Khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên. Ảnh: Livescience.com |
Hôm 1/12, các nhà lập pháp đảng cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc chặn kế hoạch cắt giảm khi gây hiệu ứng nhà kính của Tổng thống Obama, một động thái có thể khiến ông chủ Nhà Trắng sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống Mỹ.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu đúng thời điểm đoàn đàm phán của các quốc gia đang nhóm họp tại Paris, Pháp nhằm đưa ra một thỏa thuận khí hậu mang tính chất toàn cầu.
Trước đó, Nhà Trắng đánh tiếng không thông qua dự luật liên quan tới năng lượng do hạ nghị sĩ Fred Upton xây dựng nếu nó được Hạ viện thông qua vào cuối tuần. Theo Văn phòng Quản trị và Ngân sách Nhà Trắng, dự luật mới "gây tổn hại đến những sáng kiến đang rất thành công nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, gia tăng việc sử dụng năng lượng hiệu quả".
Trong cuộc gặp với lãnh đạo các quốc đảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21 đang diễn ra tại Paris, Pháp, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Nếu không hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, con người có thể buộc phải rời bỏ các quốc đảo và trở thành những người tị nạn”. Ông Obama cũng kêu gọi thế giới đáp lại lời kêu cứu của các quốc đảo để họ thích ứng với sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 30/11, ông Obama gọi mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu là “vấn đề cấp bách về kinh tế và an ninh mà chúng ta cần giải quyết ngay bây giờ”. Theo lãnh đạo Mỹ, nếu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, không lâu sau đó, con người sẽ phải “huy động nhiều hơn nữa nguồn lực kinh tế và quân sự, mà đáng lẽ chúng được dùng để phát triển cơ hội cho tất cả mọi người”.
COP21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Kyodo sẽ hết hạn vào năm 2020. Người ta kỳ vọng các lãnh đạo thế giới thống nhất để đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.