Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Olympics: Những khoảnh khắc ngọt ngào trong quan hệ Hàn - Triều

Quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên qua các kỳ Olympics là ví dụ cho việc thể thao có thể xoa dịu căng thẳng chính trị nhưng cũng có thể trở thành "nạn nhân" của cuộc xung đột.

Olympics Rio de Jainero tại Brazil mùa hè 2016 đã chứng kiến khoảnh khắc đoàn tụ ngắn ngủi của Hàn Quốc và Triều Tiên, đó là khi hai vận động viên thể dục dụng cụ Lee Eun Ju, đội tuyển Hàn Quốc, và vận động viên Triều Tiên Hong Un Jong cùng nhau chụp ảnh "tự sướng". 

"Khi bạn nhìn thấy hai vận động viên cùng chụp tấm hình dễ thương và nó được lan truyền khắp thế giới, nó nhắc chúng ta nhớ rằng họ là những người cùng sắc tộc, cùng văn hóa và các quyết định chính trị từ chính phủ không ảnh hưởng người dân hay các vận động viên", CNN dẫn lời Michael Madden, một học giả tại Viện nghiên cứu Hàn - Triều của Đại học SAIS-Johns Hopkins.

"Olympics luôn ngập chuyện chính trị, nhưng về mặt lý thuyết, đó là một bầu không khí phi chính trị, ngay cả trong những ngày tháng xưa cũ của Chiến tranh Lạnh", ông nói.

Trieu Tien tham du Olympics anh 1
Bức ảnh "tự sướng" được chia sẻ khắp thế giới của hai vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Tinh thần đình chiến

Trong nhiều năm qua, thể thao giúp giải tỏa bớt căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên - hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh theo lý thuyết. Sau một năm của những vụ thử tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên, Olympics mùa đông tại PyeongChang, Hàn Quốc đã cho hai nước một cơ hội để đối thoại.

Tuần trước, đường dây nóng ngoại giao giữa hai miền bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên được mở lại sau hai năm "đóng băng". Hôm 9/1, quan chức hai nước đã gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, tuyên bố Triều Tiên sẽ cử đoàn vận động viên tham gia Olympics mùa đông tại Hàn Quốc.

CNN nhận định rằng thể thao, đặc biệt là các kỳ Olympics, có khả năng mang các bên tranh chấp trở về bàn đối thoại. 

"Sau tất cả, ngọn đuốc cháy trong mỗi kỳ Olympics nhắc nhớ cho mọi người về sự kiện Đình chiến Olympic, truyền thống từ thời Hy Lạp cổ đại khi các nhà nước tham chiến tạm dừng đánh nhau để tham gia cuộc đấu thể thao", CNN viết.

Trieu Tien tham du Olympics anh 2
Đoàn vận động viên Triều Tiên trong lễ khai mạc Olympics Vancouver 2010. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, xét về mặt lợi ích, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có chung một lợi ích: Được nâng cao danh tiếng, được phất quốc kỳ trong niềm hân hoan và được phô diễn trước mắt nhìn của thế giới.

"Bất kỳ nỗ lực nào có thể cho thấy hai nước không phải lúc nào cũng đánh nhau, cả Bình Nhưỡng và Seoul sẽ túm lấy", ông Madden nói. "Cả hai trông sẽ đều đẹp đẽ. Cả Tổng thống Moon Jae In lẫn lãnh đạo Kim Jong Un đều tìm kiếm cơ hội để (hai nước) lên hình".

Khi thể thao thành "nạn nhân" của chính trị

Những kỳ Olympics không phải lúc nào cũng là khoảnh khắc "ngọt ngào" trong quan hệ trên bán đảo Triều Tiên. Những kỳ Olympics hữu hảo liên tiếp cho thấy một thời gian dài quan hệ hai nước suôn sẻ, đó là thời gian từ năm 1998-2008, khi chính phủ theo đường lối tự do ở Hàn Quốc theo đuổi Chính sách Ánh Dương.

Vào Olympics Sydney 2000, vận động viên từ hai miền của bán đảo đã lần đầu tiên đi cùng nhau trong lễ khai mạc dưới lá cờ "thống nhất" in hình bản đồ bán đảo màu xanh. Họ tiến vào sân vận động trong tiếng nhạc của một bài dân ca của dân tộc Triều Tiên.

Bốn năm và sáu năm sau, tại Athens và Turin, hai đoàn vận động viên tiếp tục diễu hành cùng nhau, dù việc này không tái diễn tại Á vận hội mùa đông vào năm 2007.

Trieu Tien tham du Olympics anh 3
Đoàn vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đi chung với nhau trong lễ khai mạc Oympics Sydney 2000. Ảnh: AFP.

CNN nhận định nếu thể thao và chính trị cứ vặn xoắn vào nhau như thế, Olympics không thể lúc nào cũng là tác nhân của hòa bình. Đôi khi nó là nạn nhân của xung đột. Dù Ủy ban Olympic Quốc tế nói rằng các kỳ thế vận hội "đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn", lịch sử nhiều lần chứng kiến sự đối đầu của thể thao và chính trị mang đến hậu quả.

Năm 1984, Triều Tiên tẩy chay Olympics Los Angeles, theo chân Liên Xô sau khi Mỹ không tham gia Olympics Moscow 4 năm trước đó. Nửa năm trước Olympics 1988 tại Seoul, hai người Triều Tiên đã cho nổ tung một chiếc máy bay của Korean Air giữa bầu trời và làm chết 115 người.

Không thể có hòa bình bằng trượt băng

Theo ông Madden, bóng đá chính là tiền đề cho cuộc gặp gỡ hôm 9/1 giữa quan chức hai nước với kết quả là Triều Tiên sẽ tham dự Olympics mùa đông ở Hàn Quốc. Trước cuộc gặp gỡ chính thức ngày 9/1, giới chức Seoul và Bình Nhưỡng đã gặp gỡ không chính thức tại Trung Quốc hồi tháng 12/2017 để có thỏa thuận rằng hai đội tuyển bóng đá sẽ thi đấu với nhau trong năm nay. Đến lúc này, có vẻ sẽ có 3 hoặc 4 sự kiện bóng đá giữa hai bên trong năm 2018.

"Trong năm 2017, một quan chức ngành bóng đá đã đến Trung Quốc và ông ấy mang theo một lãnh đạo cấp tỉnh, một người theo khuynh hướng tự do và đã nói (với người Triều Tiên) rằng 'này, nếu các anh đến Olympics, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp và chúng tôi sẽ gửi tàu đến cảng để đón vận động viên cùng phái đoàn của các anh'", theo chuyên gia này.

"Vì vậy, khi chúng ta bước sang ngày 1/1/2018 và lãnh đạo hai nước nói lời chúc mừng đầu năm và hướng đến quan hệ tốt đẹp hơn trong năm mới, mọi thứ đều đúng thời điểm, dựa trên những tiếp xúc và các đồng thuận không chính thức rằng họ sẽ cùng nhau thi đấu trong năm 2018".

Đến lúc này, hai vận động viên Triều Tiên đủ tiêu chuẩn tham dự Olympics là cặp đôi trượt băng Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik dù việc tham gia của họ cũng chưa được xác nhận. Dù vậy, Tổng thống Moon nói rằng ông sẵn sàng cho phép nhiều vận động viên Triều Tiên hơn tham gia Olympics, đặc biệt nếu Bình Nhưỡng đảm bảo sẽ để Olympics diễn ra mà không có bất kỳ vụ thử vũ khí nào quấy rầy. PyeongChang cách biên giới chỉ 40 km.

Trieu Tien tham du Olympics anh 4
Đôi vận động viên trượt băng nghệ thuật Triều Tiên Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik. Ảnh: AFP.

Việc Triều Tiên tham gia Olympics mùa đông lần này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hậu thế chiến, một quốc gia đăng cai Olympics tiếp đón đoàn vận động viên của một quốc gia mà họ đang trong tình trạng chiến tranh cùng. 

"Nếu chúng ta nói về một bán đảo Triều Tiên thống nhất chỉ bằng vài vận động viên trượt băng, tôi không nghĩ việc này có thể xảy ra. Nhưng đây là một cơ hội để xuống thang căng thẳng", ông Madden nói.

"Olympics, và thể thao, đã khiến Triều Tiên mở lại một đường dây nóng mà họ không trả lời trong nhiều năm". 

"Olympics trao cho các quan chức cao cấp hai bên một vỏ bọc để đàm phán. Triều Tiên sẽ gửi đến những quan chức có khả năng đàm phán để đạt được một vài thỏa thuận trên lý thuyết. Họ sẽ dùng cơ hội này để làm vỏ bọc cho các cuộc thảo luận sâu hơn và đó là tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng. Đây chỉ là một vài bước nhỏ", ông Madden nói. "Cả hai nước đều đang tiếp cận rất cẩn trọng".

"(Sau tất cả) bạn muốn những người trên bán đảo Triều Tiên nói chuyện và thi đấu với nhau, hay bạn muốn họ giết nhau?".

Quan chức Hàn -Triều nói gì trong cuộc đối thoại hiếm hoi

Cuộc đối thoại cấp cao liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm diễn ra hôm 9/1 đã mang tới những kết quả đầu tiên, bước đầu phá băng quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc.

Cuộc gọi đầu tiên trên đường dây nóng Hàn-Triều sau 2 năm đóng băng

Sau gần 2 năm im lặng, đường dây nóng Hàn Quốc - Triều Tiên đã hoạt động trở lại với cuộc gọi ngắn và có phần lúng túng nhưng được coi là bước đột phá có thể mở đường cho đàm phán.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm