Việc Tổng thống Barack Obama hủy bỏ chuyến thăm châu Á từ 7 tháng trước vì chính phủ Mỹ ngừng hoạt động cùng thất bại của Washington trong việc ngăn cản Crimea sáp nhập vào Nga khiến dư luận lo ngại Mỹ không có đủ quyết tâm và tiền bạc để theo đuổi chính sách xoay trục. Trong khi đó, các sáng kiến ngoại giao và kinh tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay thỏa thuận tự do thương mại Vành đai Thái Bình Dương không mang lại hiệu quả như Washington mong muốn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Theo kế hoạch, Obama sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines và Malaysia. Trước đó, trong chuyến công du châu Á hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Chuck Hagel, khẳng định Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc cùng nguy cơ tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Tokyo muốn Nhà Trắng khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này.
“Chúng tôi muốn Tổng thống đưa ra tuyên bố rõ ràng về Senkaku. Điều này rất cần thiết để Nhật Bản và Mỹ cải thiện tinh hình an ninh ở châu Á”, Hitoshi Tanaka, Chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế ở Tokyo, cho biết.
Trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri ngày 23/4, ông Obama khẳng định nhóm đảo Senkaka/Điếu Ngư thuộc phạm vi hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật.
“Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu tại khu vực” và “những cam kết với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến Nhật Bản hay bất kỳ đồng minh nào”, Obama nói.
Obama sẽ dừng chân ở Nhật Bản trong hai ngày nhằm tạo ấn tượng tốt đối với người dân xứ hoa anh đào, đồng thời đưa ra lời cảnh cáo Trung Quốc và Triều Tiên. Sau đó ông sẽ đến Hàn Quốc.
Washington từng đạt được một thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc. Mỹ và Nhật hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ thúc đẩy quá trình Seoul tham gia vào TPP bất chấp những trở ngại liên quan đến thuế nông sản và xe hơi. Song, các quan chức cho rằng viễn cảnh ấy không mấy khả thi.
Điểm dừng chân thứ ba là Malaysia, thị trường tiếp nhận tới 60% hàng xuất khẩu của Mỹ. Việc Washington tích cực tham gia tìm kiếm máy bay mất tích trên Ấn Độ Dương là một động thái cho thấy họ mong muốn cải thiện quan hệ với Maylasia.
Chuyến công du sẽ kết thúc ở Phillipines. Manila hiện đang đàm phán với Washington về một thỏa thuận an ninh cho phép quân đội, tàu chiến và máy bay Mỹ phát hiện và ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp.