Người giữ vàng đã mất 2,5 triệu đồng trong năm 2015 |
Cụ thể, theo tính toán của các doanh nghiệp vàng trong nước, giá vàng SJC trong nước năm 2015 đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng giảm khiến thị trường phân theo 2 luồng: Một là bán ra sợ giá giảm thêm, hai là mua vào tích trữ. Tuy nhiên, so với các năm trước, hoạt động giao dịch vàng có phần trầm lắng hơn rất nhiều.
Trên thế giới, phân tích của trang vàng kitco.com, giá vàng thế giới đã khép lại năm 2015 ngay sát ngưỡng 1.060 USD/Oz, giảm 10,8% so với thời điểm đầu năm. Đây là năm giảm giá thứ ba liên tiếp của kim loại quý này. Trước đó, tính từ năm 2001 tới 2011, giá vàng thế giới đã tăng hơn 600% và lập mức cao kỷ lục 1.923 USD/Oz.
Các cuộc trưng cầu ý kiến gần đây cho thấy, đại đa số giới đầu tư cho rằng, nhiều khả năng thị trường vàng sẽ "rơi" xuống mốc rào cản tâm lý 1.000 USD/Oz và có thể đạt mức thấp 800 USD/Oz bởi nhiều yếu tố tiêu cực như sự phát triển kinh tế toàn cầu và suy đoán về việc Fed nâng lãi suất tiếp.
"Liệu giá vàng có thể phục hồi trong năm 2016?", ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sàn vàng VBG cho biết: Theo quy luật thị trường lâu nay, một khi đồng USD tăng giá, không chỉ có vàng mà các hàng hóa khác cũng sẽ giảm, do nhà đầu tư sẽ "buông" các công cụ đầu tư khác để trở lại với USD.
'Tuy nhiên, người dân, nhất là ở khu vực châu Á, thói quen giữ vàng sẽ khó loại bỏ nên họ sẽ tìm cơ hội mua vào khi vàng xuống giá", ông Hải nhìn nhận.
Cũng theo ông Hải, hiện nhu cầu thực không chỉ của người dân mà của các nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường vẫn có.
Có nên "ôm" vàng năm 2016, ông Hải cho rằng, để có thể hạn chế rủi ro khi các kênh đầu tư chưa hồi phục rõ nét, người có tiền nhàn rỗi có thể: Đầu tư một ít vào trái phiếu Chính phủ thông qua các quỹ đầu tư; bỏ một ít vào vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hoặc có thể đầu tư một ít cổ phiếu của những công ty mới thành lập có tiềm năng.
Hiện, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở ngưỡng 3,92 triệu đồng/lượng.