Lịch sử loài người từ thuở sơ khai đến nay đã lưu lại hàng vạn cuộc chiến lớn nhỏ. Sự bất công, tranh giành lãnh thổ, xung đột sắc tộc, hay những hiềm khích về tôn giáo… đều có thể châm ngòi cho chiến trận.
Sách Lịch sử chiến tranh của tác giả John Keegan. |
Mỗi cơn binh lửa có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Cách bày binh bố trận của các tướng lĩnh trên sa trường cũng “thiên biến vạn hóa” khó lường. Nhưng về bản chất, các cuộc chiến đều có điểm chung: chúng là những cuộc đấu trí trước khi có sự xuất hiện của súng đạn. Để có một cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh trong dòng chảy lịch sử của nhân loại, chúng ta hãy tìm đến cuốn sách Lịch sử chiến tranh của tác giả người Anh, John Keegan.
Thế giới phát triển làm chiến tranh thêm tàn khốc
Chiến tranh bắt đầu từ khi hình thành các hình thái xã hội. Trong các di chỉ khảo cổ liên quan đến thời đại sơ sử, người ta đã tìm thấy dấu vết của việc con người bị giết bởi thương, giáo hay những vũ khí bằng đá sắc nhọn.
Thế giới ngày càng phát triển, chiến tranh ngày càng tàn khốc hơn. Hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, cùng những hậu quả âm ỉ mà chúng để lại sau gần tám thập kỷ là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Nhưng chiến tranh dường như đã trở thành “người anh em song sinh” với sự phát triển của xã hội loài người. Theo tác giả John Keegan, chiến trường là nền móng cho sự hình thành của các triều đại.
Những vị vua giành được giang sơn mà không cần đến gươm giáo, hay thuốc súng quả thực vô cùng hiếm hoi.
Bom nguyên tử là một trong những vũ khí đáng sợ nhất mà con người sử dụng trong chiến tranh. |
Chúng ta không thể nói về chiến tranh, để rồi bỏ quên một phần quan trọng nhất của mỗi trận đánh, đó chính là quân đội. Nhà báo, nhà lịch sử quân sự nổi tiếng của “xứ sở sương mù” đã cho rằng: “Quân đội không chỉ đơn giản là một đội quân”. Đó là một tổ chức chính trị, được huấn luyện một cách bài bản.
Các cuộc chiến đã chứng minh rằng: quân đội càng quy mô và được đào tạo bài bản bao nhiêu, thì phần thắng trên chiến trường càng tăng lên bấy nhiêu.
Điều đó cũng giải thích cho sự thất bại của các bộ lạc, hay các quốc gia nhỏ trong quá trình bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi “bàn tay rộng lớn” của các nước tư bản trong quá trình xâm chiếm thuộc địa.
Lịch sử thế giới ở thế giới từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 18 đã ghi lại cho chúng ta rất nhiều dẫn chứng cụ thể. Từ sự thất bại của người da đỏ và các bộ lạc ở châu Phi, cho đến con đường trở thành thuộc địa của các nước ở Nam Á và Đông Nam Á.
Không phải lúc nào phần thắng cũng thuộc về kẻ mạnh
Quân đội tinh nhuệ và hùng mạnh là một lợi thế rất lớn trên chiến trường. Nhưng phần thắng không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh. Nhất là trong những cuộc chiến tranh xâm lược, khi mà kẻ thù từ nơi xa xôi tràn đến. Các yếu tố khách quan như: khí hậu, thổ nhưỡng; cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức chiến đấu của quân đội, dù họ tinh nhuệ và thiện chiến đến đâu.
Thế nên, vị Nga hoàng đầy hiếu chiến Nicolas I thường hứng thú với những trận chiến diễn ra vào mùa xuân. Ông còn nói rằng: mùa xuân là vị tướng tài của nước Nga. Ngược lại, nếu chiến tranh diễn ra vào giữa mùa đông, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều. Băng tuyết phủ dày khắp nơi làm cho những con chiến mã nhanh kiệt sức và khiến toàn quân dễ suy sụp tinh thần.
Nhờ những thành công trên lĩnh vực quân sự Nga hoàng Nicolas I đã khôi phục lại vị trí của Nga ở châu Âu. |
Nếu quân đội phải chiến đấu ở những nơi có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như: vùng Nam Á, Đông Nam Á, hay châu Phi cũng sẽ là một bất lợi lớn. Đôi khi, những chiến binh đầy thiện chiến chưa chết vì hòn tên mũi đạn, nhưng họ lại gục ngã bởi bệnh sốt rét, hay sốt vàng da. Bởi thế, trong chiến tranh hiện đại, xuất hiện thêm một lực lượng lớn lính đánh thuê. Nhiều người trong số họ còn là dân bản địa, đã thông thuộc địa hình và quen với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Điều kiện về địa hình cũng ảnh hưởng rất lớn đến thế mạnh của quân đội trong chiến tranh. Đó là lý do vì sao đội quân Hốt Tất Liệt cũng như người Thổ Nhĩ Kì giành được đất đai trên lưng ngựa. Tương tự như vậy, lực lượng hải quân của Anh, Pháp hay Tây Ban Nha lại lớn mạnh không ngừng ở đầu thế kỉ 18. Khi đến xâm chiếm một vùng đất khác, nếu không nghiên cứu kĩ về điều kiện địa hình và khí hậu, thì tướng lĩnh của đội quân đó có thể, sẽ phải nhận lấy thất bại một cách chóng vánh.
Những câu chuyện bên lề họng pháo
Hàng ngàn năm qua, có một triết lý về quân sự không bao giờ thay đổi, đó là: trong chiến tranh, tấn công và phòng thủ phải sóng đôi với nhau. Đôi khi, chỉ cần phòng thủ tốt, chúng ta sẽ ngăn chặn được những cuộc chiến đang manh nha trong đầu kẻ thù. Bởi thế, có hàng ngàn công trình kiến trúc nổi tiếng phục vụ cho mục tiêu phòng thủ của các quốc gia. Tiêu biểu nhất, phải kể đến Vạn Lý Trường Thành của người Trung Quốc.
Tuy có quy mô nhỏ hơn, nhưng hệ thống thành lũy ở các lâu đài của những lãnh chúa vùng Tây Âu cũng đề cao phòng thủ. Để phá vỡ được hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt của đối phương, chiến tranh du kích được xem là một chiến lược hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp bảo toàn lực lượng tối ưu hơn, để phục vụ cho việc kháng chiến lâu dài.
Chiến tranh và lịch sử vốn là những vấn đề dễ gây nhàm chán. Thế nhưng, nếu đã cầm trên tay cuốn sách Lịch sử chiến tranh của John Keegan, độc giả sẽ có một cái nhìn khác. Ông không “đối thoại” với lịch sử quân sự bằng phương pháp liệt kê, để bày ra trước mắt người đọc một hệ thống ngày tháng và sự kiện rối rắm, phức tạp và khô khan.
Bức họa Guernica của Picasso là một tác phẩm hội họa nổi tiếng lấy đề tài chiến tranh. |
Tác giả đặt chiến tranh trong chiều dọc của lịch sử và mối tương quan với sự phát triển của toàn xã hội. Ngoài nghiên cứu về lịch sử quân sự John Keegan còn là một nhà văn, thế nên ông đã đặt chiến tranh trong hệ quy chiếu của văn hóa, xã hội.
Trong cuốn Lịch sử chiến tranh, tác giả John Keegan đã nhiều lần nhắc đến các tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy như: Chiến tranh và hòa bình hay Anna Karenina. Không chỉ dừng lại ở đó, những vần thơ của Bayron cũng xuất hiện trong tác phẩm này như một cách thi vị và đầy chua xót mà người nghệ sĩ dùng để nói về sự tàn khốc của chiến tranh.