- Trưa 14/5, Bộ Y tế công bố thêm 16 ca mắc Covid-19 mới.
- Từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 728 ca bệnh.
- Chùm ca bệnh liên quan vợ chồng giám đốc Hacinco ở Hà Nội có tổng cộng 6 người. Nhiều ca bệnh cùng xuất hiện trong một số gia đình ở Đà Nẵng.
- Bắc Ninh phát hiện thêm 31 người dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm virus của tỉnh lên 162.
-
Hà Nội cho học sinh nghỉ hè sớm từ ngày 15/5
Trước yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đối với giáo viên và học sinh, UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ hè từ ngày 15/5, sớm hơn gần nửa tháng so với kế hoạch cũ là 28/5.
Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại bao gồm thi học kỳ II và tổng kết năm học sẽ thực hiện vào thời gian nghỉ hè - khi tình hình dịch bệnh ổn định và học sinh có thể đến trường học tập.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đồng ý với đề xuất của sở về việc điều chỉnh thời điểm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 sau khi Bộ GD&ĐT có thông báo điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
-
Thêm 29 ca mắc Covid-19 trong nước
Theo bản tin 6h ngày 14/5 của Bộ Y tế, cả nước có thêm 29 ca mắc Covid-19 trong nước. Nhiều ca được phát hiện trong các khu vực đã phong tỏa.
Trong đó, Hà Nội có 5 ca trong đó 3 ca là bệnh nhân liên quan đến ổ dịch cũ, một ca là F1 của bệnh nhân 3659 và một ca là F1 của bệnh nhân 3634. Bắc Giang có 10 ca liên quan ổ dịch cũ tại khu công nghiệp Vân Trung. Bắc Ninh ghi nhận 6 ca là F1 liên quan tới ổ dịch cũ tại huyện Thuận Thành.
Ngoài ra, Lạng Sơn có 4 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung có một ca và Bệnh viện K có 3 ca.
Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến nay, tổng số bệnh nhân mới lây nhiễm trong cộng đồng ở nước ta là 712 người.
-
Vĩnh Phúc yên cầu xét nghiệm cho 100% công nhân khu công nghiệp
Từ ngày 14/5 đến 17/5, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn phải hoàn tất xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân, chuyên gia của mình.
Trừ trường hợp F1 được miễn phí, doanh nghiệp phải tự chi trả kinh phí xét nghiệm cho tất cả trường hợp còn lại. Họ có thể tự lựa chọn đơn vị xét nghiệm ở bất cứ đâu, miễn là đủ điều kiện và bảo đảm thời gian hoàn thành theo quy định của tỉnh. Với trường hợp F2 trở đi, mẫu xét nghiệm được lấy gộp nên sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp rất đồng thuận và đã ký cam kết với tỉnh. Họ đã nhìn ra bài học từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng. Có công nhân bị bệnh thì người thiệt hại đầu tiên là chính họ", đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã giới thiệu 4 đơn vị thực hiện xét nghiệm gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, CDC Vĩnh Phúc và Bệnh viện Lạc Việt. Doanh nghiệp chủ động liên hệ với các đơn vị trên để lấy mẫu xét nghiệm.
Ảnh: Ngọc Tân.
-
Đang có sự lây nhiễm chéo trong khu công nghiệp
Thời gian gần đây, tổng số lượng người phải cách ly tăng cao (77.648 trường hợp). Trong đó, 1.052 người cách ly tập trung tại bệnh viện, ở những cơ sở khác là 32.228. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 44.368 người.
Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát. Các ca mắc mới hầu hết thuộc diện đã cách ly. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Covid-19 lây lan đến khu công nghiệp, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh sẽ tăng hơn một bậc. Trong đó, các tỉnh đang có sự lây nhiễm chéo trong khu công nghiệp khiến số ca mắc mới tăng nhanh là Bắc Giang, Đà Nẵng, Bắc Ninh.
Tại Hà Nội, tình hình dịch những ngày gần đây diễn biến phức tạp hơn liên quan hai bệnh nhân là vợ chồng Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco).
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế, bày tỏ lo ngại với chùm lây nhiễm này bởi bệnh nhân đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Hơn nữa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh còn tham gia nhiều cuộc họp có đông người tham dự nên số lượng F1, F2 rất lớn.
Vì vậy, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng người dân tuyệt đối không có tâm lý chủ quan, cần tuân thủ nghiêm các quy định chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế.
-
Thêm F1 của vợ chồng Giám đốc Hacinco chuyển thành F0
Sáng 14/5, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh nhân T.N.T., trú tại Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân được xác định mắc Covid-19. Bà T. được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung từ ngày 13/5, sau khi được xác định là F1 của vợ chồng Giám đốc Hacinco. Đến ngày 14/5, bà có kết quả dương tính với nCoV.
Như vậy, tính đến sáng nay, chùm ca bệnh liên quan vợ chồng giám đốc Hacinco có tổng cộng 6 người (gồm cả hai F0).
Theo CDC Hà Nội, trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Hacinco) và vợ đặc biệt phức tạp vì lịch trình đi lại dày đặc và có dấu hiệu trốn tránh khai báo y tế.
Theo đó, 2 người này đi du lịch Đà Nẵng nhưng khi về Hà Nội không thông báo với chính quyền địa phương. Sau đó, cả 2 người có biểu hiện dịch tễ như ho, sốt, đau họng nhưng cũng không khai báo và còn tham gia liên hoan, ăn uống đông người. Đáng chú ý, vợ chồng ông Thanh còn đi đến 2 cơ sở y tế là Bệnh viện Thu Cúc và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, khiến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô phải tạm phong tỏa.
Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư là nơi ở của các bệnh nhân từng tiếp xúc với Giám đốc Hacinco. Ảnh: Đức Anh.
-
Tạm dừng xe chở khách giữa Đà Nẵng và vùng có dịch
Nhằm hạn chế dịch lây lan, Sở GTVT Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng vận tải hành khách bằng ôtô đến các tỉnh, thành đã được Bộ Y tế công bố có ca mắc Covid-19.
Quy định trên có hiệu lực từ 0h ngày 14/5 cho đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, Sở GTVT Đà Nẵng yêu cầu lái xe tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi..., không được dừng, đỗ xe để đón trả khách trên địa bàn TP Đà Nẵng (trừ trường hợp phục vụ công tác phòng, chống dịch, cấp cứu, công vụ…).
Đối với các tuyến đi/đến các địa phương còn lại, Sở GTVT yêu cầu chủ phương tiện không được chở quá 50% số ghế và tối đa không quá 20 người/xe.
Bãi đỗ xe buýt TP Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Ngọc Tân.
-
5 ổ dịch Covid-19 lớn với nhiều ca mắc trong khu công nghiệp
Hầu hết ca mắc Covid-19 mới gần đây tại Việt Nam thuộc diện đã cách ly. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm nCoV trong khu công nghiệp đang tăng cao.
Cập nhật tới 6h ngày 14/5. Số liệu do Bộ Y tế cung cấp.
Đồ họa: Như Ý - Phương Mai.
-
Hà Nội ghi nhận 7 ca nghi mắc Covid-19
Sáng 14/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết TP đã ghi nhận 7 ca nghi nhiễm Covid-19. Các ca bệnh chưa được Bộ Y tế công bố nên chỉ xếp vào nhóm nghi nhiễm.
7 trường hợp này gồm 3 người liên quan đến bệnh viện K Tân Triều, một người liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người liên quan nguồn bệnh từ Hưng Yên, một người từ Bắc Ninh và một người ngồi cạnh bệnh nhân 3633 trên chuyến bay VN160 ngày 2/5.
Bộ Y tế ghi nhận thêm 29 ca Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó, Hà Nội có 179 ca. Hai ổ dịch lớn nhất tại Hà Nội là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (88 ca) và Bệnh viện K (16 ca). Ổ dịch mới nhất liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hacinco, với tổng cộng 6 F0.
-
Trách nhiệm của Giám đốc Hacinco đến đâu?
Sau khi ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco), và vợ được xác định trốn tránh khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh, các luật sư cho rằng đã có đủ căn cứ khởi tố vụ án. Trường hợp xác định ông Thanh có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố bị can. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cũng được đặt ra.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của pháp luật, hành vi không khai báo khai y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, tùy theo mức độ và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Ngoài ra, người vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hậu quả hành vi làm lây lan dịch bệnh (nếu có).
Một nguyên thẩm phán TAND TP.HCM cho biết trong trường hợp khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thiệt hại sẽ được tính toán dựa vào các thống kê của Sở Y tế Hà Nội.
Thiệt hại vật chất sẽ bao gồm xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2; chi phí sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh có liên quan. Ngoài ra, thiệt hại phi vật chất là số người ảnh hưởng (cách ly y tế) từ việc lây lan dịch Covid-19 của người phạm tội.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng thiệt hại sẽ được tính toán dựa trên thiệt hại thực tế mà cá nhân, tổ chức chứng minh được do hành vi trái pháp luật của ông Nguyễn Văn Thanh gây ra. Chính ông Thanh sẽ là người phải bồi thường thiệt hại cho những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
-
Gỡ bỏ phong tỏa ổ dịch tại huyện Phù Cừ
Đêm 13/5, UBND huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã dỡ bỏ phong tỏa thôn Hoàng Xá (xã Tiên Tiến) - nơi xuất hiện 2 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).
Sau 14 ngày phong tỏa, tất cả các trường hợp tiếp xúc với F0 tại thôn Hoàng Xá đều âm tính.
Cùng ngày, huyện Phù Cừ cũng kết thúc cách ly xã hội 2 thôn còn lại của xã Tiên Tiến là Hoàng Các và Nại Khê.
Huyện Phù Cừ không tổ chức hội nghị công bố gỡ lệnh phong tỏa, đồng thời vận động người dân không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; tuyệt đối không tụ tập, tổ chức liên hoan ăn mừng gỡ phong tỏa.
-
Thái Bình có thêm một người dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 14/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thái Bình cho biết tỉnh này ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Đó là ông P.V.C. (53 tuổi, trú xã Vũ Công, Kiến Xương). Ông C. có 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 6/5 và 11/5.
Ngày 13/5, ông được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 và có kết quả dương tính.
Theo tiền sử dịch tễ, ngày 27/4, ông P.V.C. chăm sóc bố điều trị tại phòng 910, khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi phát hiện 4 bệnh nhân Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.
17h ngày 5/5, ông C. đi xe máy từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về nhà tại thôn Trà Vy Bắc, xã Vũ Công ăn cơm với vợ và 2 con. Tối hôm đó, ông này đi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chỉ ở trong viện. Đến ngày 8/5, ông P.V.C. được chuyển sang Bệnh viện Phổi Thái Bình để cách ly, theo dõi sức khỏe.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm trên, CDC Thái Bình đã thông tin nhanh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Thái Bình, Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương để triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch. CDC đã cử ngay một đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ địa phương khoanh vùng khu vực gia đình bệnh nhân ở; truy vết các trường hợp F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm. Như vậy, từ ngày 6/5 đến sáng 14/5, Thái Bình đã ghi nhận 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Quân đội phun khử khuẩn ở Thái Bình. Ảnh: CDC Thái Bình.
-
Vĩnh Phúc nhận gần 16 tỷ đồng tiền quyên góp chống dịch
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã nhận được 15,9 tỷ đồng tiền quyên góp chống dịch từ 37 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Những nguồn hỗ trợ này được gửi đến sau khi Mặt trận Tổ quốc tỉnh có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chống dịch Covid-19.
Tổng giá trị quyên góp gồm 8,5 tỷ đồng tiền mặt và 7,4 tỷ đồng quy đổi ra hàng hóa, vật tư. Trong đó, đơn vị ủng hộ nhiều nhất là Công ty Honda Việt Nam với một máy xét nghiệm Covid-19 và 5 máy thở, tổng trị giá 4,9 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thời gian qua tỉnh đã huy động tối đa lực lượng và cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu phòng chống dịch, nhất là trang thiết bị, vật tư y tế, cơ sở vật chất cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Một chốt chống dịch tại cửa ngõ TP Vĩnh Yên bị mưa dông quật đổ. Ảnh: Ngọc Tân.
-
Covid-19 lây lan trong nhiều gia đình tại Đà Nẵng
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng vừa thông tin về lịch trình của các ca mắc Covid-19. Trong đó, một cháu bé 3 tuổi là trường hợp thứ 4 mắc Covid-19 trong một gia đình.
Cụ thể, bé Đ.M.B.A. (nữ, 3 tuổi) được xác định là bệnh nhân số 3695. Cháu học trường mầm non Ánh Bình Minh (đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Theo thông tin dịch tễ, bệnh nhân sống cùng cha mẹ và ông bà nội tại đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang. Trước đó, mẹ và ông bà nội của A. đã dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng ghi nhận bệnh nhân T.N.T. (nữ, 8 tuổi, học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản) mắc Covid-19. T. sống cùng gia đình ở đường Nguyễn Văn Siêu, quận Sơn Trà. Cha mẹ của T. cũng được xác định mắc Covid-19 (mẹ là BN 3638 và cha là BN 3690).
-
Hà Nội phát hiện thêm một người dương tính với nCoV
Trường hợp này nằm trong chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Thanh Trì.
Người này là P.M.N., nữ, 39 tuổi, trú tại Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Bà N. là bệnh nhân điều trị tại khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Ngày 6/5, bệnh nhân đến điều trị định kỳ và có kết quả xét nghiệm sàng lọc âm tính với nCoV ngày 7/5.
Ngày 13/5, trường hợp này có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính với SARS-CoV-2 sau khi được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Cao đẳng nghề Tây Mỗ, Nam Từ Liêm.
Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước với nhiều ổ dịch lớn, đa nguồn lây.
-
Tính đến 12h ngày 14/5:
- Việt Nam có tổng cộng 2.298 ca ghi nhận trong nước và 1.458 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 728 ca.
Thông tin xét nghiệm: Số lượng mẫu xét nghiệm từ 29/4 đến nay là 434.941 mẫu.
-
Trưa 14/5, cả nước có thêm 16 ca mắc Covid-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 14/5, cả nước ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19. Tất cả ca bệnh mới đều được phát hiện trong khu vực đã phong tỏa, không phát hiện các ổ dịch mới.
Trong đó, Bắc Ninh có 7 ca, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 3 ca, Lạng Sơn 2 ca, Nam Định 2 ca, Thái Bình và Hưng Yên mỗi tỉnh thêm 1 ca.
Như vậy, thống kê của Bộ Y tế trong ngày 14/5, Việt Nam đã có thêm 45 ca mắc Covid-19 trong cộng động. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 728 ca.
-
Bắc Ninh có thêm 31 người dương tính với nCoV trong một ngày
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh, tính đến 6h ngày 14/5, địa phương này phát hiện thêm 31 người dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm virus của tỉnh lên 162.
Thuận Thành là huyện ghi nhận nhiều ca dương tính mới nhất với 30 người. Đây cũng là ổ dịch căng thẳng nhất của Bắc Ninh với 144 người dân mắc Covid-19. Trường hợp còn lại ghi nhận tại huyện Yên Phong.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã rà soát được 2.683 F1, 21.123 F2. Ngoài ra, 24.726 trường hợp đang cách ly y tế do có yếu tố dịch tễ liên quan ca mắc Covid-19.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 6/8 huyện, thành phố của Bắc Ninh, gồm Thuận Thành (144), Tiên Du (5), Từ Sơn (2), TP Bắc Ninh (3), Yên Phong (4), Lương Tài (4).
Tỉnh Bắc Ninh cũng ra quyết định thiết lập cách ly y tế vùng có dịch đối với thôn Kim Đào, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài. Khu vực này có tổng số 850 hộ gia đình ứng với 3.100 nhân khẩu.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Bắc Ninh đặc biệt phức tạp khi các F0 đã xâm nhập vào khu công nghiệp. Qua truy vết, Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ) ghi nhận 84 F1, 533 F2. Công ty Samsung (Khu công nghiệp Yên Phong) có 49 F1, 1.160 F2. Công ty TNHH Johnson có 27 và F1 và 578 F2.
-
TP.HCM có 94 người liên quan đến ca F0 tại Đà Nẵng
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bệnh nhân 3298 (25 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã đến TP.HCM, khiến thành phố phải cách ly và xét nghiệm cho 94 người có liên quan.
Hiện, 89 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 5 người đang chờ kết quả.
Trước đó, bệnh nhân 3298 đến TP.HCM từ ngày 30/4 đến 4/5. Trong thời gian ở tại TPHCM, bệnh nhân đi cùng 6 người bạn, làm việc tại một số đơn vị y tế.
HCDC cũng cho biết trong ngày 13/5, thành phố có thêm một ca mắc Covid-19 được xuất viện. Như vậy, tính đến trưa 14/5, số trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện tại thành phố là 270, trong đó, 248 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 22 đang điều trị.
Hiện tại, TP.HCM có 4.314 người đang cách ly tập trung, 627 trường hợp cách ly tại nhà.
-
Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay
Sáng 14/5, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã nỗ lực đàm phán để nhiều quốc gia, tổ chức cam kết cung cấp khoảng 110 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm nay.
Số lượng này gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX Facility để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Ngày 16/5, Việt Nam sẽ tiếp nhận hơn 1,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca đợt 2 do Covax Facility tài trợ để tiêm chủng toàn quốc.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 đợt 3, rà soát tất cả điểm tiêm trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
Các liều vaccine Covid-19 trong kho lạnh tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.
-
Bắc Giang cho người dân là F3 đi học, đi làm trở lại
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành công văn cho phép những người thuộc diện F3 của bệnh nhân Covid-19 được đi làm việc và học tập trở lại.
Những người này được phép đi làm việc và học tập trở lại từ 13h ngày 14/5 nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan, đơn vị; tiếp tục tự theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân, khi có triệu chứng nhiễm Covid-19 phải kịp thời báo cáo.
Trước đó, tỉnh Bắc Giang quy định F1 (tiếp xúc gần với F0)phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nơi cư trú, lấy xét nghiệm; các trường hợp F3 thì cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà.
-
3 người làm cùng công ty ở Hà Nội dương tính với nCoV
Thông tin này được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố trưa 14/5.
Trường hợp đầu tiên là P.T.T., nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại thôn 5, Đông Mỹ, Thanh Trì. Người này là quản lý bộ phận thành phẩm của Công ty Sland (địa chỉ Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội). Hàng ngày, ông P.T.T. chỉ đi làm bằng xe máy.
Hai trường hợp còn lại là G.A.D. (nam, 27 tuổi) và V.A.T. (nam, 22 tuổi). Cả hai người này đều trú tại Vân Hồ (Sơn La) và là công nhân pha chế sơn của Công ty Sland.
Họ ở tại công ty và về quê nghỉ lễ từ ngày 30/4. Ngày 3/5, hai người đi từ Sơn La xuống Hà Nội. Trong khoảng thời gian từ 3/5 đến 5/5, hai trong 3 người này tiếp xúc với bệnh nhân đã được công bố mắc Covid-19 tại Hưng Yên.
Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước với nhiều ổ dịch lớn, đa nguồn lây. Riêng trong sáng nay, thành phố đã có thêm 10 người dương tính với SARS-CoV-2.
-
TP.HCM cấm xe khách đón trả người ở vùng dịch
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu xe vận tải hành khách tại TP.HCM không được phép dừng, đón trả người ở vùng dịch từ 15/5.
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu nhà xe vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, bố trí chỗ ngồi giãn cách ít nhất 1 m (không áp dụng với ôtô khách giường nằm và xe cải tạo ghế ngồi đã đảm bảo giãn cách).
Ngoài ra, xe không được chở quá 30 người mỗi chuyến, gồm cả tài xế và nhân viên phục vụ.
Sở cũng yêu cầu các bến xe phun thuốc sát khuẩn mỗi ngày, nhất là các khu vực đón, trả khách, nơi bán vé, phòng chờ. Riêng xe phải được phun sát khuẩn sau mỗi chuyến.