Suốt một năm qua, khi có bất cứ lãnh đạo nước ngoài nào hỏi Obama về khả năng Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ông luôn một mực: Không thể nào. Thế nhưng điều bất khả thi đó đến đã xảy ra hôm 8/11.
Tối 14/11, Tổng thống Obama lên đường đến Peru, Đức và Hy Lạp, chuyến công du cuối cùng của ông trên cương vị tổng thống Mỹ. Ở mỗi điểm dừng chân, ông có thể phải đối mặt với câu hỏi: "Mọi chuyện đã sai ở đâu?".
Quan trọng hơn, bao phủ lên chuyến đi giã từ này là nỗi lo về việc "tổng thống Donald Trump" có thể sẽ xóa sổ toàn bộ những di sản tâm huyết nhất trong 8 năm Obama nắm quyền, như thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Mọi kỳ vọng về một chuyến đi cuối cùng để củng cố di sản của ông Obama đã thay đổi hết trước chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Lima (Peru), Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với các đối tác trong TPP, nói với họ rằng hiệp định này không còn cơ hội được thông qua trong nhiệm kỳ của ông.
Hôm 11/11, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, vốn nhiều tháng qua vận động để các nghị sĩ Mỹ thông qua TPP, đã quyết định không trình hiệp định này ra quốc hội nữa. Số phận của TPP bây giờ phụ thuộc vào Trump.
Cũng tại Lima, Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc và Mỹ đã cùng nhau phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong khi Trump cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một "trò lừa".
Ban đầu, lịch trình của ông Obama chỉ có Peru. Ông quyết định đến Berlin để thăm đối tác gần gũi nhất của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngoài ra, tại đây ông cũng sẽ gặp và thuyết phục lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Italy kiên định với các biện pháp trừng phạt Nga cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Các chuyến thăm đều mang mục đích rất tốt. Nhưng tôi không chắc ông ấy sẽ làm được gì để cải thiện những mối quan hệ này trước chiến thắng của Trump", New York Times dẫn lời chuyên gia Heather A. Conley của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Vào ngày bầu cử 8/11, bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Athens vẫn chưa được viết. Tuy nhiên, kết quả bầu cử đã làm thay đổi kế hoạch cho bài viết.
Ông Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia và là người tháp tùng Obama trong chuyến đi này, nói rằng tổng thống Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục các đối tác rằng Mỹ, thông qua quá trình chuyển giao dân chủ và các chính quyền khác nhau, vẫn giữ vững cam kết của họ với quốc tế.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này của Obama sẽ không hề dễ dàng, xét bối cảnh người kế nhiệm của ông thường xuyên chỉ trích việc Mỹ quá "bao đồng" chuyện của các đồng minh và đối tác.