Người hâm mộ bóng đá Nga gọi FK Rostov là “Leicester City của nước Nga” bởi hành trình của hai tập thể này đặc biệt tương đồng. Mùa trước, Rostov xếp tận thứ 14 trong 16 đội, chỉ hơn đội xuống hạng nhờ hiệu số và sau đó sống sót nhờ thắng trận play-off.
Giữa hai đội còn có nhiều điểm giống nhau. Leicester là thành phố không nổi bật, Rostov cũng là thành phố chẳng nổi tiếng, nằm gần biển Azov ở Tây Nam nước Nga, sát thủ đô Tbilisi của Georgia.
Rostov được dẫn dắt bởi một vị HLV mà tất cả đều nghĩ ông này đã qua thời đỉnh cao, ngoài tầm phủ sóng của bóng đá hiện đại. Ông tên là Kurban Berdyev.
Kurban có kinh nghiệm huấn luyện phong phú và đặc biệt cực kỳ am hiểu nước Nga. Thời đỉnh cao, tên tuổi của ông gắn liền với Rubin Kazan. Nhờ Kurban, Rubin Kazan thăng từ hạng nhất lên Ngoại hạng, lột xác thành thế lực bóng đá của xứ Bạch Dương.
Đặt lên bàn cân so sánh thì HLV của Rostov và HLV của Leicester City có điểm khác biệt rất lớn. Trong khi Ranieri cực kỳ hiền lành và không bao giờ tham lam điều gì ngoài bổn phận HLV thì Kurban từng “một tay che cả bầu trời” ở Rubin Kazan trong suốt 12 năm. Rất hiếm người vừa xuống sân gào thét chỉ đạo cầu thủ, vừa kiêm luôn chức chủ tịch như Kurban.
Kurban Berdyev - kiến trúc sư cho thành công của Rostov. |
Rồi đến một ngày đội ngũ lãnh đạo Rubin Kazan quyết tâm phá bỏ thế thống trị đã ăn sâu bén rễ vào đội bóng. Kết quả, chiến lược gia 61 tuổi phải bỏ chức chủ tịch năm 2012, rời đội năm 2013 và chuyển đến Rostov năm 2014.
Thế nhưng đội ngũ lật đổ đâu có ngờ đây là sự kiện đánh dấu điểm sa sút của đội bóng. HLV Kurban vốn được lòng cầu thủ nên lúc ra đi đã kịp kéo theo hàng loạt trụ cột, gồm Cesar Navas, Christian Noboa and Aleksandr Bukharov. Chảy máu nhân tài trầm trọng, Kazan suy yếu. Còn Kurban, ông sớm tìm thấy hạnh phúc mới ở Rostov.
Đội bóng miền Tây Nam nước Nga mới bị CSKA Moscow soán ngôi nhưng vẫn thi đấu ít hơn 1 trận. Trước mắt họ còn 5 trận để viết nên một kết thúc có hậu. Điểm tựa của họ là Kurban, một con người của lịch sử. Ông là chiến lược gia chuyên đi phá thế thống trị.
Tại giải Ngoại hạng Nga, chức vô địch chỉ dịch chuyển giữa hai thành phố Moscow và St Peterburg. Trước 2009, lần gần nhất một đội nằm ngoài Moscow và St Peterburg bước lên ngôi vương là năm 1996. Đến 2009, Rubin Kazan của Kurban vượt tất cả đại gia của hai thành phố để đoạt cúp.
Vậy là Rostov có thêm một điểm giống Leicester. Bầy cáo cũng đang tiến rất gần tới việc tạm phá bỏ “đường chuyền cúp qua lại” giữa Manchester và London 20 năm qua.
Rostov không may mắn như Leicester, với một nền tài chính ổn định và một ông chủ hội đủ “tâm” và “tầm”. Nền bóng đá Nga đang yếu mòn từng ngày vì nợ nần chồng chất. Tháng 10 năm ngoái, chính Rostov cũng bị Liên đoàn bóng đá Nga phạt vì quá hạn trả nợ. Thậm chí, mỗi khán đài của đội này còn do một người chủ khác nhau sở hữu. Nhưng cầu thủ Rostov đã gạt bỏ thành công rắc rối hậu trường ra bên ngoài sân bóng để thi đấu thăng hoa.
Với sơ đồ 3-5-2, Rostov chỉ thủng lưới 16 bàn sau 24 trận. Họ đã có 7 chiến thắng 1-0. Trên đảo quốc sương mù, Leicester có 14 chiến thắng 1-0. Bóng đá hiện đại sẽ có thêm một câu chuyện cổ tích nếu hai tập thể này dắt tay nhau bước lên ngôi vương.