Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Oanh Yến đại diện Việt Nam đi thi thì phải xin phép

Nhà báo Dương Xuân Nam cho rằng chỉ khi đi thi với tư cách cá nhân, không đại diện cho ai, thí sinh mới không cần xin giấy phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Lâu nay, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã có những quy định rõ ràng về chuyện dự thi sắc đẹp quốc tế. Tuy nhiên, không ít cá nhân vẫn tự ý đi thi, không xin phép như Quế Vân (Hoa hậu Thế giới người Việt tại Mỹ 2013), Cao Thùy Linh (Miss Grand International 2014), Lâm Thùy Anh (Miss Global Beauty Queen 2015)... Gần đây nhất là trường hợp của thí sinh Oanh Yến tại cuộc thi Mister and Miss PanContinental 2015. 

Người đẹp Oanh Yến bị xử phạt vì thi chui ở Philippines.

Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, từng tổ chức các cuộc thi Hoa hậu VN và bà Thúy Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam, đơn vị chuyên cử người đẹp đi thi  - xung quanh câu chuyện đại diện Việt Nam và đấu trường quốc tế. 

Ông Dương Xuân Nam: 'Chuyện thi chui không nằm ở mức phạt'

Về quy trình xin cấp phép, lâu nay tôi không trực tiếp làm việc này nên cũng không nắm được cụ thể. Nhưng trước đây, các hoa hậu Việt Nam xin cấp phép đi thi quốc tế như Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, thì thủ tục khá đơn giản. Nhà nước cấp phép cho Hoa hậu Việt Nam là điều đương nhiên. 

Còn các trường hợp đoạt danh hiệu thấp, tôi chưa bao giờ đưa đi thi. 

Theo tôi, có nhiều lý do dẫn đến việc các cá nhân đi thi không xin phép. Chẳng hạn như đi lại khó khăn, vất vả vì thủ tục hành chính ở nước mình cũng phức tạp, phải qua nhiều tầng nhiều lớp. Ví dụ người từ TP HCM ra Hà Nội xin phép cũng vất vả, tốn kém và mệt mỏi. 

Nhà báo Dương Xuân Nam.

Thứ hai, khi chấp nhận cho người đẹp đi thi quốc tế, Cục cũng xem xét rất kỹ, phải đủ điều kiện mới được cấp phép. Trong khi đó, thí sinh dự thi chưa đạt thành tích cao như Oanh Yến - top 10 Hoa hậu thế giới người Việt - không đủ tiêu chuẩn nên họ không thể nộp đơn.

Bên cạnh đó có thể còn những lý do mà người ngoài không biết, chỉ có bản thân họ hiểu mà thôi.

Thường các thí sinh tự ý đi thi, nhưng ra ngoài lại nói đại diện Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, thì bị phạt là đúng rồi! Có ai cử bạn đi đâu mà đại diện quốc gia? Bạn khoác lên người dải băng Việt Nam, bạn phải đảm bảo những chuẩn mực nhất định.

Về trường hợp cô Oanh Yến dự thi Hoa hậu và Nam vương Thế giới Toàn cầu tại Philippines mới đây, nếu cô ấy đi thi với danh nghĩa đại diện Việt Nam thì phải xin phép chứ. Trong trường hợp dự thi với tư cách cá nhân, không đại diện cho ai thì mới không cần Cục cấp phép.

Tôi nghĩ thế này, Cục NTBD có những lý do để phải sàng lọc, cân nhắc, xem xét kỹ như vậy. Bởi nhiều người đi thi để lại những hình ảnh không hay trên trường quốc tế như đeo dải băng sai, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. "Mang chuông đi đánh xứ người" tất nhiên phải chọn chiếc chuông xứng đáng!

Ai cũng có quyền hoạt động văn hóa, giải trí nhưng anh đại diện quốc gia đi thi, anh phải có giấy phép.

Theo tôi, Cục NTBD nên cụ thể hóa quy chế đối với lĩnh vực người đẹp để vừa thông thoáng, mà vẫn đảm bảo chặt chẽ, nghiêm minh. 

Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở chuyện mức phạt cao hay thấp. Hơn nữa, khi cá nhân đoạt danh hiệu, mà cũng không làm gì xấu, ảnh hướng đến hình ảnh đất nước thì không nên phạt quá nặng.

Bà Thúy Nga: 'Hàng năm thế giới có hàng nghìn cuộc thi nhỏ'

Do chúng tôi đã có kinh nghiệm nên công tác chuẩn bị khá kỹ và nhanh chóng. Khi nộp cho Cục NTBD, chỉ trong vòng lâu nhất là một tuần, thí sinh sẽ được cấp phép. Và chưa có trường hợp nào bị bác bỏ. Có thể nói, chúng tôi chưa gặp bất kể khó khăn nào. 

Sau khi lựa chọn được thí sinh phù hợp, phía Elite thường làm việc trước với Cục để kiểm tra nhân thân của thí sinh có vấn đề gì hay không. Sau đó, chúng tôi gửi hồ sơ đề cử thí sinh với Ban tổ chức (BTC). Khi hồ sơ được duyệt, BTC sẽ gửi giấy mời quay lại cho thí sinh.

Bà Thúy Nga - đại diện Elite Việt Nam.

Như vậy, hồ sơ đầy đủ của một người đẹp dự thi nhan sắc quốc tế gửi lên Cục gồm giấy mời của BTC, sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương, đơn xin cấp phép cho thí sinh của đơn vị đề cử (theo mẫu có sẵn), giấy xác nhận giải thưởng trong nước của thí sinh, bằng A tiếng Anh hoặc giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ tương đương. 

Theo quy định, thí sinh được tham dự đấu trường nhan sắc quốc tế phải vừa đáp ứng tiêu chuẩn do BTC cuộc thi đề ra, đồng thời đoạt giải top 3 tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Tất nhiên những cuộc thi này cũng phải được Cục NTBD hoặc Bộ Văn hóa cấp phép, bao gồm Hoa hậu, Hoa khôi, Nữ hoàng, Người đẹp...

Hiện, công ty Elite Vietnam nắm gần 30 bản quyền các cuộc thi hoa hậu và người mẫu quốc tế. Trong 5 cuộc thi hoa hậu được đánh giá là lớn nhất - gồm Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế mở rộng, Hoa hậu Quốc tế - Elite cầm bản quyền 4 cuộc. Khi đưa thí sinh đến các cuộc thi lớn như thế này, sự thu hút của truyền thông và khán giả trên toàn thế giới rất lớn (cuộc Miss World thu hút hàng trăm hãng thông tấn trên toàn thế giới đổ về đưa tin và đêm chung kết thu hút hơn 2 tỷ người theo dõi trực tiếp qua kênh truyền hình).

Nói như vậy để thấy sự quan trọng trong việc cử đại diện của đất nước đến đấu trường quốc tế. Việc xin giấy phép của Cục NTBD tôi cho là cần thiết vì ngoài danh hiệu, thì tư cách và các hoạt động của thí sinh cũng rất quan trọng. Việc xin giấy phép nhằm tránh trường hợp các đơn vị vô tình đưa thí sinh có những sai phạm về tư cách mà đơn vị đề cử không phát hiện được.

Về mức phạt từ 25-30 triệu đồng dành cho những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực văn hoá, theo tôi khó để đánh giá nó đủ tính răn đe hay chưa. Bởi, với người này, có thể số tiền đó là ít nhưng với người khác lại nhiều thì sao? 

Hàng năm, ngoài 5 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất, có khoảng 10-15 cuộc nhỏ hơn. Bên cạnh đó, trên thế giới có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuộc thi nhỏ khác diễn ra như một hoạt động giao lưu văn hoá tại địa phương. Theo tôi, thí sinh và đơn vị đề cử cứ làm hồ sơ và lên làm việc với Cục để xin như là một hoạt động giao lưu văn hoá. Qua đó, Cục NTBD có thể nắm được hoạt  động của cuộc thi và có những thông tin cần thiết giúp đỡ thí sinh.

Cuộc thi Hoa hậu và Nam vương Thế giới Toàn cầu (Mister and Miss PanContinental 2015) diễn ra từ ngày 20-29/11 ở Manila (Philipines).

Ở hạng mục nữ, danh hiệu cao nhất thuộc về bà mẹ hai con Hồ Thị Oanh Yến. Oanh Yến đi thi với tư cách thí sinh đại diện Việt Nam, theo lời mời của bà Eym Apawg - trưởng ban tổ chức.

Khi biết thông tin sẽ bị phạt vì thi chiu, Oanh Yến phản ứng khá mạnh mẽ. Người đẹp 29 tuổi cho hay, cô không biết Cục NTBD ở đâu và cũng không có bất cứ mối liên hệ nào với Cục. Bà mẹ hai con còn nhấn mạnh, cô đi thi bằng tiền của chính mình, do đó không ai có lý do phạt cô. Tuy nhiên sau đó cô lại cho biết, ngay khi về nước sẽ lên gặp Sở Văn hóa Thể thao TP HCM để xác nhận mọi chuyện: "Nếu tôi vi phạm, tôi sẽ trao đổi với Sở để có thể xin giảm nhẹ vì mình không biết. Tôi muốn xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt mọi người".

Hiện Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã gửi công văn hỏa tốc cho Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM về vụ việc của Oanh Yến. Cục yêu cầu Sở điều tra, làm rõ sự việc và báo cáo lại với Cục trước ngày 15/12

Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi văn bản yêu cầu phạt Oanh Yến

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương cho biết, Cục đã gửi văn bản hỏa tốc cho Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM trong sáng 3/12.



Minh Đức

Bạn có thể quan tâm