Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước nào 'nuôi' 1,4 tỷ người Trung Quốc khi hàng Mỹ bị áp thuế cao?

Hàng loạt mặt hàng thực phẩm Mỹ bị đánh thuế nặng tại thị trường Trung Quốc do thương chiến leo thang. Kết quả là Brazil, Argentina, Canada, Tây Ban Nha... hưởng lợi.

Hồi đầu hè năm nay, một nhóm quan chức từ bang Maine (Mỹ) viết thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump viện trợ cho ngành công nghiệp tôm hùm địa phương.

"Một trong những nạn nhân đầu tiên của đòn thuế trả đũa từ Trung Quốc là tôm hùm Maine xuất khẩu", Thượng nghị sĩ Angus King và Susan Collins cùng Hạ nghị sĩ Chellie Pingree và Jared Golden, viết trong bức thư.

Xuất khẩu tôm hùm Canada tăng mạnh

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm hùm lớn thứ hai của Maine. Quốc gia này mua 128,5 triệu USD tôm hùm Mỹ vào nửa cuối năm 2017 và tăng mua 169% trong nửa đầu năm 2018. Tuy nhiên, thuế trừng phạt khiến lượng tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc tính đến cuối năm 2018 giảm 80%.

Theo Associated Press, trong nửa đầu năm 2019, doanh số xuất khẩu tôm hùm Canada sang Trung Quốc cao bằng tổng doanh số năm 2018. Đơn giản bởi tôm hùm được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Nova Scotia và New Brunswick (Canada) có chất lượng tương tự tôm hùm Maine.

Hôm 1/9, một đợt thuế trừng phạt mới của Trung Quốc tiếp tục đe dọa thị phần của các nhà xuất khẩu thực phẩm Mỹ tại thị trường 1,4 tỷ dân.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Tôm hùm Canada đang được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Globe and Mail

Tôm hùm Maine hiện chịu mức thuế 45% sau khi bị tăng thuế 10%. Như vậy, ngư dân Canada càng rộng cửa xuất khẩu sang Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo bang Maine than thở ngành công nghiệp xuất khẩu tôm hùm Mỹ "không đáng bị chịu hình phạt nặng nề như vậy" do chính sách thuế của Trung Quốc.

Brazil và Argentina hưởng lợi

Đậu tương, lúa mì và thịt heo Mỹ cũng nằm trong danh sách bị đánh thuế bổ sung tại Trung Quốc. Thiệt hại của Mỹ đồng nghĩa với việc các quốc gia khác hưởng lợi.

Với dân số 1,4 tỷ người, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung ứng thực phẩm từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn. Xu hướng sẽ ngày càng phổ biến khi thuế đánh vào hàng hóa Mỹ gia tăng.

Theo Darin Friedrichs, chuyên gia phân tích làm việc tại INTL FCStone, đậu tương Mỹ chịu thuế 33% khi xuất sang Trung Quốc, trong khi mức thuế đối với hàng Brazil và Argentina chỉ là 3%.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo điều kiện cho nông sản Brazil tăng thị phần ở Trung Quốc lên 77% trong 9 tháng vừa qua. Trong khi đó, thị phần của nông sản Mỹ giảm còn 10%.

Một cuộc khảo sát của Đại học Purdue (Indiana) với 400 nông dân Mỹ được công bố hôm 3/9 cho thấy 71% nông dân hài lòng với khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ giúp bù đắp tác động của thuế quan, 58% nông dân mong được hỗ trợ nhiều hơn vào năm 2020.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
Nông dân Mỹ lao đao vì thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: SCMP.

Các khoản trợ cấp này là cần thiết để bù đắp chênh lệch thuế 30% so với đậu tương xuất khẩu của Brazil và Argentina. Ngành nông nghiệp Argentina không giấu tham vọng trở thành đối thủ với Brazil để thay thế Mỹ tại Trung Quốc.

“Argentina đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời ông Rogier Keviet, một người bán đậu tương ở Agree Market, Buenos Aires (Argentina), nhận định.

Nông dân trồng lúa mì của Mỹ cũng phải cạnh tranh với các đối thủ từ Canada. Vào tháng 8, tỷ trọng nhập khẩu lúa mì Canada của Trung Quốc tăng lên 60% từ mức 32% cùng kỳ năm ngoái.

Theo USDA, nguyên nhân là xuất khẩu lúa mì Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm. Các loại bột, ngũ cốc, tinh bột và hạt của Mỹ hiện chịu mức thuế cao đến 90% tại Trung Quốc, trong khi thuế áp lên thịt heo đông lạnh Mỹ tăng 72%.

Nhu cầu thịt heo khổng lồ tại Trung Quốc

Hội đồng Doanh nghiệp sản xuất thịt heo Mỹ phàn nàn rằng nông dân Mỹ chăn nuôi heo đang phải chịu gánh nặng từ đòn thuế trả đũa của Trung Quốc. Bất chấp dịch cúm heo ở Trung Quốc khiến nước này phải tiêu hủy hàng triệu con heo, từ ngày 8/8 đến 15/8, sản lượng thịt heo xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh.

Mỹ chỉ xuất khẩu 6.900 tấn thịt heo sang Trung Quốc trong 7 ngày này, giảm mạnh so với 19.484 tấn cùng kỳ năm ngoái. Thay vào đó, thị trường thuộc về các đối thủ từ Brazil và châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Đức.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Sản lượng thịt heo Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc giảm dù giá thịt heo tại thị trường 1,4 tỷ dân đang tăng cao. Ảnh: AFP.

Trong khi hàng hóa Mỹ ngày càng trở nên đắt đỏ đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, những sản phẩm từ phần còn lại của thế giới lại rẻ hơn.

“Trung Quốc đã tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu Mỹ trung bình 20,7% kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Trung Quốc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các đối thủ cạnh tranh khác xuống mức trung bình 6,7%”, Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson viết trong một báo cáo hồi tháng 6.

Đầu năm ngoái, Mỹ và các quốc gia xuất khẩu khác đều chịu mức thuế trung bình 8% của Trung Quốc.

Nối lại đàm phán đầu tháng 10, Mỹ - Trung sẽ tạm đình chiến?

Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp trực tiếp vào đầu tháng 10 tới để bàn phương án giải quyết chiến tranh thương mại song phương.





Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm