Số ca bệnh Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ.
Một số nơi thậm chí ghi nhận mức tăng đột biến và dự đoán rằng số ca nhiễm Omicron sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo trong vài tuần tới. Điều này đang làm dấy lên lo ngại rằng cơ chế tiêm chủng hiện tại không đủ mạnh để chống lại biến chủng này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nhiều tuần kêu gọi tất cả người Mỹ đủ điều kiện đi tiêm nhắc lại, vì các chuyên gia đã cảnh báo rằng biến chủng mới có khả năng tránh được kháng thể từ các liều vaccine cơ bản.
Nhiều nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng việc tiêm tăng cường có thể làm tăng mức độ kháng thể lên đủ cao để chống lại virus, theo Washington Post.
Một điểm tiêm chủng di động tại New York. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ và cố vấn cho chính quyền Biden, nói rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã sẵn sàng thay đổi định nghĩa về việc tiêm chủng đầy đủ. Theo đó, định nghĩa mới sẽ bao gồm các mũi tiêm nhắc lại.
Ông Fauci hôm 17/12 cho biết vấn đề đang được thảo luận nhưng không chắc chắn khi nào sẽ đi đến quyết định cuối cùng, theo CNBC.
“Không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu muốn được bảo vệ một cách tối ưu, bạn cần tiêm tăng cường”, ông nói.
“Điều nên làm”
CDC cho biết trên trang web của mình rằng “mọi người vẫn được coi là tiêm phòng đầy đủ” nếu đã tiêm 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, hay một liều Johnson & Johnson.
Việc thay đổi định nghĩa có thể khiến nhiều người không thể ra vào các địa điểm yêu cầu tiêm chủng đầy đủ.
Theo dữ liệu của CDC tính đến ngày 18/12, chưa đầy 18% người Mỹ đã được tiêm nhắc lại, trong khi 61% người dân được tiêm chủng đầy đủ theo định nghĩa CDC hiện hành.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul tuần trước cho biết trên MSNBC rằng bà đang “hành động” để mở rộng định nghĩa về việc tiêm chủng đầy đủ trong tiểu bang.
“Tôi tin rằng đó là điều nên làm và chúng tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực ở New York”, bà nói, đồng thời lưu ý rằng chính quyền của bà đang tìm cách điều chỉnh các quy định đối với những người mới được tiêm phòng và chưa đủ điều kiện để tiêm nhắc lại.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, Jonathan Ball, giáo sư virus học tại Đại học Nottingham ở Anh, cảnh báo không nên phụ thuộc vào vaccine tăng cường như một phương tiện nhằm cố ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ông nói: “Vaccine được tung ra để giảm thiểu bệnh tật chứ không phải ngăn chặn lây nhiễm. Hiện tại, một số nơi như Anh đang sử dụng vaccine tăng cường để giảm số ca nhiễm”.
“Điều này có thể hiệu quả trong ngắn hạn”, ông nói thêm nhưng lưu ý rằng biện pháp này sẽ nhanh chóng suy yếu.
“Tôi nghĩ cần tập trung vào việc tiêm phòng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và tăng tỷ lệ tiêm ở những nhóm này lên càng cao càng tốt”.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu đầy đủ rủi ro của biến chủng Omicron, cũng như xem xét các loại vaccine hiện hành có tác dụng ở mức độ nào đối với biến chủng này.
Trong số 43 trường hợp nhiễm Omicron ở Mỹ mà CDC có "chi tiết đầy đủ" vào ngày 8/12, có 14 người đã được tiêm nhắc lại. 5 trong số 14 người đó đã phát bệnh sau khi tiêm chưa đầy 14 ngày.
Hàng loạt quốc gia đang tái định nghĩa tiêm chủng đầy đủ
Yêu cầu về việc phải tiêm vaccine tăng cường đã xuất hiện tại một số địa điểm ở Mỹ.
Đại học New York cho biết tất cả sinh viên và nhân viên đủ điều kiện sẽ được yêu cầu xuất trình bằng chứng về việc tiêm tăng cường trước ngày 18/1/2022.
Giải Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) Mỹ tuần trước nói với các đội bóng rằng họ sẽ yêu cầu huấn luyện viên và một số nhân viên tiêm nhắc lại.
Bắt đầu từ ngày 17/1, những người muốn vào Nhà hát Opera Metropolitan ở New York cần phải xuất trình chứng nhận đã tiêm nhắc lại.
Một bảo tàng ở New York yêu cầu khách tham quan phải trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AFP. |
Một số quốc gia đang thực hiện sự thay đổi này. Israel đã bắt đầu yêu cầu người dân tiêm nhắc lại nếu muốn duy trì “Thẻ xanh” hợp lệ để vào nhà hàng và các địa điểm tổ chức sự kiện.
Hàn Quốc từ ngày 20/12 bắt đầu áp dụng biện pháp tương tự, yêu cầu tiêm nhắc lại trong vòng 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Các quan chức y tế ở một số quốc gia khác cho biết họ có thể làm theo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết tại một cuộc họp báo hôm 14/12 rằng cần phải tiêm một mũi tăng cường để được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ở Áo, khách nhập cảnh chưa tiêm nhắc lại sẽ cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus, theo Bloomberg.
Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin, nói rằng những người đã được chủng ngừa sẽ cần phải tiêm liều thứ 3 trước tháng 2/2022 nếu muốn duy trì trạng thái “tiêm chủng đầy đủ”.