Những khoảnh khắc xúc động của Obama suốt 8 năm qua
Thứ hai, 24/10/2016 07:44 (GMT+7)
07:44 24/10/2016
Trong 8 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần rơi lệ trước công chúng. Đó là những giọt nước mắt chân thành thể hiện niềm hạnh phúc hay sự sẻ chia những mất mát, đau thương.
Ngày 5/1/2016, ông Obama có một bài diễn văn đầy xúc động khi kêu gọi thực hiện các biện pháp an toàn súng đạn mới nhằm bảo vệ trẻ em. Xuất hiện trước ống kính, vị tổng thống liên tục đưa tay lau nước mắt khi đề cập đến vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook vào năm 2012. "Các gia đình, họ chưa bao giờ tưởng tượng rằng súng đạn có thể cướp đi mạng sống của những người thân yêu", ông nói trước khi lau nước mắt.
Ảnh: AP
Ông chủ Nhà Trắng xúc động khi nghe “nữ hoàng nhạc Soul” Aretha Franklin hát tại lễ trao giải Kennedy Center Honors 2015, giải thưởng thành tựu văn hóa trọn đời uy tín nhất của Mỹ, được tổ chức thường niên từ năm 1978 tại Washington. Ảnh: CBS
Tháng 6/2015, ông Obama không ngăn được dòng nước mắt trong khi phát biểu tưởng niệm Beau Biden, con trai Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và là Tổng chưởng lý bang Delaware. Ông đã tôn vinh Beau là người “đủ mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm của bản thân và của cả cộng đồng”. Ảnh: AP
Ngày 18/6/2015, Obama bày tỏ sự “đau buồn và giận dữ” khi phát biểu về vụ xả súng tại nhà thờ ở thành phố Charleston, bang South Carolina, khiến 9 người da đen thiệt mạng vài ngày trước đó. “Giờ là lúc chúng ta bày tỏ lòng thương tiếc và hàn gắn nỗi đau. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận, hành động thảm sát như thế này không thường xảy ra ở các nước phát triển khác và cũng không diễn ra với tần suất thường xuyên như vậy", ông chia sẻ. Ảnh: Getty
Vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ khóc trong lễ nghỉ hưu của Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder vào tháng 2/2015. “Người đàn ông nắm trong tay sức mạnh và uy quyền, sẵn sàng chiến đấu vì lẽ phải, đó là điều hiếm thấy. Điều này giúp định hình tương lại của nước Mỹ theo cách mà chúng ta chưa từng nghĩ tới”, ông Obama dành những lời khen cho người bạn thân, đồng minh chính trị quan trọng.
Ảnh: Reuters
Giây phút không kìm được nước mắt của người đứng đầu Nhà Trắng khi ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình nạn nhân vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook bang Connecticut vào tháng 12/2012. "Suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng ta là không hề đủ. Nó không thể hiện được hết nỗi đau khổ và giận dữ mà chúng ta cảm thấy, và không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn cuộc tàn sát ở những nơi khác khắp nước Mỹ trong tuần tới hay vài tháng nữa", Obama nói. Ảnh: IBTimes
“Tôi tự hào vì tất cả các bạn”, ông Obama nghẹn ngào chia sẻ niềm vui với các chuyên viên trong bộ máy tranh cử ở Chicago, chỉ vài giờ sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2012. Ảnh: The Week.
Ứng viên đảng Dân chủ phải lau đi những giọt nước mắt lăn xuống má khi đứng trước hàng chục nghìn người ủng hộ tại điểm vận động tranh cử cuối cùng đêm 5/11/2012. “Tôi đã trở lại Iowa một lần nữa để kêu gọi lá phiếu của các bạn. Hãy giúp tôi hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu, bởi đây là nơi khởi nguồn của sự thay đổi", ông nói. Ảnh: Washington Post
Một lần nữa, vị tổng thống đã rơi lệ khi tham dự đám tang bà Dorothy Height, “người đỡ đầu” cho phong trào nữ quyền ở Mỹ và là cử tri trung thành luôn ủng hộ ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ảnh: AFP
Tháng 5/2013, ông Obama rơi lệ khi thảo luận về vụ tấn công đẫm máu vào Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya. Các hãng thông tấn còn đặt ra câu hỏi liệu những giọt nước mắt vì xót thương những người thiệt mạng hay vì danh dự bị ảnh hưởng, khi ông bị so sánh như “diễn viên” trong việc xử lý vấn đề này.
Ảnh: Reuters
Giây phút trầm tư của ứng cử viên đảng Dân chủ trong một cuộc mít tinh tại ĐH North Carolina, Charlotte vào năm 2008, sau khi biết tin bà ngoại qua đời. Ảnh: New York Times
Nhiếp ảnh gia Pete Souza đã ghi lại hàng triệu bức ảnh về Tổng thống Mỹ Barack Obama suốt 8 năm qua, với những khoảnh khắc hậu trường ít người biết tới.
Tại yến tiệc cuối cùng ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama xúc động chia sẻ: "Sau cùng, điều quan trọng là chúng ta đã làm được gì và để lại những gì sau khi ra đi".