Bản năng của trẻ em là tò mò và khám phá. Mỗi ngày, trẻ sẽ lặp lại nhiều lần câu hỏi “Tại sao?” để khám phá. Làm thế nào để nuôi dưỡng phẩm chất này của trẻ nhỏ? Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến “Gieo mầm và nuôi dưỡng hạt giống đam mê khoa học cho trẻ bằng ehon” cùng thảo luận phương pháp đọc sách để khơi dậy tình yêu khám phá ở trẻ.
Buổi tọa đàm diễn ra ngày 27/11 với hình thức trực tuyến, thuộc khuôn khổ Ngày hội ehon 2021. TS Đặng Văn Sơn tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, chuyên ngành Khoa học Vật liệu; TS Định Thị Thu Hằng, giảng viên khoa Giáo dục mần non, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, hiện là nghiên cứu sinh tại Nhật Bản; bà Trần Thị Minh Trang - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT trường Mầm non Anh Nhi Hạnh - tham gia tọa đàm.
Ehon là dạng sách tranh cho thiếu nhi ở Nhật Bản. Sách có nội dung, đề tài gần gũi với trẻ em, ngôn ngữ, hình ảnh trong sáng, mang tính giáo dục cao. Ehon được coi là thực phẩm cho tâm hồn trẻ ở Nhật. Tại Việt Nam, nhiều cuốn sách ehon đã được xuất bản và được phụ huynh, trường học lựa chọn cho con em.
Trẻ em háo hức với sách tranh tại Ngày hội Ehon năm 2019. Ảnh: Q.V. |
Câu hỏi “Tại sao?” và nuôi dưỡng môi trường khám phá cho trẻ em
Tham gia tọa đàm, TS Đặng Văn Sơn nói mỗi bạn nhỏ đều chứa đựng tố chất của nhà khoa học, đó là sự tò mò. Tầm ba tuổi trở lên, hàng ngày bố mẹ phải trả lời loạt câu hỏi “Tại sao?” của trẻ, hoặc ngăn chặn các hành động nghịch ngợm, phá phách nhằm khám phá của trẻ nhỏ. Đó chính là tố chất tò mò, khám phá của trẻ.
Theo TS Sơn, khi nói đến khoa học, phụ huynh hay nghĩ tới điều gì to tát. Nhưng mọi hoạt động đều chứa đựng yếu tố khoa học trong đó. Không có giới hạn độ tuổi để trẻ khám phá khoa học. Ngay khi trẻ biết cầm, khám phá đồ vật đã hình thành tư duy khoa học.
Ví dụ, khi trẻ đặt câu hỏi “Tại sao gạo nấu thành cơm?” là đã đưa ra một hiện tượng khoa học. Tiếp đến, những dự đoán do “nóng, có nước, do nồi cơm điện nấu” là những phỏng đoán. Cha mẹ có thể giúp con kiểm chứng bằng cách đặt gạo vào nồi có nước, đun nóng để nở ra thành cơm. Tuy hiểu, cha mẹ cũng khó có thể dùng ngôn ngữ khoa học giải thích cho trẻ hiểu.
“Để nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá, cha mẹ hỗ trợ, khuyến khích con trả lời những câu hỏi ấy. Một phương tiện giúp cha mẹ đồng hành cùng con là sách. Sách ehon có cách diễn đạt theo ngôn ngữ ngộ nghĩnh, dễ thương, giúp trẻ trang bị thêm kiến thức”, TS Sơn nói.
Bà Trần Thị Minh Trang cho biết ở trường mầm non mà bà điều hành, đọc ehon là một trong những hoạt động quan trọng. Loại sách tranh cho trẻ em này có hình ảnh đẹp, thường có tính giáo dục cao, giúp trẻ quan sát, tương tác với sách. Qua việc đọc, hướng dẫn của các cô giáo, trẻ sẽ khám phá và có thêm hiểu biết.
Một số cuốn trong bộ Bé yêu khoa học. Ảnh: Ehomebooks. |
Cách lựa chọn và sử dụng sách phù hợp
Sách vở có vai trò trong việc giúp trẻ khám phá, thu nhận kiến thức. Cha mẹ cần lựa chọn và có phương pháp đọc sách cùng con phù hợp.
Theo bà Đinh Thị Thu Hằng, phụ huynh cần dựa vào tâm sinh lý lứa tuổi, điều kiện cụ thể của con để chọn sách phù hợp. Hai đến ba tuổi, trẻ bắt đầu tìm hiểu những thứ đơn giản như biết tên gọi các bộ phận trong cơ thể, tên gọi đồ vật xung quanh. Khi trẻ biết gọi tên rồi, người lớn sẽ giúp trẻ biết về tính chất. Lúc này, cha mẹ tìm sách mô tả tính chất sự vật.
Ví dụ, khi trẻ biết tên gọi đây là quả cam, hãy cho trẻ biết trong quả cam ấy có những gì, vị quả cam ra sao. Kết hợp trải nghiệm thực tế lẫn kiến thức học trong sách, trẻ sẽ nắm được sự vật, sự việc.
Bà Hằng cũng chia sẻ ba kinh nghiệm lựa chọn và sử dụng ehon. Đầu tiên, nên lựa chọn từ các nhà xuất bản, công ty sách chất lượng. Thứ hai, cha mẹ đọc, tham khảo khung lứa tuổi phù hợp của các tủ sách uy tín để lựa sách. Thứ ba, người lớn phải trải nghiệm, trải qua thời gian đọc sách cùng con.
TS Định Thị Thu Hằng khuyên các phụ huynh trong lúc đọc sách cùng con không nên sử dụng câu hỏi mang tính kiểm tra, đánh đố, không đặt nặng kiến thức lên đầu (dù việc đọc sách sẽ cho con kiến thức).
Bà Trần Thị Minh Trang cũng cho rằng phụ huynh không nên tạo áp lực cho con khi trải nghiệm sách. Trong đó, cha mẹ phải dành thời gian lựa chọn sách phù hợp để tương tác với con.
Để tạo hứng thú, người lớn không nên bắt trẻ một giờ đọc sách cố định mà lựa chọn không gian, thời gian phù hợp, thân thiện với các bé. Người lớn tạo điều kiện để con em lựa chọn sách mà chúng thích.
“Con đang thắc mắc về cơ thể, hãy lựa sách Cuốn sách đầu tiên về cơ thể mình, lúc đó mình thành bạn đọc sách cùng con (vì các con chưa biết chữ). Chúng ta đọc chậm để con quan sát tranh trong sách”, bà Trang nêu ví dụ.
Bà Trang cho rằng ehon là kho kiến thức tuyệt vời có nhiều chủ đề. Các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giáo viên, họa sĩ minh họa… đã dùng kiến thức của mình để tạo ra "kho báu" cho trẻ.