Chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc với đại dịch Covid-19 đã trở thành chủ đề tranh luận mới của các nhà kinh tế. Nhiều người cho rằng về mặt kinh tế, cái giá phải trả cho chính sách này đang ngày càng “không thể chịu nổi".
Dù các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt đã chứng tỏ thành công sớm trong đại dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron đang làm đảo lộn tình hình.
Biện pháp phong tỏa được áp đặt thường xuyên hơn đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế gia tăng, sức mua tiêu dùng trong nước thêm kiệt quệ, trong khi sự bất mãn của công chúng lên cao, theo South China Morning Post.
“Cần phải có một cách tiếp cận đi trước. Trung Quốc không thể tiếp tục với chính sách đang được thực hiện”, Chen Xingdong, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại BNP Paribas cho biết.
Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch bùng phát lẻ tẻ mới bên cạnh mối đe dọa từ biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đang đối mặt với một làn sóng dịch bùng phát lẻ tẻ mới bên cạnh mối đe dọa từ biến chủng Omicron. Thành phố Tây An ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây, nơi có 13 triệu người sinh sống, đã trở thành tâm chấn đại dịch mới tại nước này.
Thách thức trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid-19"
Theo chính sách “Zero Covid-19”, toàn thành phố Tây An đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/12/2021. Những hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng, bao gồm cả yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.
Tưởng chừng giống như những lần trước, Tây An sẽ nhanh chóng dập được dịch. Thế nhưng, các quan chức địa phương lại đang bị kỷ luật vì "không sâu sát, nghiêm khắc trong nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát đại dịch", trong khi người dân phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực và khả năng tiếp cận nguồn y tế bị hạn chế.
“Chúng ta phải học được một bài học từ Tây An”, ông Chen nói. “Có vẻ như không phải tất cả chính quyền địa phương đều có thể thực hiện chính sách (Zero Covid-19) một cách lý tưởng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính phủ nên trở nên thực tế hơn”.
“Có vẻ như chính phủ đã nhận ra cái giá phải trả của chính sách này. Nó rất khó để tiếp tục”, ông nhận định.
Ông cho biết một tín hiệu tốt là Hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên vào tháng trước đã nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đạt được “sự cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế”.
“Chúng tôi hy vọng chính sách ‘Zero Covid-19’ được nới lỏng, nhưng chúng tôi không biết các biện pháp nới lỏng sẽ như thế nào và khi nào điều này được thực hiện”, ông Chen chia sẻ.
Ông cho hay các chuyên gia đang kỳ vọng rằng sau Thế vận hội mùa đông 2022, chính sách chống dịch của Bắc Kinh có thể có một số điều chỉnh.
“Nhưng việc nới lỏng sẽ đi đến mức độ nào? Tôi nghĩ đây vẫn là một câu hỏi lớn”, ông nói thêm.
Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện "Zero Covid-19" khi đối mặt với biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
Eurasia Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ, đã đưa chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc lên hàng đầu trong danh sách 10 rủi ro chính trị được công bố vào ngày 3/1. Điều này cho thấy việc tiếp tục chính sách này sẽ phản tác dụng, không chỉ với Trung Quốc mà còn ảnh hưởng nặng nề hơn đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức khác, như mô hình tăng trưởng kiệt quệ, nền kinh tế dư thừa và mất cân bằng, cùng già hóa dân số, chính sách Zero Covid-19 là rủi ro nghiêm trọng nhất.
Theo Eurasia Group, chính sách này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến nhu cầu tiêu dùng và mức tăng trưởng, trong khi châm ngòi cho những “xích mích” trong xã hội.
“Trung Quốc đang ở trong tình thế khó khăn. Chính sách Zero Covid-19 trông có vẻ cực kỳ thành công vào năm 2020. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành cuộc chiến chống lại một biến chủng dễ lây lan hơn, với các đợt phong tỏa lớn hơn trong khi hiệu quả vaccine hạn chế”, theo báo cáo.
Cơ quan tư vấn nhấn mạnh trước biến chủng mới, chính sách của Trung Quốc có thể không ngăn chặn được dịch bệnh, kéo theo các đợt bùng phát lớn hơn, và những biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn.
Cuối cùng, điều này dẫn đến sự gián đoạn kinh tế và thêm sự can thiệp của nhà nước. Một số người dân sẽ dần bất mãn, khó chịu với câu thần chú chiến thắng “Trung Quốc đã đánh bại Covid-19” của các phương tiện truyền thông nhà nước.
“Từ bỏ là thừa nhận thất bại"
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura, cho biết Trung Quốc có thể sớm đạt đến “điểm uốn”. Đó là khi thiệt hại còn lớn gấp đôi lợi ích đạt được từ chiến lược "Zero Covid-19". Mặc dù vậy, chính sách này có thể được gia hạn đến năm 2022.
“Việc từ bỏ (chiến lược Zero Covid-19) bây giờ được coi như sự thừa nhận rằng chiến lược này không hiệu quả ngay từ đầu”, ông Lu nói.
Điều này đi ngược lại mong muốn của nhà hoạch định chính sách, những người đang tìm kiếm bước đi thận trọng trong giai đoạn thay đổi lãnh đạo cả thập kỷ mới có một lần.
Khi hầu hết quốc gia chọn sống chung với Covid-19, Trung Quốc trở thành nước duy nhất theo đuổi chính sách "không khoan nhượng". Ảnh: Reuters. |
Chanel NewsAsia cũng cho rằng không có chuyện Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách y tế vào năm sẽ diễn ra đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng Sản - được cho là sẽ tán thành nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên thực tế, ông chính là người đã thúc đẩy chính sách "Zero Covid-19", và “từ bỏ chính sách thì chẳng khác gì thừa nhận thất bại”.
Khi hầu hết quốc gia chọn sống chung với Covid-19, Trung Quốc trở thành nước duy nhất theo đuổi chính sách "không khoan nhượng". Việc duy trì nó có thể ngày càng tốn kém, đồng thời làm tăng nguy cơ nước này bị loại khỏi các hoạt động thương mại dịch vụ toàn cầu, chẳng hạn như du lịch, ông Lu nói.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 8,5% và 5,4% xuống còn lần lượt là 8% và 5,1% vào năm 2021 cùng 2022.