Xét trên bình diện châu Á, bóng đá Hàn Quốc ở cấp độ nào cũng luôn được coi là một ông lớn, là ứng viên vô địch hàng đầu cho các giải đấu tại khu vực châu Á mà họ tham dự.
ASIAD lần này cũng vậy, nhất là khi đội bóng xứ kim chi đang là đương kim vô địch và sở hữu trong đội hình ngôi sao sáng nhất bóng đá châu Á - Son Heung-min.
Olympic Hàn Quốc với Son Heung-min trong đội hình là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Ảnh: Việt Hùng. |
Hàn Quốc hay không Hàn Quốc?
Đây cũng là nguyên nhân mà các đội bóng tại ASIAD muốn tiến sâu đều sẽ tìm cách tránh Olympic Hàn Quốc. Trong chiến dịch vòng bảng, câu chuyện làm thế nào để Olympic Việt Nam tránh phải gặp Olympic Hàn Quốc cũng nhiều lần được bàn tới. Thầy trò HLV Park Hang-seo nằm ở bảng D và Olympic Hàn Quốc thuộc bảng E. Có nghĩa là khả năng chúng ta gặp người Hàn rất cao nếu Olympic Hàn Quốc đứng đầu bảng của họ, còn thầy trò ông Park chỉ đứng nhì.
Kết quả cuối cùng lại khác xa những dự đoán. Olympic Hàn Quốc sau thất bại gây sốc trước Olympic Malaysia đã không còn nằm chung nhánh với Olympic Việt Nam, trong khi Quang Hải, Tiến Dũng và đồng đội xuất sắc đánh bại một ứng cử viên vô địch khác là Nhật Bản để đứng đầu bảng. Câu chuyện đá thế nào nếu gặp người Hàn đã không còn được nhắc đến.
Thay vào đó, Olympic Việt Nam tập trung vào những trận đấu với Olympic Bahrain ở vòng 16 đội và tiếp đó là Olympic Syria ở tứ kết. Thầy trò HLV Park Hang-seo tập trung vào từng trận đấu một, coi “trận nào cũng là chung kết”. Để rồi khi vượt qua những thử thách trên, chúng ta nhận rằng vật cản tiếp theo không ai khác chính là Olympic Hàn Quốc.
Trước mắt HLV Park và các học trò là ứng viên vô địch hàng đầu. Trước đây, cũng chính HLV Park khi Olympic Việt Nam còn đá vòng bảng cũng từng khẳng định ông không sợ bất cứ đối thủ nào, cho dù đó có là đội bóng quê hương ông.
Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Tiến Dũng và đồng đội đi tới được trận bán kết ASIAD. Ảnh: Việt Hùng. |
Giờ đây, HLV người Hàn Quốc càng có cơ sở khẳng định lại điều đó thêm một lần nữa. Nên nhớ Olympic Việt Nam gặp Olympic Hàn Quốc ở bán kết, chứ không phải là ở vòng bảng hay vòng 16 đội. Tới được đến đây, Olympic Việt Nam phải có thực lực, nhất là khi chúng ta đã toàn thắng và chưa thủng lưới dù chỉ một lần. Hơn nữa, đã tới tận bán kết thì sẽ chẳng có khác biệt nào quá lớn giữa các đội.
Một đội bóng yếu sẽ chỉ có thể gặp một đội mạnh ở những vòng đấu ngoài. Còn khi đã tới được bán kết, đó đều phải là những đội bóng mạnh. Và một đội bóng muốn vô địch sẽ phải đánh bại tất cả dù đối thủ có là ai. Nói chuyện vô địch lúc này với Olympic Việt Nam có thể còn khá xa, nhưng đã đi tới bán kết, dù đối thủ có là ai thì cũng không quá quan trọng với thầy trò ông Park.
So sánh Văn Quyết và Son Heung-min tại ASIAD. Đồ họa: Minh Phúc. |
Hơn cả một trận đấu
Có lẽ, đối với cả Olympic Hàn Quốc và Olympic Việt Nam, thì trận bán kết ASIAD tới đây không đơn thuần chỉ là màn so tài giữa 2 đội bóng. Hơn hết, nó mang ý nghĩa như trận chiến vì những mục tiêu riêng của cả 2 bên.
Đội trưởng Son Heung-min đã khẳng định điều này: “Chúng tôi vừa trải qua trận đấu khó khăn trước Olympic Uzbekistan và sắp tới sẽ là Olympic Việt Nam. Đây là cả cuộc chiến chứ không còn là giải đấu bình thường. Tất cả sẽ quyết tâm hướng đến mục tiêu cao nhất là chức vô địch. Olympic Hàn Quốc không phải ngán bất cứ đối thủ nào”.
Hơn ai hết, Son Heung-min hiểu rằng anh không còn đường lùi. Chỉ có tấm huy chương vàng ASIAD mới giúp tiền đạo này được miễn nghĩa vụ quân sự tại quê nhà, qua đó níu kéo sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của mình. Đối với Son, đây không đơn thuần là trận đấu, mà là một cuộc chiến để cứu lấy sự nghiệp, cứu lấy tương lai của chính anh.
Quyết tâm và tinh thần chiến đấu của tiền đạo đang chơi cho Tottenham là điều dễ nhận thấy, và anh đã truyền nó cho các cầu thủ trong trận đấu gặp Olympic Uzbekistan để lội ngược dòng.
Với Olympic Việt Nam, sẽ không có ai chịu áp lực phải thắng để cứu vãn sự nghiệp như Son Heung-min. Tuy vậy, trong các cầu thủ vốn đã coi mỗi trận đấu tại ASIAD là chung kết, trận chiến sống còn. Nếu không phải vậy, Duy Mạnh đã không chạy đến nỗi phải bất tỉnh vì kiệt sức, Quang Hải đã không rách mí mắt vì bị đối thủ chơi xấu.
Olympic Việt Nam sẽ ra sân với tinh thần chiến đấu cao nhất. Ảnh: Việt Hùng. |
Nếu không phải vậy, có lẽ “ông già” Anh Đức đã không dám rướn người vào cả một cái chân của thủ môn đối phương để cố ghi bàn cho Olympic Việt Nam, và Văn Toàn, Văn Thanh hay Văn Hậu đã không lao vào đối phương, sẵn sàng tung ra những cú xoạc bóng để bảo vệ đồng đội.
Trận đấu tới có lẽ mang nhiều ý nghĩa hơn là bán kết ở một giải đấu cấp độ trẻ khi mỗi bên đều sẽ chiến đấu tới cùng vì mục đích của họ. Với Hàn Quốc, một chiến thắng mới giúp họ níu giữ cơ hội bảo vệ cầu thủ hay nhất xứ này. Còn với thầy trò HLV Park Hang-seo, thắng lợi sẽ đưa bóng đá Việt Nam vào lịch sử khi lần đầu góp mặt trong trận chung kết ASIAD, với ít nhất một tấm huy chương bạc.
Đội hình ra sân dự kiến của Olympic Việt Nam trước Olympic Hàn Quốc. Đồ họa: Minh Phúc. |