Ngày 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết hàng loạt. Họ quan sát thấy nước sông chuyển qua màu xanh đục và bốc mùi hôi.
Trước tình trạng này, hàng chục người dân địa phương đã tập trung vớt hàng tạ cá chết lên bờ để tránh ô nhiễm nguồn nước.
Cá chết dạt vào bờ trên sông Bưởi. Ảnh: T.Tú. |
"Ngày nào chúng tôi cũng ra sông Bưởi giặt quần áo, gần đây mới phát hiện nước nổi bọt trắng và cá chết hàng loạt. Mọi người rất bất an" – một phụ nữ thôn Biện (xã Thạch Lâm) nói.
Người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là các nhà máy sắn và mía đường phía thượng nguồn sông Bưởi đóng ở Hòa Bình xả thải trực tiếp xuống lòng sông gây ô nhiễm.
Theo ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, khoảng 60% hộ dân ở các thôn Biện, Đồi, Thống Nhất và Nghéo sử dụng nước sông chịu ảnh hưởng trực tiếp.
"Chúng tôi đã phát đi thông báo rộng rãi cho người dân không tự ý vớt cá chết về ăn, không lấy nước để tắm rửa sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm đến khi cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra" – ông Dương nói và cho hay xã đã báo cáo vụ việc này lên cơ quan ban, ngành cấp trên.
Cũng theo vị Chủ tịch xã, đây là lần thứ ba trong vài năm trở lại đây hiện tượng cá chết xảy ra trên sông Bưởi.
Người dân mang bì, rổ rá đi vớt cá ở khu vực bờ sông Bưởi. Ảnh: T.Tú. |
Trước đó, vào tháng 12/2013, nước sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm) bất ngờ chuyển màu đen, bốc mùi hôi khiến hàng tấn cá chết, nổi trắng trên bề mặt nước. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa) sau đó kết luận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt do chất thải từ Nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng ở xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình).
Đại diện Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Hòa Bình lúc đó làm việc với cơ quan chức năng và thừa nhận, cống xả thải của nhà máy bị vỡ khiến nước từ 3 hồ chứa (dung tích mỗi hồ 40.000 m3) đổ trực tiếp ra sông Bưởi làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước.