Tại tọa đàm "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế" tổ chức sáng 14/1, PGS.TS Đinh Đức Trường (Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn người tử vong do ô nhiễm môi trường, 2/3 trong số đó tử vong do ô nhiễm không khí.
Theo đó, năm 2018, 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.
Nói thêm về thiệt hại này, vị chuyên gia cho biết thế giới chia tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là thiệt hại hữu hình có thể nhìn thấy và ước tính, quy đổi ra con số như chi phí khám sức khỏe, mua máy lọc không khí.
Nhóm thứ 2 nguy hiểm hơn, là những thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật, năng suất lao động, số người tử vong mỗi năm. Ô nhiễm không khí cũng khiến hình ảnh của đất nước xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng xấu, nguy hại đến sức khỏe trong suốt 4 tháng trở lại đây. Sáng 14/1, chỉ số AQI tại nhiều điểm vượt ngưỡng có hại. |
Nhắc đến các nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế, TS Trường cho biết việc này có thể xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không hề thay đổi nhiều theo thời gian.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng chuyển dịch ô nhiễm từ quốc gia phát triển sang các quốc gia phát triển chậm hơn. Hiện tượng này xuất phát từ chỉ số FDI khi mà các quốc gia phát triển sẽ có tiêu chuẩn và chi phí cho môi trường cao hơn.
Nhóm nguyên nhân thứ 3 được đề cập đến là việc phân công thứ bậc trong lao động quốc tế. Hiện, các hoạt động sản xuất, chế biến và chế tạo gây nên ô nhiễm đã được đẩy về Việt Nam.
Theo đó, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, các chuyên gia đề xuất các thành phố lớn có thể tận dụng 3 công cụ chính là: quản lý hành chính, kinh tế và thông tin.
Về kinh tế, TS Trường cho rằng có nhiều giải pháp về tài chính nhằm thúc đẩy người dân hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí, bao gồm thuế carbon, phí ô nhiễm không khí và trái phiếu môi trường. Ngoài ra, việc thúc đẩy hoạt động hợp tác công - tư (PPP) cũng được coi là công cụ nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu nguồn phát thải.
Tuy nhiên, để những biện pháp này được thực thi một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá chính xác về tác động của ô nhiễm không khí đến nền kinh tế. Việc đánh giá càng chính xác thì càng tối ưu trong việc đề xuất các chính sách giảm thiểu.
Gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh TP lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Kể từ tháng 9/2019 đến nay, liên tiếp trong nhiều ngày, Hà Nội và TP.HCM có chất lượng không khí xấu, một số thời điểm chỉ số AQI ở ngưỡng nguy hại, không tốt cho sức khỏe. Theo Bộ TNMT, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do hoạt động giao thông và việc xây dựng các hạ tầng đô thị tạo ra nguồn phát thải lớn vào môi trường.