Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay đầu tiên vào Sài Gòn sau giải phóng chở gì?

Trưa 1/5/1975, chiếc máy bay trực thăng Mi-6 của không quân Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo một lá cờ lớn để cắm trên nóc Dinh Độc Lập.

Theo cuốn Lịch sử 60 năm Hàng không dân dụng Việt Nam (1956 - 2016), (NXB QĐND, 2016), chiếc trực thăng đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là loại Mi-6 mang số hiệu 07, do phi công Lê Đình Ký, thuộc Trung đoàn không quân 916 lái chính. Đây chính chiếc máy bay đầu tiên sơn phù hiệu Không quân Nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay này.

Giai phong mien Nam,  30/4,  san bay Tan Son Nhat,  Dinh Doc Lap,  Bui Quang Than,  Trung doan 919 anh 1
Trực thăng vận tải Mi-6, loại máy bay đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất trưa ngày 1/5/1975.

Theo bài viết của phi công Lê Đình Ký trong cuốn sách, máy bay Mi-6 trước đó đã phục vụ chuyến xe tiếp nhiên liệu từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát (Bình Định), sau đó là sân bay Thành Sơn (Phan Rang) để phục vụ phi đội Quyết Thắng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, máy bay này còn chuyển bản đồ, đạn pháo lên Tây Nguyên phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh và đón phi công Nguyễn Thành Trung, người ném bom Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 rồi lái máy bay ra vùng giải phóng, từ sân bay Pleiku ra Đà Nẵng để tham gia Phi đội Quyết Thắng.

Và ngày 1/5/1975, tổ bay Mi-6 tiếp tục được chuyên chở chuyến hàng đặc biệt gồm 5 tấn cờ vừa được chuyển từ miền Bắc vào. Máy bay cất cánh từ sân bay Thành Sơn, bay vào Biên Hòa, rồi sau đó cất cánh về Tân Sơn Nhất. Tổ bay đã được mang lá cờ to nhất chuyển nhanh tới ủy ban thống nhất để treo trên nóc Dinh Độc lập, thay thế lá cờ nhuốm thuốc súng và bụi đường mà Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận, thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đã treo trên nóc dinh trưa ngày 30/4, sau khi tiến vào chiếm Dinh Độc Lập.

Đặc biệt, trong cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía của các chủ biên Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả (NXB QĐND 2013), đã hé lộ thêm: “Một trong những loại hàng hóa đặc biệt đã được các máy bay của Lữ đoàn không quân 919 chuyên chở ngay sau ngày đại thắng là hàng vạn lá cờ và 1,5 tấn pháo hoa phục vụ cho lễ mừng chiến thắng tổ chức ngày 15/5/1975”.

Ngày 3/5/1975, chiếc máy bay vận tải IL-14 của Lữ đoàn 919 chở đoàn cán bộ và phương tiện kỹ thuật hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất nhằm tăng cường công tác đảm bảo kỹ thuật phục vụ các chuyến bay thường lệ đi, đến sân bay này.

Theo cuốn Lịch sử 60 năm hàng không dân dụng Việt Nam, đoàn cán bộ kỹ thuật này do ông Nguyễn Văn Chung dẫn đầu, đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp quản Trung tâm kỹ thuật Hàng không dân dụng.

Đây là một nỗ lực của ngành hàng không Việt Nam, vì chỉ hai ngày trước ngày toàn thắng, chiều 28/4/1974, sân bay Tân Sơn Nhất vừa hứng chịu trận không kích của Phi đội Quyết Thắng. Điều độc đáo, là trận không kích này lại được tiến hành bằng 5 chiếc máy bay A-37 thu được của địch.

Cuốn Phi công tiêm kích (NXB QĐND, 2004) của Đại tá Lê Hải, nguyên phi công trung đoàn 923, đơn vị có 4 phi công được chọn tham gia Phi đội Quyết Thắng, viết: “Ngày 28/4, Đại tá Lê Văn Tri (Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân) cùng các đồng chí Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị trong Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội, nhắc lại mục tiêu là khu để máy bay chiến đấu của quân đội VNCH. Đây là mục tiêu rất hiểm, nhất là lúc này, khi Mỹ, ngụy chỉ còn con đường hàng không là duy nhất. Khi mục tiêu bị đánh sẽ gây hoảng loạn và làm cho địch càng mau tan rã”.

Trận không kích diễn ra chiều 28/4/1975 đã thu được kết quả xuất sắc: 24 máy bay trên bãi đỗ bị phá hủy. Kết quả này giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền VNCH, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30/4/1975. Phi đội Quyết Thắng cũng hoàn thành yêu cầu cấp trên giao: giữ gìn đường băng sân bay nguyên vẹn, nhờ đó, ngay sau ngày giải phóng, hoạt động hàng không trên sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng trở lại bình thường.

Giai phong mien Nam,  30/4,  san bay Tan Son Nhat,  Dinh Doc Lap,  Bui Quang Than,  Trung doan 919 anh 2
"Món hàng" đặc biệt mà máy bay không quân nhân dân đưa vào Sài Gòn ngày 1/5/1975 là những lá cờ để treo trên nóc Dinh Độc Lập và phục vụ Lễ mừng chiến thắng diễn ra ngày 15/5/1975.

Lịch sử Hàng không dân dụng cho biết tiếp, ngày 13/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất, đưa Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Tôn Đức Thắng cùng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước.

Theo lời kể của Đại tá Võ Quang Bốn, cơ trưởng máy bay IL-18 đó, máy bay cất cánh lúc 9h15 sáng 13/5/1975 tại sân bay Gia Lâm. Đúng 11h45, chuyến chuyên cơ đặc biệt đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Các bức ảnh, thước phim lịch sử cho thấy hình ảnh Bí thư Trung ương cục miền Nam Phạm Hùng cùng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Trần Văn Trà ra tận chân cầu thang đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Các vị lãnh đạo ôm hôn nhau thắm thiết trong niềm vui thống nhất.

Sau đó, máy bay của Hàng không Việt Nam cũng đã chở Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và rất nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước vào tham dự ngày lễ trọng đại này.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm