Quân đội người Kurd bảo vệ an ninh tại chốt kiểm soát cuối cùng ở thành phố Mosul. Ảnh: Getty Images |
Trả lời trên báo New York Times, các quan chức Mỹ cho hay ông Obama đang xem xét cả kế hoạch không kích và hỗ trợ nhân đạo gồm thực phẩm và nước uống cho 40.000 người dân Iraq đang mắc kẹt ở núi Sinjar giữa vòng vây của phiến quân khủng bố.
Ông Obama đã triệu tập cuộc họp nhóm cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 7/8. Ông Josh Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng, từ chối xác nhận khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq. Tuy nhiên, ông Earnest lặp lại quan điểm của Tổng thống Obama rằng mọi hành động quân sự của Mỹ tại Iraq sẽ diễn ra “trong phạm vi rất hạn chế”, không bao gồm việc triển khai bộ binh, và phải liên quan trực tiếp đến cải cách chính trị ở Iraq.
Mọi cuộc không kích sẽ là hành động chiến đấu đầu tiên của Mỹ tại Iraq từ sau khi Mỹ rút quân khỏi đây vào năm 2011, kết thúc 8 năm sa lầy chiến tranh do cựu tổng thống George W.Bush phát động. Vào đầu năm 2014, Mỹ cử một đội cố vấn quân sự để giúp chính phủ Iraq chống lại sự đe dọa của phiến quân Hồi giáo.
Bà Bernadette Meehan, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, cho biết mọi khả năng cung cấp vũ khí Mỹ cho quân đội người Kurd ở Iraq “phải theo sự điều phối với chính phủ trung ương ở Iraq”. Tuy nhiên, trước mối đe dọa khủng bố, bà Meehan nói “Mỹ tiếp tục làm việc với Baghdad để mở rộng hợp tác về mặt trận an ninh và các vấn đề khác".
Iraq rơi vào tình trạng bạo lực nghiêm trọng từ khi phiến quân của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) giành quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, và nhiều thành phố quan trọng khác. IS hoạt động ở phía bắc, dọc biên giới với Syria, và chiếm nhiều khu vực.