Ngày 28/5/2019, tòa hành chính Montreuil (Paris, Pháp) đã tiếp nhận đơn kiện từ hai mẹ con cáo buộc Chính phủ không có biện pháp chống ô nhiễm không khí khiến họ gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, theo Telegraph. Nguyên đơn đòi bồi thường 160.000 euro (hơn 4 tỷ đồng) cho những thiệt hại về sức khỏe và nghề nghiệp.
Luật sư tư vấn cho hai mẹ con lập luận rằng nhà chức trách Pháp đã thất bại trong thực thi các quy tắc bảo vệ người dân trước trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt là tháng 12/2016, khi mức độ ô nhiễm không khí vào mùa đông ở Paris đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 10 năm.
Ông Sebastien Vray, sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ hỗ trợ hai mẹ con trong vụ kiện, cho biết vụ án này có thể tạo ra tiền lệ pháp lý cho hơn 50 trường hợp tương tự tại Pháp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, viễn cảnh người dân có thể kiện chính quyền trong việc để tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng vẫn ít được bàn đến. Thậm chí, nhiều người làm luật cho rằng điều này là bất khả thi.
Chi phí tăng vọt: Ai chịu?
Trước chỉ số AQI liên tục ở ngưỡng xấu và kém, chị Nguyễn Hương, người dân sống ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), phải trang bị cho mình và người thân những loại khẩu trang có khả năng chống bụi mịn như khuyến cáo của bác sĩ.
"Thay vì những chiếc khẩu trang 20.000-30.000 đồng trước đây, tôi vừa chi gần 1,2 triệu đồng cho 15 chiếc khẩu trang chống bụi mịn nhập khẩu từ nước ngoài", chị Hương chia sẻ.
Khoản chênh lệch mà chị và gia đình phải bỏ ra để bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí, chưa kể đến chi phí khám chữa các bệnh về đường hô hấp và tổn thất tinh thần do sống trong ô nhiễm kéo dài, lẽ ra phải được đền bù theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí vẫn là dấu hỏi lớn tại Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Văn Phương, Đại học Luật Hà Nội, tại Việt Nam, quy định về bảo vệ môi trường không khí và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí đã được nêu rõ trong Luật Bảo vệ môi trường (2014) và Bộ luật Dân sự (2015). Tuy nhiên, nước ta chưa từng có trường hợp người dân kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí.
Người dân Việt Nam khó có thể đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí theo nhận định của chuyên gia. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dù luật đã quy định nhưng thực tế giải quyết tranh chấp do ô nhiễm không khí cho thấy vướng mắc lớn nhất nằm ở việc xác định mối liên hệ giữa tình trạng không khí gây ra thiệt hại và chủ nguồn gây ô nhiễm không khí.
“Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí có thể đến từ rất nhiều nguồn. Trong đó, bản thân mỗi người dân cũng chính là một nguồn gây thải trong sinh hoạt thường ngày khi sử dụng phương tiện giao thông, đốt than đá... Để phân định ai gây ô nhiễm, lượng hóa hậu quả, xác định ai phải bồi thường cho những người thiệt hại do ô nhiễm không khí là không hề dễ”, luật sư Phương phân tích.
Đồng ý với nhận định này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, chỉ ra rằng theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người dân trong khu vực ô nhiễm có thể yêu cầu đền bù tổn thất sức khoẻ, tài sản... Nhưng thực tế là người bị hại khó có thể tự thu thập được chứng cứ thiệt hại khi hệ thống dữ liệu về ô nhiễm không khí tại Việt Nam còn lỗi thời, khó tiếp cận, thiếu thống nhất.
"Điều này khiến cho việc khởi kiện đòi bồi thường thiếu tính khả thi, ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của những người chịu thiệt hại do ô nhiễm không khí", ông Cường nhận định.
Khó lượng hóa thiệt hại
Theo các chuyên gia, dù xác định được chủ nguồn gây ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm không khí vẫn rất khó lượng hóa thiệt hại.
TS Phạm Văn Beo, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ, cho biết thiệt hại do ô nhiễm không khí hiện diện cả dưới dạng vật chất và phi vật chất. Trong đó, các tổn thương dễ thấy nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị hại. Để có cơ sở bồi thường tổn thất do ô nhiễm không khí theo luật định, người bị hại cần quy thành tiền đối với các thiệt hại và chi phí tổn hao mà mình phải chịu.
Cụ thể, các thiệt hại có thể được tính toán dựa trên 6 cơ sở sau: Chi phí khôi phục hiện trạng ban đầu cho môi trường không khí; chi phí khắc phục các tổn thương về sức khỏe (kể cả đền bù cho người chết); ảnh hưởng đến nghề nghiệp và thu nhập; ảnh hưởng đến sinh vật sống khác; phục hồi tài sản thiệt hại do ô nhiễm không khí; phí tổn cho việc tổ chức khảo sát, xác định thiệt hại.
Theo nguyên tắc quốc tế, chủ nguồn gây ô nhiễm không khí phải bồi thường thiệt hại cho những người chịu tác động của ô nhiễm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Thực tế, thiệt hại gây ra bao giờ cũng lớn hơn so với những gì con người có thể đánh giá. Việc đưa ra tiêu chí và phương pháp này chỉ giúp đánh giá thiệt hại tiệm cận với thực tế”, ông Beo nhận định.
Cũng theo luật sư này, không khí là một dạng môi trường đặc biệt so với các thành phần môi trường khác (đất, nước) do đặc tính khuếch tán của nó. Việc xác định thiệt hại từ môi trường không khí theo cách xác định chung của môi trường có thể dẫn đến sự thiếu căn cứ và mang lại kết quả không chính xác. Thực tế này đòi hỏi một giải pháp, quy trình riêng lượng hóa thiệt hại do ô nhiễm không khí nhằm đảm bảo công bằng cho mỗi người dân khi phải sống trong ô nhiễm kéo dài.
TS Võ Trung Tín, Đại học Luật TP.HCM, nêu thêm bất cập là nghĩa vụ chứng minh tổn thất hiện thuộc về người bị thiệt hại. Trong khi đó, đối tượng này thường không có kiến thức cũng như công cụ để đánh giá ô nhiễm không khí và xác định thiệt hại.
"Cần hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong khởi kiện dân sự về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí. Các chủ thể gây ô nhiễm phải chứng minh họ không vi phạm, không gây ô nhiễm không khí chứ nghĩa vụ này không phải của người bị thiệt hại", ông Tín khuyến nghị.
Người dân bị thiệt hại do ô nhiễm không khí có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ảnh: Nguyen Dzung. |
Trở lại với vụ kiện tại Pháp, ngày 25/6/2019, The Guardian đưa tin tòa án Montreuil tuyên bố Chính phủ Pháp "có lỗi" trong phán quyết bằng văn bản của mình. Theo đó, giữa năm 2012 và 2016, chính quyền đã thất bại trong việc thực thi các biện pháp cần thiết để giảm nồng độ một số loại khí gây ô nhiễm vượt quá giới hạn.
Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại 160.000 euro của cặp mẹ con do không thể xác định mối liên hệ trực tiếp giữa các vấn đề sức khỏe của họ và các thất bại của chính phủ Pháp.
"Đây là phán quyết lịch sử cho hơn 67.000 người Pháp chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí. Từ nay, nạn nhân của ô nhiễm không nên ngại ra tòa để bảo vệ sức khỏe của chính họ nữa", bà Nadir Saïfi, Phó chủ tịch tổ chức Sinh thái không Biên giới, chia sẻ với Le Monde về vụ kiện.