Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nước Nhật sẽ rất nhớ Shinzo Abe

Trao đổi với Zing, chuyên gia quốc tế nói ông Shinzo Abe thuộc nhóm chính trị gia thế giới kiệt xuất hiếm hoi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống trong chính trường Nhật Bản.

Abe Shinzo anh 1

"Shinzo Abe thực sự là chính trị gia chỉ có một trên đời", ông Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị các nước châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản, nói với Zing vào ngày 9/7, một ngày sau vụ ám sát ông Abe gây chấn động cả Nhật Bản và thế giới.

Như những học giả khác, ông Chapman cho rằng vị cựu thủ tướng đã để lại di sản sâu đậm. Giai đoạn ông Abe làm thủ tướng đã đưa đến sự ổn định tương đối cho chính trị - kinh tế Nhật Bản, xứ sở mặt trời mọc cũng đã tham gia tích cực hơn trên quốc tế.

Đồng thời, ông Chapman chỉ ra rằng vị cựu thủ tướng là nhân vật gây tranh cãi trên một số vấn đề, đặc biệt là quan điểm của ông về vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Nhưng dù thế nào đi nữa, sự qua đời của ông Abe "chắc chắn sẽ khiến mọi người có cái nhìn tổng quát hơn đối với những đóng góp của ông”, ông Chapman nói.

Abe Shinzo anh 2

Người dân xếp hàng vào ngày 9/7 tại nơi ông Abe bị ám sát, ở Nara, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Chính trường không thay đổi lớn nhưng sẽ có khoảng trống

- Dù đã từ chức, ông Abe vẫn có ảnh hưởng lớn tại hậu trường. Sự qua đời đột ngột của ông ấy sẽ tác động thế nào tới chính trường Nhật Bản?

- Bi kịch này để lại một khoảng trống lớn. Nhưng tôi không nghĩ khoảng trống ấy sẽ tạo ra sự tranh đấu nội bộ mạnh mẽ mà mọi việc sẽ vẫn duy trì trạng thái như cũ.

Những người như Thủ tướng Kishida nhiều khả năng sẽ có được tầm ảnh hưởng lớn hơn trong LDP. Và những người trước đó được ông Abe hậu thuẫn cũng có thể sẽ nổi trội hơn một chút. Nhưng tôi cho rằng chính trường Nhật Bản sẽ không thay đổi quá nhiều và sẽ là sự tiếp diễn của hiện trạng.

Tôi không cho rằng sẽ xuất hiện một nhân vật nào đó có sự lôi cuốn và tầm ảnh hưởng như ông Abe.

Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản

Tôi không cho rằng sẽ xuất hiện một nhân vật nào đó có sự lôi cuốn và tầm ảnh hưởng như ông Abe. Ông Kishida chắc chắn có tiềm năng thay thế ông Abe, nhưng ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Kishida, tôi không cho rằng đương kim thủ tướng Nhật Bản sẽ bước vào con đường tiếp quản di sản ông Abe để lại.

Shinzo Abe thực sự là người chính trị gia chỉ có một trên đời. Ông đã xuất hiện tại thời điểm then chốt, khi mà việc thay đổi thủ tướng Nhật Bản diễn ra hàng năm.

Bên cạnh việc xuất hiện trong hoàn cảnh Nhật Bản vừa trải qua thảm họa động đất và sóng thần, ông Abe cũng có mặt khi nền kinh tế đất nước đang trì trệ. Ông ấy đã có thể đảo ngược một phần tình trạng trì trệ ấy và tạo ra một số thay đổi tích cực.

Trên đây cũng là nguyên nhân ông Abe lại là chính trị gia có ảnh hưởng như thế. Tôi không cho rằng sẽ có người nào có thể lặp lại điều đó trong thời gian tương đối dài.

Abe Shinzo anh 3

Ông Abe vận động tranh cử vào ngày 6/7, hai ngày trước khi ông bị ám sát. Ảnh: AFP.

- Ngày 10/7, Nhật Bản tổ chức bầu cử thượng viện. Liệu vụ ám sát ông Abe sẽ có tác động thế nào tới cuộc bầu cử này?

- Tỷ lệ cử tri đi bầu ở Nhật Bản thường rất thấp, đặc biệt là cuộc bầu cử mà ông Abe tham gia vận động tranh cử khi bị bắn. Nhưng sự kiện này sẽ thôi thúc cử tri Nhật Bản hành động. Ngay từ lúc này trên Twitter đã nổi lên những hashtag như “không bạo lực” hoặc “hãy đi bầu”.

Sự kiện này thật sự chấn động người dân Nhật Bản vì hành động bạo lực như thế là điều không thể tưởng tượng nổi ở đất nước này. Nếu nói là ông Abe bị đâm, tôi có thể dễ tin điều đó hơn là khi nghe tin ông ấy bị bắn.

Ở các nước khác, chẳng hạn như khi chính khách Jo Cox bị bắn ở Anh trước thềm cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào 5 năm trước, họ sẽ ngừng vận động tranh cử trong một thời gian. Nhưng ngay từ bây giờ, ông Kishida đã lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch tranh cử vì sự kiện này không thể phá hoại cuộc bầu cử.

Vì thế, tôi cho rằng việc này sẽ tạo ra cú hích đối với tỷ lệ cử tri đi bầu và làm tăng sự ủng hộ cho LDP. Sẽ có nhiều người cảm thông với điều đã xảy ra với ông Abe, cho dù họ có đồng ý với các chính khách cùng đảng với ông hay không.

Abe Shinzo anh 4

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nghẹn ngào khi phát biểu ngày 8/7, sau khi ông Abe bị ám sát. Ảnh: Reuters.

- Một số người so sánh biến cố xảy ra với ông Abe với vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào năm 1963. Cái chết của ông Kennedy khiến nước Mỹ đoàn kết trong thời gian ngắn, giúp tân tổng thống thông qua đạo luật quyền dân sự có tính cột mốc.

Liệu điều tương tự có xảy ra ở Nhật Bản hay không, khi ông Abe có giấc mơ dang dở là sửa đổi hiến pháp?

- Về vấn đề hiến pháp, tôi không nghĩ là sẽ có thay đổi vì đây là chủ đề rất gây tranh cãi. Ngay cả ông Abe - một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc sửa đổi hiến pháp - cũng đã thất bại về mặt này.

Giấc mơ ấy của ông Abe thực sự đã tắt cùng với việc ông từ chức. Và tôi cho rằng không có chính khách nào sẽ có đủ vốn liếng chính trị để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.

Việc so sánh hai vụ ám sát khá là thú vị. Ông Kennedy bị ám sát khi còn ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, thời điểm ông chưa hoàn thành nhiều điều mà ông muốn thực hiện. Và nhiều điều ông muốn làm nói chung nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Nhưng ở Nhật Bản lại khác. Việc sửa đổi hiến pháp luôn là điều gây tranh cãi cao độ.

Tôi cho rằng không có chính khách nào sẽ có đủ vốn liếng chính trị để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.

Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản

Trong số chính khách Nhật Bản, kể cả lớp người trẻ cũng phản đối sửa đổi hiến pháp. Vì thế tôi không cho rằng sẽ có chính khách có thể nhân sự kiện này để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.

- Ngoài vấn đề sửa đổi hiến pháp, liệu có những chính sách nào khác có thể nhận được sự ủng hộ nhiều hơn sau vụ ám sát này?

- Bạn sẽ thấy vấn đề an ninh được nhấn mạnh hơn, đặc biệt là an ninh của chính khách đi vận động tranh cử.

Điều thú vị ở Nhật Bản là khi đi tranh cử, các chính khách sẽ đứng ngay tại đường phố để vận động và bắt tay với người dân. An ninh khi ấy sẽ ít hoặc thậm chí là không có. Nếu xem video ông Abe bị bắn, bạn sẽ thấy tay súng đã có thể bước đến đằng sau ông ấy dễ dàng ra sao.

Nhưng bạn không thể tưởng tượng được điều ấy sẽ xảy ra ở châu Âu hay tại Anh và Mỹ, đặc biệt là với một cựu lãnh đạo. Sẽ có nhiều nhân viên an ninh để ngăn chặn điều tương tự xảy ra. Vì thế, tôi cho rằng vấn đề đảm bảo an ninh cho chính khách khi đi vận động sẽ được nêu bật.

Ta cũng có thể chứng kiến luật kiểm soát súng đạn được thắt chặt hơn nữa. Nhật Bản từ trước đã có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt bậc nhất thế giới nên ta khó có thể hình dung ra họ sẽ củng cố đạo luật ấy như thế nào.

Vì khẩu súng gây án là do nghi phạm tự chế tại nhà, tôi cho rằng sẽ có thêm một số quy định để điều chỉnh vấn đề súng được chế tạo bằng công nghệ in 3D. Luật hiện hành chưa cân nhắc tới loại súng được chế bằng công nghệ này.

Abe Shinzo anh 5

Ông Abe cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016. Là lãnh đạo Nhật Bản, ông Abe đã tìm cách củng cố quan hệ với lãnh đạo các nước khắp thế giới. Ảnh: New York Times.

Ngoài ra, vì ông Abe khá ủng hộ việc củng cố các đạo luật phòng chống rò rỉ bí mật và bí mật nhà nước, chúng ta có thể sẽ thấy được những đạo luật giới hạn quyền tự do dân sự hơn, cũng như các hình phạt nghiêm hơn đối với người vi phạm trên mạng trực tuyến.

Chúng ta có thể thấy thêm nhiều chính sách trao cho nhà nước quyền trừng phạt không chỉ những người có hành vi bắt nạt trên mạng mà còn là những người phát tán thông tin sai lệch và tư tưởng nguy hiểm, như tư tưởng cực hữu.

Tầm nhìn Abe định hình nước Nhật

- Vụ ám sát một nhà cựu lãnh đạo quốc gia này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới cảm giác an toàn tương đối của người Nhật?

- Sự kiện này là cú sốc lớn đối với cả hệ thống. Trước đó cũng có một số trường hợp chính khách Nhật Bản bị bắn, nhưng hầu hết vụ việc này nói chung có dính dáng tới băng đảng bạo lực.

Vì thế, việc một công dân bình thường tấn công một chính trị gia nổi tiếng như thế sẽ để lại vết sẹo lớn trong tâm thức người dân Nhật Bản. Như tôi nói ở trên, chúng ta sẽ thấy thái độ cẩn trọng hơn trong công tác đảm bảo an ninh của những chính khách quan trọng xuất hiện trước công chúng.

Nhưng tôi cũng cho rằng người dân Nhật Bản sẽ không có phản ứng tự phát như khi một người nào đó ở nước khác bị ám sát, như Mỹ chẳng hạn. Người Nhật vẫn sẽ tự hào với thực tế là họ sống ở một đất nước mà những sự việc như vậy rất hiếm khi xảy ra.

Abe Shinzo anh 6

Ông Abe vào năm 2007 khi ông ở trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên chỉ kéo dài một năm. Ảnh: AP.

- Tầm nhìn của ông Abe - vị thủ tướng tại vị lâu năm nhất Nhật Bản - đã định hình xứ sở mặt trời mọc như thế nào?

- Nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của Thủ tướng Abe giai đoạn 2012-2020 đã mang lại sự ổn định tương đối về chính trị - kinh tế cho Nhật Bản, đặc biệt là trong giai đoạn trứng nước.

Trước khi ông Abe trở lại, chiếc ghế thủ tướng của Nhật Bản như một “cánh cửa xoay vòng”, tức là gần như mỗi năm lại có một thủ tướng mới. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản khi ấy đang trì trệ và vẫn đang phục hồi sau tác động của trận động đất, sóng thần năm 2011 tàn phá miền Đông Bắc.

Sau khi ngồi vào nhiệm sở, ông Abe đã thi hành chính sách kinh tế Abenomics mang tên ông, bao gồm 3 mũi tên là nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu.

Ông Abe đã cải cách Nhật Bản cả bên trong và bên ngoài.

Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản

Tuy vẫn có hạn chế, những cải cách rất cần thiết này đã kích thích nền kinh tế vốn đã tăng trưởng thấp kể từ đầu những năm 1990. Tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản đã được cải thiện, tỷ lệ nợ chính phủ so với thu nhập quốc dân lần đầu tiên trở nên ổn định sau nhiều thập kỷ.

Ông Abe có công trong việc sửa đổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ủng hộ thương mại tự do, đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với ông Trump, cũng như cố tích cực tiếp cận Iran trong thời gian nước này căng thẳng với phương Tây.

Chính sách đối ngoại của ông rất tự tin và cũng giúp khôi phục niềm tin rằng Nhật Bản thực sự cần đóng góp vai trò trong các vấn đề thế giới. Ông cũng phát huy thế mạnh của Nhật Bản và đã dùng sức mạnh mềm để thúc đẩy du lịch.

Tóm lại, ông đã cải cách Nhật Bản cả bên trong và bên ngoài, khiến nước này từ nền kinh tế trì trệ trở thành nền kinh tế cải cách, trở thành quốc gia chủ động hơn trên trường quốc tế.

Abe Shinzo anh 7

Ông Abe, với tư cách là Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào năm 2003, đang ăn mừng chiến thắng bầu cử với Thủ tướng Junichiro Koizumi khi đó. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng trong những năm cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ ủng hộ của ông Abe đã giảm. Đeo bám ông Abe là những vụ bê bối, là sự suy yếu của Abenomics và cách xử lý đại dịch. Một phần lợi nhuận doanh nghiệp và sự bùng nổ thị trường chứng khoán có được trong những năm đầu nhiệm kỳ lần hai của vị cựu thủ tướng đã bị đảo ngược.

Ngoài ra, ông Abe còn buộc phải hoãn Thế vận hội Tokyo dù là người có công đưa sự kiện này tới Nhật Bản.

Nhưng như đã đề cập ở trên, ông Abe đã có công trong việc mang lại sự ổn định phần nào cho chính trường Nhật Bản và khôi phục hình ảnh quốc gia trên quốc tế. Nên vụ ám sát chắc chắn sẽ khiến mọi người có cái nhìn tổng quát hơn đối với những đóng góp của ông.

Người Việt ở Nhật sốc khi điều kỳ diệu không xảy ra với ông Abe Anh Lê Hùng, sang Nhật từ 2008 và đang sinh sống ở Tokyo, nói anh và đồng nghiệp hụt hẫng và sốc khi nghe tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã không qua khỏi sau vụ ám sát.

Thư nước Nhật: Tôi bất ngờ với cách mọi người đối diện vụ ám sát

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nara ngày 8/7 có lẽ sẽ khiến nước Nhật thay đổi từ tận bên trong, từ cảm thức của người dân về sự bất ổn và bạo lực ngấm ngầm.

Cảnh sát thừa nhận yếu kém trong khâu bảo vệ ông Abe

Lãnh đạo cảnh sát tỉnh Nara, nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát, thừa nhận công tác bảo vệ an ninh cho ông Abe có những sai sót “không thể chối cãi”.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm