Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước Sông Đà xuống thấp, nguy cơ thiếu nước sạch tại Hà Nội

Nếu không điều tiết vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình xả nước để cung cấp sản xuất cho phía hạ lưu, có thể các công ty nước sạch Hà Nội sẽ phải tạm ngừng cấp nước cho người dân.

Ngày 5/7, Công ty Cổ phần Viwaco (thuộc Tổng công ty Cổ phần Vinaconex) đã có thông báo gửi tới các khách hàng về việc tình trạng nước sông Đà xuống rất thấp phía hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình dẫn đến nguy cơ có thể phải tạm ngừng cấp nước.

Cụ thể, Viwaco cho hay công ty đã nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) về nguy cơ trên. Theo đó, nếu nhà máy thủy điện Hòa Bình không vận hành để điều tiết lượng nước phía hạ lưu cho sản xuất, Viwasupco sẽ sớm phải tạm ngừng cung cấp nước sạch. Dự kiến ban đầu là từ chiều ngày 5/7.

Trước đó, ngày 4/7, Viwasupco cũng đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội trình bày nội dung trên. Đặc biệt, từ ngày 3/7 mực nước sông Đà thuộc khu vực hạ lưu của nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn ở mức rất thấp, không đủ nước để sản xuất.

nguy co thieu nuoc sach o ha noi vi nuoc song da anh 1
Người dân khu vực Tây Nam Hà Nội có thể đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch. Ảnh: Lê Hiếu.

Vì vậy, để đảm bảo cung cấp nước liên tục cho người dân Hà Nội, phía Công ty nước sạch Sông Đà đã có kiến nghị UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn cấp điều tiết, vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình để nguồn nước sông Đà phía hạ lưu không bị cạn kiệt, đủ nước cho công ty vận hành sản xuất.

Chia sẻ vào cuối ngày hôm qua (5/7), ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Viwasupco - cho biết công ty đã làm việc với ban quản lý nhà máy thủy điện Hòa Bình và nhà máy này đã bắt đầu xả nước. Hiện tại, Viwasupco đã xử lý nước sạch như bình thường.

Theo đó, trong thời gian tới người dân khu vực phía Tây Nam Hà Nội vẫn sẽ đủ nước sạch để sinh hoạt.

Ông Tốn cũng chia sẻ thêm trước tình trạng mực nước khu vực hạ lưu xuống thấp để không xảy ra tình trạng thiếu nước phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy thủy điện Hòa Bình. Theo đó, nhà máy này cần phải duy trì xả nước ổn định với 3 tổ máy mới đủ cung cấp nước cho người dân.

Về phía nhà máy thủy điện Hòa Bình, lãnh đạo nhà máy này cũng cho biết với mực nước hiện nay của đập thủy điện hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân khu vực.

Hiện tại, việc cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô Hà Nội đang được giao cho 5 đơn vị chính gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

Trong đó, Viwasupco là công ty chuyên cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt Sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho các công ty sản xuất nước sạch còn lại.

Số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho biết riêng tại Hà Nội đang có gần 3 triệu người dân không được sử dụng nước sạch gồm cả khu vực đô thị và nông thôn.

Trong đó, hệ thống cấp nước khu vực đô thị Hà Nội cung cấp cho 12 quận nội thành với quy mô khoảng 3,7 triệu người. Nguồn nước mặt được bổ sung thêm từ nhà máy nước sông Đà và nhà máy nước sông Đuống.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay tổng công suất nước cung cấp cho khu vực đô thị Hà Nội đạt khoảng 1,06 triệu m3/ngày. Trong đó, nguồn nước ngầm là 629.850 m3; nguồn nước mặt sông Đà khoảng 219.295 m3; và nguồn nước mặt sông Đuống khoảng 150.000 m3 một ngày.

Dùng SIM rác, SIM không chính chủ có thể bị phạt 500.000 đồng

Theo Cục Viễn thông, người sử dụng SIM không chính chủ có thể bị xử phạt ở mức 500.000 đồng.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm