Obama coi công nghệ có vai trò sống còn. |
Obama là vị tổng thống Mỹ đầu tiên coi công nghệ thông tin là động lực chính cho cuộc sống phồn thịnh và giúp phát triển xã hội tốt hơn.
Trở thành tổng thống Mỹ nhờ sức mạnh số
Không nhiều người biết rằng ông Obama là tổng thống kỹ thuật số đầu tiên của Hoa Kỳ. Năm 2008, chiến dịch tranh cử của ông thành công chủ yếu dựa vào mạng xã hội.
Thành công đó có một phần đóng góp của sáng lập Facebook, Chris Hughes, người "kết" chiến dịch vận động tranh cử của thượng nghị sĩ bang Illinois tới mức đã quyết định rời Facebook, khi đó chỉ là một công ty khởi nghiệp non nớt, để toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho vị tổng thống đương nhiệm hiện nay.
Ấn tượng với những thành quả do CNTT mang lại, sau khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Obama đã bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng liên quan tới công nghệ.
Những chức vụ này bao gồm: giám đốc công nghệ, trưởng khoa học gia về dữ liệu, và giám đốc hoạt động (liên quan tới công nghệ).
Obama thường xuyên lên Twitter và trả lời trên diễn đàn Reddit. |
Obama từng tham gia nhiều chương trình hỏi-đáp trên Reddit, tiết lộ danh sách các bài hát ông yêu thích trên Spotify và sử dụng mạng xã hội Twitter rất thường xuyên. Ông thậm chí còn bông đùa Bill Clinton trên mạng xã hội.
Ông Obama từng có mối liên kết chặt chẽ và sâu đậm với các nhân vật cốt cán của Silicon Valley, trong đó có Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg. Điều này là dễ hiểu bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ sức mạnh công nghệ và những thay đổi to lớn mà chúng có thể mang lại.
Tuy vậy, cũng có những cú "phốt" lớn, chẳng trang HealthCare.gov, vốn ngốn hơn 600 triệu USD tiền xây dựng, đã bị treo cứng ngay sau khi đưa vào vận hành. Sự cố này được cho là trục trặc kỹ thuật.
Và ngay cả khi chính quyền Mỹ gây sức ép lên các công ty Silicon Valley buộc họ phải ủng hộ chính sách về an ninh mạng thì ông Obama, với vai trò chủ Nhà Trắng, vẫn giành được sự cảm thông của giới công nghệ.
Liên tục đưa ra chính sách thúc đẩy công nghệ
Chính quyền của ông Obama thường xuyên có những chính sách làm hài lòng người yêu công nghệ, chẳng hạn chính sách mở rộng băng rộng và tự do chia sẻ trên web.
Vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ cũng là người đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp trẻ toàn cầu mà phần lớn trong số này có liên quan tới công nghệ.
Obama cũng rất biết cách tận dụng mối quan hệ với giới công nghệ để làm ngoại giao. Năm ngoái, ông đã mời Brian Chesky, giám đốc điều hành Airbnb, tháp tùng ông sang thăm Cuba trong nỗ lực xây dựng các công ty khởi nghiệp có giá trị.
Obama tham dự diễn đàn doanh nghiệp trẻ toàn cầu tại Sillicon Valley. |
Chính quyền Obama coi Internet là trọng tâm trong các hoạt động ngoại giao trên khắp thế giới, và nỗ lực tạo nên các sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng tận dụng Internet.
Nổi bật trong số đó là Sáng kiến Kết nối Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sáng kiến này tập trung khuyến khích các quốc gia ưu tiên cho kết nối Internet trong các kế hoạch phát triển của mình, đồng thời thúc đẩy phổ cập số hoá và hỗ trợ sự phát triển của công nghệ cũng như quan tâm đến môi trường pháp lý.
Ngoài ra, chính quyền Obama còn nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch ở châu Phi, bao gồm các chương trình cung cấp nguồn vốn cho các công ty trẻ mong muốn nhận sự hỗ trợ từ các người khổng lồ công nghệ như Zuckerberg, Bill Gates và Paul Allen.
Mới tháng trước, Nhà Trắng tổ chức festival "South by Southwest", sự kiện thường niên quy mô lớn dành cho giới công nghệ và âm nhạc. Năm nay, ông Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là diễn giả chính của sự kiện.
Thông qua festival này, ông Obama muốn nhấn mạnh công nghệ không phải là cái gì xa vời mà nó xuất hiện trong chính cuộc sống hàng này. Hình ảnh nước Mỹ được khơi dậy giống một công ty khởi nghiệp và công nghệ là ngành công nghiệp mũi nhọn, tràn đầy ước mơ với nhiều nhà sáng tạo nhiệt huyết.
Thực tế, trong suốt nhiệm kỳ 8 năm qua của Obama, nước Mỹ chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Một làn sóng Silicon Valley thứ hai đã diễn ra, nhiều công ty có giá trị hàng tỉ USD xuất hiện như Facebook, Uber, Snapchat, Palantir và Dropbox.
Các công ty công nghệ lâu đời như Amazon, Apple và Google tiếp tục khẳng định vị thế của mình và gây dựng tầm ảnh hưởng khắp thế giới.
Ngay cả khi ông Obama hết nhiệm kỳ thì có vẻ mối quan hệ giữa Washington và Silicon Valley vẫn tiếp tục nồng ấm.
Facebook vừa âm thầm bàn với Nhà Trắng kế hoạch triển khai ứng dụng tranh cãi có tên Free Basics. Về cơ bản, Free Basics nghe rất tuyệt: hứa hẹn internet di động miễn phí cho người thu nhật thấp.
Tuy nhiên, chỉ có Facebook và những dịch vụ được Facebook cho phép mới được xuất hiện qua ứng dụng này. Ngoài ra, ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng và đây chính là điểm gây tranh cãi nhiều nhất.
Tín đồ công nghệ
Ông Obama được coi là tín đồ nổi tiếng của công nghệ. Điển hình là việc ông tranh đấu để giành quyền sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry. Hai trong số những chiếc điện thoại BlackBerry mà ông sử dụng là BlackBerry Curve 8300 và BlackBerry Curve 8900.
Obama là tín đồ của điện thoại BlackBerry. |
Tất nhiên, chiếc BlackBerry của ông Obama không phải hàng thông thường. Nó là "hàng thửa" được trang bị khả năng bảo mật và mã hóa cao nhất.
Có thể bắt gặp hình ảnh ông Obama dùng BlackBerry tại những nơi trang trọng như Nhà Trắng, trên chuyên cơ Air Force One, trong chiếc Quái thú (The Beast) nổi tiếng, thậm chí cả trong các chuyến công du nước ngoài.
Ông Obama còn sử dụng chiếc iPad 3 (màn hình Retina) đặt trên chiếc bàn gỗ nổi tiếng Resolute ở phòng Bầu dục. Tổng thống được biết đến như một người ưa thích trải nghiệm các nền tảng khác nhau, từ máy tính Mac, BlackBerry hay các đời iPad.
Ông cũng sử dụng nhiều sản phẩm của Apple trong công việc. |
Có vẻ Obama cũng là tín đồ của Quả táo. Ngoài chiếc iPad 3, ông còn dùng chiếc MacBook Pro (15-inch) khi họp với các cố vấn, trả lời câu hỏi trên diễn đàn Reddit hoặc đăng các đoạn tweet lên Twitter.
Ông Obama còn dùng hàng loạt các thiết bị công nghệ khác, trong đó có máy tính xách tay Dell Latitude E6420, HP Elitebook 6930p, và nhiều điện thoại có dây an toàn khác.