Làng triệu phú nhờ đi nhặt... ốc bươu vàng
Khi “cơn sốt” ốc bươu vàng đã qua, mà nguyên nhân chính là do... tư thương Trung Quốc không thu mua nữa, người dân xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội trước đó đã tranh thủ "nhặt được" cả chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đắc Tụy, Phó chủ tịch xã Cấn Hữu khẳng định chắc nịch: “Rất nhiều người dân trong xã đã thành triệu phú, có tiền để xây nhà mới khang trang. Tất cả đều nhờ đi nhặt ốc bươu vàng về bán cho các cơ sở thu mua”.
Theo ông Tụy, trung bình mỗi hộ kiếm được cả trăm triệu là bình thường. Cả làng đi bắt ốc, người người đi bắt ốc. Khi ốc bươu vàng trong xã Cấn Hữu và các vùng lân cận đã hết, người dân còn chuyển địa bàn sang các vùng khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình... để bắt hoặc thu mua ốc bươu vỏ, sau đó về... sơ chế theo yêu cầu của chủ thu mua.
Núi vỏ ốc bươu vàng tràn lan khắp những khu đất trống ở xã Cấn Hữu. |
Bắt đầu từ khoảng giữa năm 2012, có người đến đặt vấn đề thu mua ốc bươu vàng, một hộ dân trong xã đã đứng ra làm đại lý đầu mối. Xã thuần nông, cả xã có hơn 2.000 nhân khẩu, hết mùa vụ, thanh niên, trai tráng trong làng đi làm công nhân cho các khu công nghiệp, còn lại ở nhà chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em.
Công việc đi bắt ốc bươu vàng không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một cái bao tải, một cái rổ và sự cần cù, chăm chỉ. Ốc bươu vàng tràn lan ở khắp các đồng ruộng, mương máng, nhặt không xuể. “Có ngày, có hộ dân kiếm tiền triệu là chuyện thường” - ông Tụy nói.
Thế nhưng, để bán được ốc cho đại lý thu gom cũng đòi hỏi nhiều công đoạn. Trung Quốc chỉ thu mua... ruột ốc, nên người dân muốn bán ốc phải thực hiện công đoạn đun nước sôi, luộc ốc, khêu ốc. Một kg ốc ruột tương đương 3-4kg ốc tươi, giá thành phẩm 20.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm lên tới gần 30.000 đồng/kg.
Một thời gian dài, người dân phải chung sống với mùi xú uế từ ruột ốc còn sót lại trong vỏ. |
Thu nhập một ngày đi bắt ốc bằng cấy cả sào lúa trong vòng mấy tháng, nên nhiều hộ tập trung toàn bộ nhân lực để tranh thủ đi bắt ốc. “Nhà có sáu người, bốn người đi bắt, hai người ở nhà đun nước sôi chờ sẵn, ốc mang về được luộc lên, rồi tập trung khêu ốc. Chỉ cần vài giờ đồng hồ có thể nhặt được cả bao tải ốc nặng vài chục kg, nên kiếm tiền triệu một ngày là chuyện bình thường” - ông Nguyễn Văn Hùng, người dân Cấn Hữu, kể.
Xã khốn khổ đi... đổ vỏ
Công việc thu gom ốc bươu vàng ở xã Cấn Hữu rầm rộ được hơn một năm, đến khoảng tháng 9/2013 thì việc thu mua bên phía Trung Quốc dừng lại. Nhiều gia đình có tiền từ việc đi bắt ốc về bán kiếm được cả trăm triệu đã tu sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng tiện nghi. Thế nhưng, Cấn Hữu thành... bãi rác thải chứa vỏ ốc bươu vàng lớn nhất cả nước.
Đỉnh điểm của trào lưu này rơi vào cuối năm 2012, đầu năm 2013. “Bắt chước” Cấn Hữu, các xã lân cận như Đồng Yên, Hòa Thạch... đồng loạt đi bắt ốc về bán. Nhưng, đau đầu nhất là nơi... đổ vỏ.
“Khi việc thu gom ốc rầm rộ, xã đã yêu cầu các hộ thu mua, các hộ dân đi bắt ốc... lên xã cam kết việc đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ vỏ ốc đúng vị trí quy định. Thế nhưng, với cái 'đầu ra' này, chúng tôi đã rất đau đầu và khổ sở... ” - Phó chủ tịch xã Cấn Hữu ngao ngán kể lại.
Vỏ ốc vứt tràn lan ra cả nghĩa địa làng. |
Phương án được xã đề nghị lên huyện, đó là thuê công ty vệ sinh môi trường Xuân Mai hàng ngày cho xe ba chân về hót vỏ ốc đi đổ. Kinh phí để thuê, một phần trích từ ngân sách xã, một phần huyện hỗ trợ. Điểm thu mua ốc bươu vàng cũng được xã quy định ở xa khu vực đông dân cư. Một bãi rác chuyên dụng cũng được xã quy định để đổ vỏ ốc... , kết hợp với công tác tuyên truyền đến từng nhà dân... đổ vỏ ốc đúng nơi quy định. “Nhưng mà không xuể. Anh bảo làm sao mà giám sát được từng nhà. Buổi sáng đi bắt ốc, họ chở một vài bao tải đựng vỏ ốc sau xe, đến chỗ vắng người, họ vứt uỵch một cái, có trời mới biết... ”.
Bằng ấy thời gian Cấn Hữu là điểm đầu mối thu gom ốc bươu vàng lớn nhất miền Bắc cũng là ngần ấy thời gian người dân nơi đây sống trong mùi hôi thối do ruột ốc còn sót trong vỏ để lại. Vỏ ốc tràn ngập dọc rệ đường, ven đê, khu nghĩa địa, rồi trôi nổi xuống cả đồng ruộng.
"Nhiều người thành triệu phú, nhưng xã phải vất vả đi... đổ vỏ" - Phó chủ tịch xã Cấn Hữu thành thật. |
“Có hôm trời mưa to, nước dâng cao, tôi đi làm phải lội lóp ngóp, vỏ ốc bươu trôi nổi ngang ngực, khiếp lắm” - lãnh đạo xã Cấn Hữu thật thà. Nhưng, cũng chẳng biết là may hay rủi, phía Trung Quốc dừng thu mua ốc nên Cấn Hữu được “nghỉ ngơi” vài tháng nay. Thế nhưng, hậu quả để lại, xã phải loay hoay tìm cách thu dọn núi vỏ ốc bươu vàng khổng lồ.
“Phải đến vài trăm chuyến xe ba chân vỏ ốc từ năm ngoái đến năm nay được dồn lại Cấn Hữu. Vài tuần trước, chúng tôi phải thuê cả xe xúc xuống xúc vỏ ốc đem đi đổ. Nhiều nhà có nhà mới để ở, đồng ruộng của Cấn Hữu cũng sạch bóng ốc bươu vàng, nhưng chúng tôi đúng là quá vất vả” - ông Tụy phân trần.