Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama có chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima

Tổng thống Barack Obama hôm nay tới thành phố Hiroshima, trong chuyến thăm lịch sử ở nơi quân đội Mỹ thả bom nguyên tử khiến 140.000 người thiệt mạng cuối Thế chiến II.

New York Times đưa tin, phi cơ chở Tổng thống Obama đã hạ cánh tại Căn cứ không quân của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Iwakuni, cách thành phố Hiroshima hơn 40 km. Ông sẽ phát biểu tại đây trước khi tới Khu Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima.

Ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới Hiroshima kể từ khi quân đội nước này thả bom nguyên tử tại thành phố của Nhật Bản vào năm 1945.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hiroshima sẽ được 4.600 cảnh sát bảo vệ.

“Đây là cơ hội để chúng ta theo đuổi hòa bình, an ninh và một thế giới không còn cần tới vũ khí hạt nhân. Chuyến thăm cũng cho thấy ngay cả những chia rẽ đau thương nhất cũng có thể được hàn gắn và hai quốc gia (Mỹ và Nhật) không chỉ trở thành đối tác mà còn có thể thành những người bạn thân thiết”, AP dẫn lời ông Obama phát biểu trước các thành viên quân đội Mỹ và lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ Iwakuni.

Obama toi Hiroshima anh 1
Cảnh sát Nhật Bản điều phối an ninh trước khi ông Obama tới Khu tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima hôm nay. Ảnh: Getty

Tổng thống Obama nhất quyết thực hiện chuyến đi này, bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích từ trong nước rằng sự hiện diện của ông tương đương một lời xin lỗi (không chính thức) sau vụ tấn công hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki cách đây 71 năm.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/5, ông Obama nhấn mạnh: “Chuyến thăm của tôi tới Hiroshima nhằm vinh danh tất cả những người đã thiệt mạng trong Thế chiến II và tái khẳng định tầm nhìn chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Lãnh đạo Mỹ cho biết, ông sẽ không xin lỗi vì quyết định của quân đội Mỹ khi thả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945, khiến 140.000 người dân thành phố thiệt mạng.

Ông Obama có thể tới thăm bảo tàng tưởng niệm, nơi trưng bày hiện vật của nạn nhân vụ ném bom, trong đó có chiếc xe ba bánh bị cháy đen.

Một số người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử, thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi Matsui và thị trưởng thành phố Nagasaki, ông Tomihisa Taue nằm trong danh sách khoảng 100 người có mặt tại buổi lễ tưởng niệm.

Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Hiroshima bên lề cuộc họp các ngoại trưởng G7.

Ông Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7).

Obama được trao giải Nobel Hòa vào năm 2009 chưa đầy 9 tháng sau khi nhậm chức do những nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngày 6 và 9/8/1945, quân đội Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, để lại nhiều hậu quả thảm khốc. Vụ ném bom kinh hoàng đã phá hủy toàn bộ thành phố vốn được coi là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản. Số người thiệt mạng trong 2 vụ tấn công lần lượt là 140.000 người ở Hiroshima và 74.000 người ở Nagasaki.

Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về quân sự và công nghiệp. Kể từ khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima cho tới chuyến thăm lịch sử của ông Obama, chưa một tổng thống Mỹ nào tới đây.

Obama thăm Hiroshima: 'Lời xin lỗi' muộn màng của nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay 27/5 đến thăm Hiroshima, trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố của Nhật Bản từng bị Mỹ thả bom nguyên tử vào tháng 8/1945.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm