Rạng sáng 25/3 (theo giờ Mỹ), Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ đã đồng thuận gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của dịch virus corona chủng mới đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Tuy nhiên, New York Times nhận định gói cứu trợ 2.000 tỷ USD chỉ có thể xoa dịu nền kinh tế trong vòng vài tháng. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan và kéo dài suốt mùa hè, các nhà lập pháp sẽ phải chi nhiều hơn.
"Không đủ lớn"
Thỏa thuận giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, phe Cộng hòa và phe Dân chủ tại Quốc hội bao gồm các khoản cho vay và trợ cấp tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ, tăng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị sa thải hoặc giảm giờ làm, trao tiền mặt trực tiếp cho cá nhân và hộ gia đình.
Các biện pháp này sẽ trao tiền cho hàng triệu người Mỹ, giúp hàng nghìn doanh nghiệp không phải đóng cửa dù không có khách hàng. Chi phí của gói cứu trợ cao gấp đôi gói kích thích trị giá 800 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi năm 2009 để phục hồi nền kinh tế sau cuộc Đại suy thoái.
“Tuy nhiên, nó vẫn không đủ lớn để đối phó với thách thức to lớn của nền kinh tế Mỹ hiện tại”, New York Times bình luận.
Gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế Mỹ không cần một cú hích để tái khởi động, chính phủ chỉ đang nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về mặt tài chính, giúp họ có thể bắt đầu lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Như vậy, thỏa thuận đạt được hôm 25/3 không phải là một gói kích thích kinh tế. Thực tế, đây là một loạt khoản thanh toán nhằm duy trì cuộc sống và hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Và chúng chỉ đủ để kéo dài trong vòng vài tháng.
Làm cách nào để những khoản thanh toán này nhanh chóng đến tay các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Trong trường hợp tốt nhất, tiền có thể chảy vào các công ty nhỏ từ tuần tới. Theo nghiên cứu từ Viện JPMorgan Chase, đa số doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể tồn tại trong vòng 12 ngày khi không có doanh thu mới.
Cuộc khủng hoảng kéo dài
“Các doanh nghiệp thua lỗ trong khoảng thời gian này sẽ phải sa thải hàng loạt nhân viên. Phần lớn năng lực sản xuất của nền kinh tế sẽ bốc hơi theo đó”, một nhóm gồm 900 chuyên gia kinh tế viết trong một lá thư gửi đến Quốc hội.
Trong khi đó, tốc độ trao tiền mặt cho các hộ gia đình phụ thuộc vào tài khoản ngân hàng hiện có của mỗi cá nhân.
Hôm 24/3, Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng nền kinh tế được mở cửa trở lại trong vòng hơn 2 tuần nữa vào dịp Lễ Phục sinh. Các chuyên gia kinh tế và y tế công cộng đồng loạt cho rằng điều này là “không thể” và “không thực hiện được”.
Hiện, nước Mỹ vẫn chưa thực hiện được xét nghiệm virus corona rộng rãi. Các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong vẫn tăng nhanh.
Hàng loạt biện pháp nghiêm khắc của các thống đốc và thị trưởng Mỹ, bao gồm đóng cửa nhà hàng, cửa hiệu, yêu cầu người dân ở nhà, khó có thể bẻ đường cong của dịch Covid-19 trong vòng một tuần nữa.
Ngay cả khi những biện pháp này có hiệu quả, các doanh nghiệp cũng mất đến hàng tháng để trở lại bình thường.
Nếu chúng không cho thấy hiệu quả, hoặc được nới lỏng theo lệnh của Tổng thống Trump, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài lâu hơn, theo giới chuyên gia.
Đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế tại Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Hôm 25/3, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhận định gói cứu trợ có thừa khả năng giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.
“Chúng tôi dự đoán rằng nền kinh tế có thể cần hỗ trợ thêm trong vòng 3 tháng nữa. Hy vọng chúng ta không cần thêm trong 3 tháng nữa. Hy vọng cuộc chiến này sẽ kết thúc nhanh hơn. Nhưng tôi cho rằng đây vẫn là một số tiền đáng kể để hỗ trợ nền kinh tế”, ông nói.
Gói cứu trợ gây tranh cãi
“Gói hỗ trợ này có vẻ tương xứng với mức độ của vấn đề. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết vấn đề thực sự lớn đến mức nào”, New York Times dẫn lời chuyên gia Justin Wolfers tại Đại học Michigan.
Dự luật bao gồm khoản vay doanh nghiệp 350 tỷ USD sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ thu hẹp chi phí trong tối đa 10 tuần. Thời hạn thanh toán lên đến 8 tuần nếu họ không sa thải nhân viên hoặc thuê lại nhân viên đã nghỉ việc vào tháng 6. Biện pháp này có thể giúp hàng nghìn công ty tồn tại, ít nhất là tạm thời.
Tuy nhiên, chuyên gia Stan Veuger tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ khả năng trang trải cho toàn bộ nền kinh tế trong thời gian ngưng trệ.
Dự luật cũng bao gồm 500 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không và những tập đoàn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (trái) nhận định gói cứu trợ có đủ khả năng trang trải nền kinh tế trong đại dịch. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, kế hoạch cũng khuyến khích các công ty trả lương cho người lao động, ngay cả những trường hợp nghỉ phép không lương. Như vậy, người lao động Mỹ sẽ vừa được trả lương, vừa được hưởng bảo hiểm y tế do doanh nghiệp cung cấp.
Những người lao động mất việc làm cũng được trợ cấp thất nghiệp 4 tháng. Đối với nhiều người, khoản trợ cấp thậm chí còn lớn hơn thu nhập của họ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Dự luật còn bao gồm khoản thanh toán 1.200 USD cho mỗi người lớn và 500 USD mỗi trẻ em.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên là kết quả của những cuộc tranh luận gay gắt từ lưỡng đảng. Một số nhóm tố cáo đây là quỹ đen của các tập đoàn lớn, một số khác cho rằng số tiền này sẽ gây ra lạm phát tràn lan.
Một số người khác khen ngợi đây là sự can thiệp “muộn màng nhưng cần thiết”.
“Không có gì là hoàn hảo. Nhưng nếu chúng ta làm cho kẻ thù trở nên hoàn hảo, nhiều người sẽ bị tổn thương hơn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và virus ngày càng lây lan”, Thượng nghị sĩ Rob Portman nhấn mạnh.
Trong nhiều ngày qua, các chuyên gia chính sách đã cảnh báo về việc nhiều công ty phải đóng cửa và công nhân bị mất việc nếu Quốc hội hành động chậm trễ.
“Dự luật này có thể cải thiện tình hình không? Đương nhiên là có. Nhưng có lẽ (gói cứu trợ) cần lớn hơn 4 hoặc 5 lần nữa để ngăn chặn việc đóng cửa và sa thải hàng loạt”, chuyên gia John Lettieri tại Tập đoàn Economic Innovation nhận định.
“Quốc hội cần phải chuẩn bị ngay bây giờ vì các tài nguyên bốc hơi rất nhanh”, ông nói thêm.