Tuần trước, các nhà khoa học thuộc Sở Nông nghiệp bang Washington (WSDA) đã bắt được một con ong bắp cày khổng lồ châu Á - vốn được gọi là ong bắp cày "sát thủ" với nọc độc chết người và đang đe dọa quần thể ong bản địa tại Mỹ.
Trong một cuộc họp báo hôm 12/10, nhà côn trùng học Sven Spichiger cho biết họ sử dụng chỉ nha khoa để gắn thiết bị theo dõi vào cơ thể con ong.
Con ong bắp cày khổng lồ châu Á được gắn thiết bị theo dõi bằng chỉ nha khoa vào ngày 7/10 trước khi được thả. Ảnh: Sở Nông nghiệp bang Washington. |
Khi thả ong bắp cày vào tự nhiên trên cây táo, các nhà khoa học đã bước đầu thành công trong việc theo dõi cá thể côn trùng này. Nhưng sau một thời gian, họ không thể xác định được tín hiệu bởi con ong bay vào một khu vực cây cối rậm rạp rồi nhanh chóng biến mất khỏi tầm theo dõi của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, hy vọng vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn, theo ông Spichiger.
“Chúng tôi đã đoán được đường bay ban đầu của con ong. Chúng tôi đã gặp một vài chủ đất và cũng có thêm vài nhân chứng về việc nhìn thấy con ong bắp cày vài tuần trước hoặc hồi đầu mùa hè. Do đó, chúng tôi có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm chiếc tổ ong bắp cày này".
Con ong bắp cày đậu trên cây táo, trước khi nó trốn thoát. Ảnh: CNN. |
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học ở bang Washington cố tìm kiếm một con ong bắp cày khổng lồ. Các chuyên gia đã tổ chức một cuộc tìm kiếm như vậy hồi đầu năm nay, nhưng chip định vị trên con ong đã bị rơi mất do dán chưa kĩ.
Ông Spichiger nói rằng có ít nhất hai tổ ong bắp cày châu Á khổng lồ ở quận Whatcom, Washington, có khả năng lên tới ba tổ.
Một khi định vị được tổ ong, các nhà khoa học dự định hút hết ong bắp cày trong tổ ra và dùng CO2 để xử lý những con ong còn lại trong tổ.
Ong bắp cày khổng lồ châu Á là họ ong bắp cày lớn nhất toàn thế giới, theo WSDA, với chiều dài có thể lên tới 5 cm. Loài ong này đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tiêu diệt một tổ ong mật chỉ trong vài giờ bằng cách giết sạch đàn ong.
Cũng theo WSDA, nếu ong bắp cày được thả tự do trong bang, nó sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên, kinh tế và cả sức khỏe cộng đồng.
Dựa vào báo cáo năm 2019, đã có 18 con ong bắp cày châu Á khổng lồ được phát hiện ở Washington. Tuy nhiên, con số trong thực tế có thể lớn hơn nữa.