Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) mới đây đã họp và thống nhất thông qua phương án thoái toàn bộ vốn góp tại một số công ty con, công ty liên kết.
Danh sách thoái vốn đợt này bao gồm Công ty CP Fafim Việt Nam; Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội và Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Trong số 3 công ty này, Fafim Việt Nam là công ty con do Ocean Group sở hữu 51% lợi ích và 60,7% tỷ lệ quyền biểu quyết, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh chiếu phim.
Với khoản đầu tư tại PVR Hà Nội, tính đến tháng 6 năm nay, báo cáo tài chính của Ocean Group cho biết công ty đang nắm giữ 9,5% vốn PVR với khoản đầu tư tài chính trị giá hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị hợp lý hiện tại của lô cổ phiếu này chỉ còn khoảng 6 tỷ, công ty đã phải dành hơn 44 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này.
Đáng chú ý, trong đợt thoái vốn này Ocean Group cũng chủ trương thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang. Đây chính là liên doanh được thành lập bởi 4 cổ đông gồm Văn Phú Invest; Công ty Đầu tư và Thương mại 319; Ocean Group và Vinaconex.
Liên doanh đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo cơ cấu góp vốn ban đầu, Ocean Group góp 104,16 tỷ đồng, tương đương 21% vốn chủ sở hữu của liên doanh.
Báo cáo tài chính quý II của công ty ghi nhận giá trị ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu tại đây đạt gần 127 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết vẫn giữ nguyên 21%.
Theo đó, liên doanh này đã thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải về việc lợi nhuận của nhà đầu tư được tính dựa trên phần vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo quy định, nhân tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận được xác định là 12%/năm. Thời gian hoàn vốn dự kiến là 15 năm 3 tháng kể từ tháng 7/2016.
Theo hồ sơ dự án BOT, dự án có chiều dài 45,8 km với tổng mức đồng tư lên tới 4.212 tỷ đồng, 100% là vốn tư nhân. Các cổ đông ban đầu góp tổng cộng 496 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Hiện tại dự án này đã đi vào khai thác với mức phí qua trạm BOT này dao động trong khoảng 35.000-200.000 đồng/lượt tùy từng loại xe.
Quyết định thoái vốn của OceanGroup tại liên doanh này không tiết lộ giá trị chuyển nhượng phần vốn sở hữu tại liên doanh BOT. Hiện tại, quy định giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị định giá của đơn vị thẩm định độc lập, hoặc giá trị sổ sách của BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Ocean Group là một trong 4 công ty thành lập liên doanh đầu tư xây dựng dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngoài việc thoái vốn khỏi các công ty nói trên, Ocean Group cũng lên phương án xử lý công nợ liên quan đến Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà và Công ty CP Đầu tư CIC.
Riêng khoản nợ liên quan đến Công ty Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Ocean Group ghi nhận khoản đã trả trước cho công ty này gần 182 tỷ đồng ở 2 dự án Khách sạn StarCity Nha Trang, StarCity Westlake Hà Nội. Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn ở công ty này là 40 tỷ đồng và khoản cho vay khác gần 673 tỷ đồng.
Ocean Group từng là một trong những tập đoàn có tốc độ tăng trưởng "thần tốc" tại Việt Nam khi thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm, đến 2011, tập đoàn đã tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng.
Đây cũng là tập đoàn gắn với tên tuổi của đại gia Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanGroup và Oceanbank trước khi vướng vòng lao lý và bị bắt tháng 10/2014.
Sau biến cố này, kết quả kinh doanh của Ocean Group đi xuống trầm trọng. Ngay trong năm 2014, công ty này lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, công ty ghi nhận 423 tỷ đồng doanh thu và lỗ thêm gần 30 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, công ty này đã lỗ lũy kế tổng cộng 2.874 tỷ đồng.