Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nuôi con đừng nhìn sang nhà hàng xóm'

Vừa qua, đồng tác giả Uyên Bùi đã có buổi giao lưu chia sẻ về cuốn sách “Để con được ốm” nói riêng và việc chăm sóc trẻ nhỏ, chủ đề được rất nhiều bà mẹ quan tâm nói chung.

Buổi giao lưu mang tên “Nuôi con trong thời đại mạng xã hội” đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều ông bố bà mẹ. Độc giả khi đến tham gia chương trình không chỉ được trò chuyện về việc làm mẹ với tác giả Uyên Bùi mà còn được giải đáp những vấn đề liên quan đến tâm lý trẻ nhỏ bởi TS Tâm lý Trần Thành Nam và các vấn đề về sức khỏe của trẻ qua phần giao lưu trực tuyến cùng bác sĩ Trí Đoàn.

sach De con duoc om anh 1
Sách Để con được ốm.

TS Tâm lý Trần Thành Nam nhấn mạnh việc “Đừng dạy con chỉ vì thể diện của bố mẹ.” Không nên ép trẻ chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với trẻ nhà hàng xóm, trẻ nhà bạn bè chỉ vì thể diện. Việc ép buộc hoặc nghiêm trọng hơn là cướp đi của trẻ những món đồ thân thiết sẽ khiến bé hình thành thói quen không tốt. Trẻ sẽ lặp lại hành động này trên những đối tượng khác vì khi bố mẹ làm như vậy, bé sẽ nghĩ rằng đó là việc đương nhiên.    

Anh cũng hài hước khuyên các ông bố bà mẹ không nên so sánh con mình với con người khác, đặc biệt, trong thời đại mạng xã hội phát triển, các bà mẹ thường “khoe” con trên Facebook, đừng nhìn vào đó mà lo lắng vì có thể mọi thứ trên mạng xã hội thường đã được “tô hồng” lên. Hãy để trẻ phát triển tư nhiên và khoa học.

Cùng chung quan điểm này, tác giả Uyên Bùi chia sẻ, ban đầu Để con được ốm có tựa là Nuôi con đừng nhìn sang nhà hàng xóm. Ốm trong tiếng Việt vừa có nghĩa là gầy, vừa có nghĩa là bị bệnh. Chị cũng là người nói “không” với việc so sánh trẻ. Bởi mỗi đứa bé có một thể chất khác nhau, gen của bố mẹ khác nhau, cách nuôi dưỡng khác nhau… Vì vậy, Uyên Bùi luôn bỏ qua những câu hỏi như “Sao em bé nhà chị gầy thế?” hoặc “Cháu mới được có từng này cân thôi à?”

Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam và tác giả Uyên Bùi cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh cần xây dựng ý thức trân trọng các bộ phận cơ thể mình cho trẻ ngay từ nhỏ. Nếu bố mẹ để cho bạn bè, người thân… dễ dàng tiếp xúc với cơ thể trẻ qua những hành động tưởng chừng như rất bình thường như thơm má, thơm môi, động chạm vào cơ thể, trẻ sẽ coi đó là chuyện bình thường và không có ý thức bảo vệ cơ thể. Trong xã hội hiện đại, khi vấn nạn xâm hại tình dục ngày càng trở nên phổ biến, các bậc cha mẹ cần đặt ra những giới hạn để trẻ tự biết bảo vệ bản thân. Những quan điểm mà Uyên Bùi và các chuyên gia đưa ra trong buổi giao lưu cũng như trong cuốn sách đã làm thay đổi tư duy nuôi dạy con của nhiều bậc cha mẹ.

sach De con duoc om anh 2
Nhiều bậc phụ huynh đưa con tới dự buổi ra mắt sách.

Để con được ốm có thể coi là một cuốn nhật ký học làm mẹ thông qua những câu chuyện từ trải nghiệm thực tế mà Uyên Bùi đã trải qua từ khi mang thai đến khi em bé chào đời và trở thành một cô bé khỏe mạnh, vui vẻ.

Cùng với những câu chuyện nhỏ thú vị của người mẹ là lời khuyên mang tính chuyên môn, giải đáp cụ thể từ bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn, giúp hóa giải những hiểu lầm từ kinh nghiệm dân gian được truyền lại, cũng như lý giải một cách khoa học những thông tin chưa đúng đắn đang được lưu truyền hiện nay, mang đến góc nhìn đúng đắn nhất cho mỗi hiện tượng, sự việc với những kiến thức y khoa hiện đại được cập nhật liên tục. Cuốn sách sẽ giúp các bậc phụ huynh trang bị một số kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học và góp phần giúp các mẹ và những-người-sẽ-là-mẹ trở nên tự tin hơn trong việc chăm con, xua tan đi những lo lắng, để mỗi em bé ra đời đều được hưởng sự chăm sóc tốt nhất.

Trên thị trường có nhiều đầu sách về chăm sóc trẻ, tuy nhiên đa phần đều là nội dung được dịch từ các sách nước ngoài nên phần nào đó không phù hợp với các gia đình Việt bởi sự khác biệt về suy nghĩ và ý thức hệ cùng những quan niệm sống. Đặc biệt là các cuốn sách ấy không bao giờ nhắc tới cách xử lý các vấn đề đời thường, những kinh nghiệm dân gian hay phương pháp chăm sóc trẻ từ “kinh nghiệm cá nhân” của các mẹ tràn lan trên các diễn đàn và mạng xã hội – những điều đang tồn tại trong xã hội Việt ta hiện nay.

Do đó, Để con được ốm trở thành một cuốn sách độc đáo khi đi sâu vào vấn đề chăm sóc con trẻ cùng những điều bất cập trong xã hội Việt, trong những gia đình Việt, giữa các thành viên trong gia đình. Để con được ốm không phải là cuốn “bách khoa toàn thư” chữa bách bệnh ở trẻ em, nó đơn giản là lời sẻ chia và động viên gửi đến các bà mẹ trẻ nói riêng và các gia đình nói chung. Hi vọng, cuốn sách sẽ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy như một luồng gió mát giúp “cởi phăng”, “cuốn bay” những suy nghĩ, những định kiến không đúng như những lớp áo giáp vững chắc về hiều biết, về cách chăm sóc trẻ khi bệnh cũng như khi khỏe.



Hà Thu

Bạn có thể quan tâm