Ngày nhỏ, nghe thầy cô giảng về rừng vàng biển bạc về núi non, ruộng đồng, sông ngòi, biển cả tôi bị cuốn hút mãnh liệt vào cái sự giàu đẹp đầy kỳ thú của đất nước.
Đến mức khi lớn hơn chút ít, được hỏi sau này em ước mơ làm gì. Bạn bè mỗi người một ước mơ làm bác sĩ, giáo viên, phi công, kỹ sư, công nhân… đủ mọi thứ nghề thì tôi chịu chả hình dung ra nghề nghiệp tương lai của mình thế nào. Lúc ấy chỉ mong lớn nhanh để được khám phá nước non với những vẻ đẹp tôi được học và mường tượng khao khát.
Đất nước tươi đẹp. Ảnh: Hoàng Giám. |
Ngày nhỏ, nghe thầy cô giảng về rừng vàng, biển bạc, về núi non, ruộng đồng, sông ngòi, biển cả tôi bị cuốn hút mãnh liệt vào cái sự giàu đẹp đầy kỳ thú của đất nước. Đến mức khi lớn hơn chút ít, được hỏi sau này em ước mơ làm gì. Bạn bè mỗi người một ước mơ làm bác sĩ, giáo viên, phi công, kỹ sư, công nhân… đủ mọi thứ nghề thì tôi chịu chả hình dung ra nghề nghiệp tương lai của mình thế nào. Lúc ấy chỉ mong lớn nhanh để được khám phá nước non với những vẻ đẹp tôi được học và mường tượng khao khát.
Năm 1964, khi tôi lên 8 tuổi, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ nổ ra ở miền Bắc, chúng tôi phải về quê sơ tán. Bom đạn, gian khổ, thiếu thốn nhưng với những đứa trẻ thành phố, cuộc sống nông thôn với ruộng đồng bát ngát cánh cò, dòng sông xanh ngắt và muôn điều kỳ lạ thật sự mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn mới, chinh phục trí óc non nớt với những khám phá đầy lạ lẫm và say mê. Tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ruộng đồng. Những trận mưa rào soi ếch đêm, câu cá, móc cua, đánh dậm, úp nơm, thả trúm bắt lươn và cánh đồng lúa chín vàng mùa gặt thơm sực mùi rơm rạ… Cứ thế những tích cóp nông thôn ngày một dày lên trong người đứa trẻ thành phố và trở thành những ký ức không thể phai mờ. Nhiều năm sau, khi đã trở thành nhà văn, những gì của mấy năm sơ tán ấy đã trở thành vốn liếng quý giá cho tôi trở thành một cây bút viết về nông thôn thành thục trong cả văn học lẫn kịch bản phim truyện truyền hình. Tôi biết và luôn cảm ơn những cánh đồng, dòng sông, ao hồ và những người nông dân đã cho tôi kiến thức sống thu được bằng trải nghiệm của chính mình dù chỉ là một đứa trẻ có mấy năm sơ tán.
Cũng phải đến tuổi trưởng thành thì cái khao khát thuở nào còn bé xíu được đi đây đó dặm dài khám phá đất nước mới thực sự đến. Năm 1974, tôi cùng đơn vị hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Đông Nam Bộ. Dù là hành quân chiến đấu, bom đạn mù trời nhưng tôi thật sự ngất ngây trước núi non trùng điệp, những cánh rừng dù bị bom đạn, chất độc hóa học hủy hoại vẫn đẹp như trong mơ với vô vàn sông suối bình lặng nên thơ.
Trong trận chiến Phước Long đầu 1975 khi đơn vị hoàn tất chiến dịch tập kết ở một cánh rừng già ven dòng Đắk Quýt, một nhánh của sông Bé thì những gì về rừng vàng, biển bạc đột ngột trở lại gợi cho tôi những xúc cảm mãnh liệt. Một cánh rừng già với những cây to người ôm không xuể, cao thẳng đan thành tầng để lại bên dưới những khoảng trống đẹp đến nao lòng. Bất chấp có rất nhiều toán tàn binh của quân đội Sài Gòn đang chạy lạc, cánh lính trẻ Hà Nội chúng tôi vẫn thư thái dạo trong rừng. Bấy giờ rừng có rất nhiều thú tập trung hàng đàn. Từ lợn rừng đến hươu nai và khỉ chạy rào rào trên cây. Chả cần là xạ thủ, chỉ cần phục bên bờ thoải của sông đón lõng đám thú uống nước thì một anh lính mới cũng hạ gục được thú lớn cải thiện. Và sông, dòng nước dát bạc lấp loáng chảy cuồn cuộn kỳ vĩ xô vào những ghềnh đá muôn hình, thi thoảng một trận bom hay pháo dội thì cơ man là cá chết nổi lập lờ vớt đã đời.
Chiến tranh vẫn có những phút giây bình an như thế. Hòa bình 1975, từ Sài Gòn đơn vị tôi vào miền Tây Nam Bộ đóng quân. Chao ôi, sông nước Tiền Giang, Hậu Giang… kênh rạch chằng chéo ngang dọc, ngút ngàn, những vườn cây trái lúc lỉu. Đất nước đẹp quá, giàu quá. Đồng Tháp Mười cánh đồng ngút mắt trải thảm lúa vàng. Rồi biển. Biển Rạch Giá, Hà Tiên. Lần đầu tiên được ra biển cảm xúc nôn nao khó tả. Biển bạc là đây ư? Phải chứng kiến bến tàu lúc thuyền đi biển về tấp nập cá tôm mới thấm thía bài học năm nào. Anh lính trẻ là tôi lúc ấy ngập trong một cảm giác mới mẻ chưa từng. Mà lúc đó đã nhiều nhặn gì đâu, tôi mới chỉ là chàng trai đôi mươi đã được nếm trải những cung bậc tận cùng về dáng vẻ tươi đẹp và sự giàu có của rừng vàng, biển bạc của đồng bằng, sông suối.
Trở về sau chiến tranh, trải qua những nghề nghiệp mưu sinh, tôi đậu lại ở nghề văn. Nghề văn có điều kiện đi thực tế nhiều nơi khắp các vùng miền đất nước thì càng thấy những gì mình được học từ nhỏ và mơ ước là không thể bàn cãi. Có đi mới biết rừng núi phía bắc hùng vĩ biết bao nhiêu. Các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc thiên nhiên phú cho đất nước vẻ đẹp không nhiều nơi có. Vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn khiến cho bất cứ ai gặp lần đầu đều ở trạng thái sững sờ. Tây Côn Lĩnh với những cánh rừng nguyên sơ. Tham gia chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, hỗ trợ trẻ miền núi học tập và nâng cao thể chất, tôi đã đi hầu như khắp các vùng rừng núi phía bắc đến với các bản làng dân tộc. Suốt một dọc biên giới, tôi đã từng đặt chân đến. Nơi ngã ba biên giới A Pa Chải, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, đứng trên đỉnh cao nơi đặt cột mốc chủ quyền nhìn rừng núi mênh mang lòng dấy lên những cảm giác nôn nao khó tả. Người ta ví von không sai, một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe tiếng.
Mênh mông biển cả
Một lần, tôi với nhà văn Trung Trung Đỉnh có chuyến công tác đi thực tế một loạt đảo duyên hải để làm phim về biên phòng. Ở nơi địa đầu Móng Cái, nhà văn từng chiến đấu nhiều năm ở vùng rừng núi Tây Nguyên đã tỉ mẩn lượm những hòn đá trắng nhỏ rất đẹp. Ông mang những hòn đá nhỏ đó về bày trong phòng khách, nơi có rất nhiều đồ vật kỷ niệm của các vùng miền. Đó có thể là một bức tượng gỗ xinh xẻo có nhiều năm tuổi đời ở Tây Nguyên hay là những nhạc cụ của các dân tộc ông thu lượm được. Cũng năm đó tôi có chuyến đi những cửa sông, cánh rừng ở Năm Căn, Ngọc Hiển của Cà Mau là nơi dạo chiến tranh là bến đón của Đoàn tàu Không số huyền thoại.
Những cánh rừng đước, rừng tràm mênh mông từng là căn cứ của đoàn 962 tiếp nhận vũ khí từ Đoàn tàu Không số. Nhìn những búp đước rụng trên mặt đất tôi bèn lượm một ít mang về Hà Nội ươm trong vườn nhà hy vọng gây được những cây đước trồng ở nước ngọt. Quả thật những búp đước có vươn lên thành cây nhỏ nhưng rồi chúng không thể sống nổi ở nơi không phải là vùng ngập mặn. Thí nghiệm thất bại nhưng lại là một kỷ niệm ấn tượng về vùng rừng đước Cà Mau nổi tiếng một thời chiến tranh về nơi tập kết vũ khí vận chuyển của đường mòn trên biển.
Nhân nói về Cà Mau, năm 2016 khi nghỉ hưu tôi có một quyết định thực hiện dự định nhiều năm là một mình đạp xe xuyên Việt. Điểm xuất phát là Hà Nội và đích đến là vùng Đất Mũi. Các điểm phía Bắc tôi đã chinh phục trước đó với những cung đường rừng núi trập trùng. Tôi hoàn toàn mãn nguyện về chuyến đạp xe bởi những vùng đất tôi qua. Qua Hà Tĩnh, tôi dừng chân ở điểm nóng Formosa thăm thú những làng chài được di dời. Quả thật lúc đó cái sự cố biển chết làm đau lòng tất cả mọi người, nhất là với cư dân bám biển.
Vào đến miền Trung, tôi đạp dọc theo đường biển. Lại là biển, thật không thể tưởng tượng được vẻ đẹp hoành tráng của suốt một dải biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam rồi đến Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi, Quy Nhơn đến Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu. Biển đẹp như tranh vẽ khiến tôi đạp xe như người mộng du. Cứ thế, tôi miên mải suốt dọc đường đất nước, qua TP.HCM lại là biển Nam Bộ cho đến tận mũi Cà Mau. Phải khi dựng chiếc xe đạp cạnh biểu tượng con thuyền ở Đất Mũi kết thúc chuyến đi thì tôi hiểu rằng, đời người của tôi vừa trọn một vòng hoa giáp 60 năm với bao biến thiên thời cuộc đã có một chặng dừng mãn nguyện. Tôi thật may mắn khi đã trải nghiệm gần như đủ đầy cuộc đời một con người trên một đất nước giàu đẹp dù bị chiến tranh tàn phá khốc liệt.
Rừng vàng biển bạc, vào giây phút đó nhớ lại bài học năm nào tuổi ấu thơ, tôi bật ra cảm xúc mãnh liệt về Tổ quốc, về nước Việt thân yêu tươi đẹp của mình. Nước non ngàn dặm, bàn chân tôi đã đặt đến nhiều nẻo cùng mảnh đất từ đồng bằng đến núi non hiểm trở dẫu biết rằng đó mới chỉ là một phần rất ít, ánh mắt tôi đã ngợp trong mênh mông của biển cả từ Móng Cái đến Cà Mau. Tôi đã có những hải trình đáng nhớ trên biển tận Trường Sa đến những hải đảo lừng danh. Chẳng thể nào quên trên đỉnh Fansipan nóc nhà Đông Dương phóng tầm mắt nhìn bốn phương trời. Ước mơ thuở thiếu thời của tôi thật sự được trở thành hiện thực. Vẫn biết rằng vật đổi sao dời, rừng vàng, biển bạc giàu có của thiên nhiên ban tặng đã mai một theo năm tháng với sự tàn phá của chiến tranh, của con người thì những gì đã hiển hiện, tôi từng được chứng kiến vẫn vẹn nguyên đó một nỗi niềm nghẹn dâng về một xứ sở tràn đầy tươi đẹp.
Và tôi, đứa trẻ năm nào đã được sống một cuộc đời trọn vẹn với ước mơ của mình khám phá nước non ngàn dặm. Tôi là một người hạnh phúc.