Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nuôi bò Úc sinh sản: Nghề 'hot'

Do thịt bò Úc đang “hot”, hiện ở các tỉnh phía Nam đang manh nha mô hình nuôi bò Úc sinh sản để bán thịt.

Trại bò của ông Bùi Phước Cường nằm hẻo lánh ở khu vực “Đồi bảy mẫu”, thuộc khu phố 4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 

Ông là người đầu tiên nuôi bò thuần Úc sinh sản của tỉnh Đồng Nai với số lượng khá lớn, lên đến 24 con từ tháng 3/2015. Nhưng do mô hình này quá mới và chủ trang trại cũng không phải là người dân địa phương nên rất ít người biết. 

Thậm chí, cán bộ thú y thị trấn và đại diện chính quyền cũng mới biết trại bò vào ngày 4/9, khi đến tận nơi kiểm tra từ thông tin của PV NNVN cung cấp, tức sau nửa năm trại hoạt động. 

Bước vào đây, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là 3 dãy chuồng bò rộng 150 m2 mỗi chuồng được thiết kế cao ráo, rộng rãi, bên trong là những con bò Úc giống Brahman to lớn da bóng mượt, màu vàng đen đang túm tụm ăn cỏ xay đặt trong máng dài bằng xi măng. 

Giống bò thuần Úc Brahman đang nuôi tại trang trại của ông Bùi Phước Cường ở TT Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/nuoi-bo-uc-sinh-san-nghe-hot-post148985.html | NongNghiep.vn

Giống bò thuần Úc Brahman đang nuôi tại trang trại của ông Bùi Phước Cường ở TT Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Ngay sát chuồng là 2 máy xay (băm) cỏ chạy điện với công suất 1,2 tấn/giờ. Bên ngoài chuồng còn có khuôn viên khá rộng để thả cho bò đi lại cho cứng cáp. 

Bên dưới đồi là cánh đồng cỏ voi xanh rì với diện tích hơn 1 ha được bón phân và bơm tưới theo hệ thống nhỏ giọt. Trồng cỏ trên đồi rất tốt so địa hình bằng phẳng, nhưng do độ dốc nhiều nên vận chuyển thức ăn về trại còn khó khăn.

Hiện nay, trại của ông Cường đang có 2 lao động thường trực chăm sóc đàn bò Úc sinh sản. Anh Quốc, một lao động cho biết, do khu vực đất đồi nên phải khoan 12 giếng vẫn không đủ nước tưới đồng cỏ. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 3 tiếng đồng hồ gồm 1,5 tiếng cắt cỏ và 1,5 tiếng xay cho bò ăn là đủ. 

Trong khi bò thịt Úc cho ăn tự do, ngoài cỏ còn thêm cám, mật rỉ, thân bắp... để tăng trọng nhanh theo kiểu “mì ăn liền”, còn bò cái do phải “xài” lâu từ 10 năm trở lên nên phải dưỡng, khẩu phần cám chỉ “đệm” thêm, bởi ăn nhiều cám mau hư dạ con, nên thức ăn chủ yếu vẫn là cỏ tự nhiên. 

Nói chung, tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà cho ăn, nhưng bò cái Úc nhất định không thể cho ăn kiểu vỗ béo như bò thịt, nên không được để bò quá béo. 

Cũng theo anh Quốc, bò nhập về từ tháng 3/2015, với trọng lượng bình quân đạt 375 kg/con (khoảng 2 năm tuổi), giá mua trên 50 triệu đồng một con, chi phí hết khoảng 1,2 tỷ đồngNay nuôi đã hơn 6 tháng, tăng trọng được 400 kg một con, trong đó có 1 con bò cái đẻ 1 con bê vào ngày 22/8. 

“Lúc đẻ ra bê nặng 20 kg cũng nhỏ tương đương bò lai Sind, bò Bô địa phương. Nhưng phải nói bò Úc tăng trọng rất nhanh, mới có hơn 10 ngày trọng lượng bê con tăng gấp 2 lần, dự kiến nuôi sau 1 năm sẽ cho khoảng 200 kg một bê con, trong khi với trọng lượng này thì bò Sind phải mất đến 2 năm. 

Bê con Úc tăng trọng nhanh, nuôi tốt sau 1 năm cân nặng 200 kg, gấp đôi bò lai Sind địa phương.

Bê con Úc tăng trọng nhanh, nuôi tốt sau 1 năm cân nặng 200 kg, gấp đôi bò lai Sind địa phương.

Với giá 150.000 đồng/kg hơi hiện nay cầm chắc lãi 30 triệu một con. Chỉ cần 20 con bê con, sau 2 năm đã thu hồi phân nửa tiền giống”, anh Quốc nói. 

- Vậy lúc bò cái Úc động dục thì trại phối tinh ở đâu? - tôi hỏi anh Quốc. 

- Thật ra trong trại chỉ có 23 con bò cái, còn lại 1 con bò đực giống của Úc. Con này sẽ làm nhiệm vụ “nhảy” cho cả đàn bò cái. Nếu không có nó thì phải phối tinh rạ (nhập ngoại), mỗi lần phối mất khoảng 200-300.000 nhưng tỷ lệ đậu “năm ăn năm thua”. 

Vì vậy, dù mất tiền mua con đực trên 50 triệu và cộng chi phí chăm sóc hàng năm khá tốn kém, nhưng giao phối tự nhiên sẽ đảm bảo chất lượng bò Úc sau này. 

Chúng tôi tiếp tục về xã Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM, tìm đến hộ ông Trần Văn Dần, là người chăn nuôi bò sữa từ mấy năm qua, với tổng đàn lên đến cả chục con. 

Từ đầu năm nay, nản lòng trước giá sữa, nhà máy trừ đủ thứ các loại tạp chất, tạp trùng, vi sinh, còn hăm he đòi cắt hợp đồng nên ông Dần quyết định thanh lý một nửa, chuyển qua nuôi gia công bò Úc sinh sản cho bà Thanh, một thương lái bò ở địa phương.

Ông Dần cho hay, bà Thanh mua giống bò Úc Droughtmaster của một công ty ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Sau khi bò nhập khẩu về Việt Nam nuôi cách ly 45 ngày thì bà Thanh mua về giao cho ông 5 con nuôi gia công, ăn chia theo tỷ lệ 4/6 trên số lượng sản phẩm bò bê sau này. Lúc ông nhận về bò được 15 tháng tuổi cân nặng khoảng 300 kg một con, đến nay mỗi con đã nặng hơn hơn 350 kg. 

“Trước lúc hợp đồng nuôi gia công với cô Thanh, tôi đi tìm hiểu thực tế cũng như trên mạng Internet, nhận thấy mô hình chăn nuôi bò Úc sinh sản rất khả quan, bởi giống bò này có thể trạng to lớn, khỏe mạnh, sạch bệnh. 

Tuy nhiên, dẫu sao mới nuôi giống bò này, kinh nghiệm chưa nhiều, nhất là tìm cho được nguồn tinh rạ thật tốt để phối khi nó lên giống (động dục) để đạt hiệu quả cao là rất khó”. Khi được hỏi vì sao phải nuôi gia công, ông Dần cho biết, do bò giống Úc nhập khẩu còn mới chưa biết thế nào, nên nuôi gia công có hai cái lợi. 

Trước hết, không phải bỏ vốn đầu tư giống nên không sợ rủi ro, riêng khoản này đã là 150 triệu (30 triệu đồng một con); thứ hai, tận dụng chuồng trại và đồng cỏ có sẵn. 

Chung quanh khuôn viên trại đều là cỏ voi dùng làm thức ăn chính cho bò Úc sinh sản.

Chung quanh khuôn viên trại đều là cỏ voi dùng làm thức ăn chính cho bò Úc sinh sản.

Thức ăn chính là cỏ voi, mỗi con cần 20-30 kg cỏ một ngày, 5 con vị chi hết hơn 1 tạ; 1 tháng tốn 3,5 tấn cỏ; 12 tháng mất khoảng 40 tấn cỏ. Trồng 1 ha cỏ ở địa phương năng suất đạt trên 300 tấn, như vậy chỉ cần có 2 sào đất (2.000 m2) là đủ nuôi 5-10 con bò cái Úc sinh sản. 

“Một hộ nuôi bò Úc chăm sóc đúng quy trình, 1 năm 1 con bò bán được 35 triệu. Nuôi 4 con, 1 năm chỉ cần bán 2 con bê đã có thu nhập 70 triệu", ông Dần nói theo lý thuyết.

Theo ông Phạm Đức Nhoai, nguyên Giám đốc Công ty Bò sữa TP HCM, nuôi bò Úc không khó nhưng phải biết điều quan trọng nhất với bò sinh sản (nói chung) và bò Úc (nói riêng), là đừng để viêm nhiễm tử cung. Nhiều trường hợp do thú y địa bàn tay nghề yếu, phối tinh không đạt, không chuyên nghiệp, nếu bị viêm nhiễm tử cung không lo điều trị sớm thì về lâu dài sẽ bị hư bộ phận sinh sản, coi như hư luôn con bò Úc.


Thoát nghèo từ 2 con bò

Anh Lê Minh Phúc, 36 tuổi ở Phú Ngãi (Ba Tri, Bến Tre) từ hai bàn tay trắng, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đã thoát nghèo, thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi bò.

 

http://nongnghiep.vn/nuoi-bo-uc-sinh-san-nghe-hot-post148985.html

Theo Đỗ Quyên/Nông Nghiệp Việt Nam

Bạn có thể quan tâm