Người khởi nghiệp muộn
- Không ham mê, trong khi nuôi một đội bóng đá chuyên nghiệp rất tốn kém, thế tại sao cho tới giờ ông vẫn còn đeo đuổi việc này?
- Mục tiêu ban đầu của tôi là cầm hộ đội bóng trong một năm, và hoàn toàn không có tư tưởng làm bóng đá lâu dài. Nói thật tôi muốn nghỉ và nhiều lần mong muốn trả lại đội bóng cho tỉnh mà không được. Nhưng năm nay là mùa bóng thứ 4 mà tôi vẫn chưa thể bàn giao lại và tiếp tục phải nhận quản lý đội bóng.
Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Đệ. |
Tôi từ chối vì cảm thấy không đủ khả năng, tôi xây trường học, bệnh viện thì lấy đâu ra tiền mà làm bóng đá và đặc biệt, tôi cũng không có nhu cầu quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh bảo tôi làm vì tỉnh, vì tôi là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hoá, có tiếng nói trong cộng đồng doanh nghiệp, và vì danh dự của tỉnh nhà.
Tôi khẳng định không có ý định làm bóng đá lâu dài, có người thay là nghỉ ngay, làm nghề này có thể "chết" bất cứ lúc nào vì quá căng thẳng.
- Ông nghĩ, cơ hội kinh doanh từ bóng đá Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng sẽ như thế nào trong thời gian tới?
- Trong thời gian 5 năm tới, thì không thể kinh doanh được gì từ bóng đá, mà bóng đá vẫn phải sống dựa vào tài trợ quảng cáo.
VPF, VFF và các đội bóng hiện đều thiếu thốn nguồn thu, nên hoạt động bóng đá vẫn là hình thức Nhà nước và người dân cùng làm. Nhà nước quản lý hỗ trợ, người dân là huy động từ doanh nghiệp.
Ông từng có nhiều năm làm việc trong ngành công an... Điều gì đã khiến ông quyết định dấn thân vào kinh doanh sau khi rời ngành này, vào thời điểm gần tuổi 50?
Kết thúc sự nghiệp sau 25 năm ở ngành công an, tôi coi như đã hoàn thành một nhiệm vụ rất quan trọng được Đảng và Nhà nước giao cho. Tôi nghỉ hưu và từ đó đến nay, tôi vẫn nhận lương hưu chế độ của nhà nước.
Sau nghỉ hưu, tôi nhận thấy ở thời điểm đó có thể nói là mình đang ở giai đoạn sung mãn và chín chắn. Bên cạnh đó, trước hoàn cảnh đất nước đang đổi mới và nhìn về thực trạng kinh tế tỉnh nhà, tôi thấy có rất nhiều việc cần chung tay làm. Vì thế, tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 2002.
Khởi đầu, tôi từng đi buôn một cách rất "thị trường", từ gạo, xoài... cho đến các mặt hàng dân dụng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Đảng và Nhà nước bắt đầu xã hội hóa hoàn toàn lĩnh vực vận tải ôtô hành khách, mà phương tiện trên địa bàn Thanh Hóa đông nhất nhì cả nước.
Cho nên, tôi thành lập hợp tác xã Hợp Lực để quy hoạch quản lý các đầu phương tiện vận tải trong tỉnh, khởi đầu bằng 25 đầu xe của xã viên.
- Ông thường làm gì trước mỗi lần đối đầu với thử thách hay "rào cản"?
- Khi lập hợp tác xã rồi, trong những ngày đầu, việc hoạt động rất khó khăn do một phần là cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước theo không kịp hoạt động doanh nghiệp.
Thời gian đầu, do chưa có văn phòng và bãi đỗ cho 25 đầu xe, tôi đã phải thuê một miếng đất bỏ hoang của một công ty thực phẩm. Nơi trước đó bọn lưu manh, trộm cắp chọn làm địa điểm tập kết hằng đêm. Khi làm bãi xe, giới giang hồ luôn gây khó khăn và tìm cách phá hoại.
Sau đó một năm, số lượng đầu xe tăng lên gần 80 chiếc, trong khi mảnh đất quá hẹp. Tôi tiếp tục phải thay đổi vị trí sang nơi rộng hơn, nhưng cũng chỉ tồn tại được 5 năm thì tỉnh lại quy hoạch và thu hồi làm chợ. Liên tục bị phá hoại và thường xuyên phải thay đổi địa điểm làm việc, khiến hoạt động kinh doanh gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí của người lính, tôi phải tìm cách vượt qua.
Năm 2004, khi quỹ đất dành cho vận tải có xu hướng bị thu hẹp, tôi quyết định rút dần khỏi lĩnh vực này và chuyển hướng sang kế hoạch xây dựng bệnh viện phục vụ nhân dân trong tỉnh. Khi mới làm, bệnh viện chỉ có 100 giường bệnh và thiếu thốn đủ bề. Cùng với đó, là sự cản trở và không đồng thuận của một số cán bộ quản lý nhà nước, mà đặc biệt trong ngành y.
Mặc dù vậy, bệnh viện Hợp Lực vẫn ra đời và liên tục được mở rộng. Đến thời điểm này, bệnh viện đã có 400 giường bệnh. Thành công của bệnh viện Hợp Lực chứng tỏ việc xã hội hóa phù hợp với đường lối phát triển của nước nhà và tâm tư của người dân.
- Vì sao ông lần lượt đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh vốn rất khó như vận tải, bệnh viện...?
- Để tới được thành công, chúng tôi cũng còn cần tới rất nhiều nghị lực để vượt qua những điều tưởng không qua được. Công bằng mà nói là nhờ cả "ông Trời" hỗ trợ. Nghị lực của tôi có lẽ một phần được tôi luyện từ khi còn làm công an, kết hợp với sự va đập trên trường đời sau khi rời ngành.
Trong hoạt động của mình, tôi không ngờ lúc nghỉ hưu còn nặng gánh hơn khi còn công tác. Ngoài việc lo cho doanh nghiệp cho hàng nghìn người lao động, tôi thấy bản thân mình còn phải có trách nhiệm với xã hội. Bởi thế, bằng khả năng, tôi đã kêu gọi để gây quỹ an ninh trật tự nhằm khuyến khích người dân tố giác và bắt tội phạm tại địa phương.
Muốn thành công trong kinh doanh thì môi trường xã hội cần phải bình ổn.
"Ông Trời" bắt tôi phải làm
- Ông hiện đang sở hữu bao nhiêu công ty, thuộc các ngành nghề gì?
- Doanh nghiệp riêng của tôi luôn gắn liền với mục tiêu phục vụ xã hội và gần như không mang lại lợi nhuận. Tôi có kinh doanh nhưng không theo mục tiêu lợi nhuận, như bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người dân, trường trung cấp y dược để trồng người, vận tải đưa hàng hóa cho người dân, công ty dược là để chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, tôi còn làm cho đội bóng tỉnh nhà.
Nhiều lúc tôi nghĩ tôi không thể làm được, nhưng dường như "ông Trời" bắt tôi phải làm, mà làm toàn việc xã hội. Tới đây, tôi sẽ đầu tư xây lò hỏa thiêu không chỉ cho Thanh Hóa mà cả Nghệ An.
- Cùng lúc làm nhiều việc, ông sắp xếp thời gian như thế nào?
- Tôi dành tới 70% thời gian cho các hoạt động xã hội, còn doanh nghiệp riêng tôi lựa chọn cách điều hành có phần khác biệt. Chẳng hạn, tôi giao ban chỉ đạo 5 đơn vị thành viên trong các bữa ăn trưa hằng ngày, và không bao giờ tôi tắt điện thoại,… Tôi rất chịu khó lắng nghe và ý thức xây dựng một “đội quân” đủ tín, đủ tin để giao trách nhiệm.
- Gia đình ông chia sẻ cùng ông như thế nào trong quá trình kinh doanh?
- Thời điểm bắt đầu lao vào thương trường, vợ và gia đình không đồng ý và luôn tìm cách ngăn cản. Tuy nhiên, sau một năm quyết tâm làm việc, thì gia đình bắt đầu ủng hộ. Giờ, vợ tôi rất chia sẻ thông cảm và cùng tham gia quản lý, bà hiện đang là trưởng ban kiểm soát của tập đoàn Hợp Lực.
Dù vợ tôi giữ vai trò trưởng ban kiểm soát nhưng quan điểm của tôi là quản lý cả hệ thống thì không nên quản lý kiểu gia đình, dạng chồng giám đốc vợ thủ quỹ. Tôi hoàn toàn không có khái niệm gia đình trị nên kế toán trưởng hay các vị trí quản lý đều là người ngoài và chỉ giao cho bà ấy quyền kiểm soát.