí mật và chỉ được phía Mỹ xác nhận sau khi đoàn Mỹ rời khỏi Ukraine.