Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ớn lạnh với 'quy trình' sản xuất chà bông

Sản xuất chà bông ở chuồng heo, chủ cơ sở sử dụng chất cấm. Thậm chí bà chủ còn tráo bột cho công nhân vác ra xe khi lực lượng chức năng đem chà bông có độc tố đi tiêu hủy.

 Sản xuất chà bông lậu ở... chuồng heo

Ngày 6/1, ông Nguyễn Hữu Đính, Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM), cho biết đã tống đạt quyết định xử phạt của UBND quận 12 tới 2 cơ sở sản xuất chà bông lậu trên địa bàn phường tổng cộng 42 triệu đồng. Hai cơ sở sản xuất chà bông bị xử phạt là của bà Trần Thị Bình (41 tuổi, ở tổ 10, khu phố 6) và cơ sở của bà Nguyễn Thị Đào (35 tuổi, ở tổ 39, đường HT44, khu phố 3).

 Trước đó, ngày 24/12/2014, Tổ kiểm tra liên ngành của UBND phường Hiệp Thành (quận 12) do ông Nguyễn Hữu Đính làm tổ trưởng, phối hợp với Trạm thú y quận 12 và Đội QLTT 12B, tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến chà bông do bà Bình làm chủ.

Toàn bộ khu vực xưởng sản xuất chà bông của bà Đào được làm từ chuồng heo cũ.

Tại thời điểm kiểm tra, xưởng chế biến chà bông của bà Bình có 7 lò đang hoạt động trong một mặt bằng khoảng 100 m2, nhếch nhác hôi hám, lại sát bờ ao rất mất vệ sinh.

6 công nhân không bảo hộ lao động đang hăng say làm việc. Kiểm tra toàn bộ khu vực xưởng sản xuất, các cán bộ đều lắc đầu bởi các dụng cụ dơ bẩn, nền đất đen sì, công nhân tay không bốc chà bông bỏ vào chảo, cho vào máy xay. Bà Bình đang ngồi dưới nền đất chế đường ra từng chậu nhỏ, để tạo màu trước khi tẩm cho chà bông ruồi đậu đen kín. “Em biết sai rồi mong các bác bỏ qua...”, bà Bình luôn miệng thanh minh.

Tổ kiểm tra yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan, thì bà Bình biện minh “chúng em mới sản xuất, đang làm hồ sơ xin quận, nhưng chưa được”. Theo lời khai của bà Bình, xưởng sản xuất chà bông của bà mới làm được vài tháng nay, mỗi ngày sản xuất trên 100kg chà bông thành phẩm.

Để hạ giá thành, bà mua thịt gà về luộc chín, sau đó cho công nhân xé thịt nhỏ. Trước khi cho vào chảo sấy khô, số thịt này được trộn thêm bột mì cho nặng ký. Tiếp đến chà bông khô được chuyển qua công đoạn đánh tơi. Cuối cùng là đóng gói mỗi bịch 5kg không nhãn mác, cho công nhân mang đi giao sỉ cho các đại lý ở nhiều chợ trong thành phố. 

Đoàn công tác lập biên bản cơ sở của bà Bình vi phạm 3 lỗi như không giấy phép, không có giấy an toàn thực phẩm, không có giấy kiểm dịch.

Cùng vào thời điểm trên, Tổ kiểm tra khác bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất chà bông của bà Nguyễn Thị Đào (ở khu phố 3). Cơ sở sản xuất chà bông của bà Đào có 11 lò, trong đó có 10 đang hoạt động. 7 công nhân đang tất bật với công việc chế biến thịt gà thành chà bông. Xưởng rộng khoảng 200m2, với la liệt lò rang, khay đựng thịt gà mới xé, máy đánh tơi dưới nền đất đen sì, bụi bẩn, ruồi đậu đen kín.

Theo lời khai của bà Đào, cơ sở sản xuất chà bông được thuê vốn là chuồng nuôi heo, sau đó sửa qua để làm nơi sản xuất. Mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất từ 100 - 150kg chà bông không nhãn mác, giao cho công nhân mang đi tiêu thụ ở Chợ Lớn và các đại lý ở các quận huyện trong thành phố.

Tổ kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm dịch, nhưng bà Đào không đưa ra được bất kỳ loại giấy nào.

Tổ kiểm tra lập biên bản cơ sở chế biến chà bông của bà Đào vi phạm 4 lỗi:  không giấy phép kinh doanh, không giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không giấy kiểm dịch theo quy định và sử dụng chất cấm.

Sử dụng chất cấm theo yêu cầu của khách?

Không chỉ mua gà trôi nổi không có giấy chứng nhận kiểm dịch, Tổ kiểm tra còn phát hiện khu vực đổ rác (cách khu chế biến 10m) có 7 vỏ bao đường hóa học của Trung Quốc. Đây là một chất trong danh mục cấm sử dụng cho thực phẩm. Khi bị chất vấn, bà Bình chỉ thừa nhận trước đây cơ sở của bà có sử dụng loại hóa chất này, nhưng đã lâu không sử dụng nữa, đó là vỏ bao cũ.

Xay chà bông ở cơ sở bà Bình.

Đặc biệt, tại cơ sở của bà Đào, Tổ kiểm tra phát hiện có dấu hiệu sử dụng chất cấm như cơ sở của bà Bình. Bằng chứng là một vỏ bao lớn (loại 20 kg) và 3 vỏ bao loại 1kg toàn chữ Trung Quốc vừa dùng hết, vẫn còn ướt. Bà Đào thừa nhận đã sử dụng loại đường cấm này theo yêu cầu của khách.

Đến khoảng 11h30, cả bà Đào và bà Bình đều ký vào biên bản vi phạm. Tổ kiểm tra đã mang toàn bộ số chà bông bị thu giữ (tổng cộng 213kg) tới bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) tiêu hủy ngay.

Trong quá trình vận chuyển chà bông bị thu giữ lên xe mang đi tiêu hủy, bà Đào nhanh tay tráo bao bột cho công nhân vác ra xe, nhưng bị phát hiện.

Ông Nguyễn Hữu Đính, Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho biết: “Hai cơ sở sản xuất chà bông này là sản xuất lậu, thịt gà mua trôi nổi không có giấy kiểm dịch, cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm và sử dụng hóa chất độc hại, nên buộc phải tiêu hủy ngay lập tức. Bên cạnh việc tiêu hủy sản phẩm để không gây ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi còn buộc đóng cửa hai cơ sở này cho đến khi hội tụ đủ các giấy phép hành nghề. Riêng cơ sở của bà Đào tái vi phạm, chúng tôi sẽ làm báo cáo xin ý kiến của UBND quận 12”.

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=531924

Theo Quỳnh Anh/Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm