Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước Mỹ trong 'khủng hoảng niềm tin' dưới thời Tổng thống Trump

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump cũng là một năm người ta liên tục nói về "tin giả" và nỗi ám ảnh tin tức bị bóp méo vì mạng xã hội và vì cả báo chí chính thống.

Khi Chris Gromek, một tài xế xe tải, muốn cập nhật tin tức tại Washington D.C., ông lướt web và nghe radio. Đã qua rồi cái thời ông tìm đến tivi vì các kênh như Fox News và MSNBC sẽ tường thuật những bản tin trái ngược nhau và bị chính trị hóa.

"Sự thật nằm ở đâu?", người đàn ông 47 tuổi ở bang North Carolina nói với AP.

Trump chi trich bao chi anh 1
Chưa bao giờ người ta nói về "tin tức" giả nhiều như trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

Thời đại của hoài nghi

Tổng thống thứ ba của nước Mỹ Thomas Jeffferson nói lời đáp cho câu hỏi trên chính là trụ cột để nền dân chủ vận hành hiệu quả. Thế nhưng, sau năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump với truyền thông đầy thiên kiến và sự thật bị bóp méo, nhiều người Mỹ thấy họ đứng giữa sự hoang mang không biết đâu là nơi đáng tin để tìm kiếm tin tức về những gì xảy ra tại Washington. Các cuộc phỏng vấn trên khắp đất nước cho thấy nhiều người đã tìm thêm cho họ các kênh thông tin khác nhau, bao gồm cả tài khoản Twitter của tổng thống. Hoặc không tin ai cả.

Đối với nhiều người, đó là cách họ đối phó với một với hiện tượng trong thời đại của Trump, thời đại khi mà tổng thống và giới truyền thông liên tục dè bỉu nhau "tin giả" để trở thành nguồn tin đáng tin cậy hơn.

"Nó khiến tôi nghe mọi chuyện với sự hoài nghi lớn hơn", AP dẫn lời Lori Viars, nhà hoạt động Cơ đốc giáo bảo thủ tại Lebanon, bang Ohio. Viars là người xem tin tức của cả Fox NewsCNN. "Không chỉ là những nguồn tin mang khuynh hướng tự do. Tôi xem những hãng tin bảo thủ cũng là nơi cung cấp 'tin giả'". CNN là một trong những đài thường xuyên bị ông Trump chỉ trích là "tin giả".

Kathy Tibbits, một người Dân chủ ở Tahlequah, Oklahoma, đọc tin từ rất nhiều nguồn và cố gắng tiếp cận một cách chính xác nhất những gì tổng thống nói.

"Tôi nghĩ là toàn bộ giới hạn đã thay đổi", luật sư, nghệ sĩ 60 tuổi này nói. "Tôi có bằng về khoa học chính trị, và họ chưa từng dạy tôi về nền chính trị thất bại thế này".

Không chỉ Tổng thống Trump thường xuyên nói về "tin giả", tin tức giả mạo và bị làm sai lệch là vấn đề nhiều nhà lãnh đạo khác như Giáo hoàng Francis và cựu tổng thống Barack Obama từng đề cập. Năm 2017, thuyết âm mưu đã khiến một người từ North Carolina mang súng đến một cửa hiệu pizza tại Washington D.C. vì tin rằng nơi này là hang ổ của một băng nhóm tội phạm ấu dâm.

Tuần trước, sau khi cuốn sách về "Nhà Trắng thời Trump" ra mắt và gây xôn xao, một dòng "tweet" nói rằng ông Trump nghiện xem show về gorilla đã lan truyền khắp nơi và buộc cho tác giả phải lên tiếng đính chính đó chỉ là một trò đùa.

Ranh giới bị xóa mờ

Về phần Tổng thống Trump, AP nhận định "ông đã làm tròn phần mình trong việc xóa mờ ranh giới giữa thật và không thật".

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã hình thành một thói quen là chế nhạo các nhà báo đến đưa tin giữa đám đông người ủng hộ. Sau khi nhậm chức, ông thường xuyên than phiền về chất lượng đưa tin của báo chí, chỉ trích các tổ chức truyền thông "thất bại" và là "tin giả". Ông gọi phóng viên là "kẻ thù của nhân dân" và gần đây tiếp tục kêu gọi việc sửa luật để tạo thuận lợi cho việc kiện người "phỉ báng".

Trump chi trich bao chi anh 2
Những cuộc "đấu khẩu" với báo chí đã theo Tổng thống Trump từ khi ông còn là ứng viên tranh cử cho đến khi đã vào Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW cho thấy khoảng 2 trong số 3 người Mỹ được khảo sát nói rằng tin giả gây hoang mang cho mọi người trước các vấn đề thời sự. Dù vậy, hơn 8 trong số 10 người được hỏi rất tự tin hoặc khá tự tin về việc bản thân họ có thể phân biệt được đâu là tin giả.

"Tôi nghĩ một phần vấn đề là con người hiện nay nhận quá nhiều thông tin và điều đó khiến họ hoang mang không biết làm sao phân biệt tin thật, tin giả", Trent Lott, cựu thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa từ bang Mississippi và đã làm việc ở Washington D.C. gần nửa thế kỷ qua, nhận định. 2/3 người Mỹ được khảo sát có tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội.

Trump không phải nguyên nhân, chỉ là triệu chứng

Lott không thích thú gì thói quen của tổng thống nhưng ông nói rằng truyền thông chính thống cũng thiên kiến khi đưa tin tại Washington.

Trong nhiều thập niên qua, người Mỹ vốn không yêu thích gì báo chí. Theo một khảo sát của Đại học Chicago, tỷ lệ người "có niềm tin lớn" vào báo chí đã giảm từ 28% của năm 1976 xuống còn 8% vào năm 2016.

"Trump không phát minh ra việc này. Ông ấy không khiến mọi người cảm thấy như họ đang cảm thấy. Ông ấy chỉ bắt trúng cái mạch vốn đã đập", Gary Abernathy, người xuất bản và là biên tập viên của tờ Times-Gazette ở Ohio, cho biết. Báo của Abernathy là một trong số ít tờ báo ủng hộ ông Trump.

Trump chi trich bao chi anh 3
Tổng thống Trump đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người Mỹ vốn không có lòng tin ở truyền thông chính thống. Ảnh: AFP.

Nicco Mele, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về Truyền thông, Chính trị học và Chính sách Công ở Đại học Harvard, nói rằng ông Trump chỉ là triệu chứng của một xu hướng dài hạn. "Giờ thì, liệu ông ấy có thể làm trầm trọng hóa mọi việc không? Dĩ nhiên là có".

"(Khi Trump nói thứ gì đó là tin giả), Tôi bắt đầu giả định mọi thứ ông ấy nói phải là thật", một cử tri độc lập ở Oklahoma, Josephe Murray nói.

Tổng thống có xu hướng thổi phồng các thành tựu của ông. Ông nói mình đã tạo ra đợt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, rằng thành tựu của ông đã vượt qua tất cả các tổng thống tiền nhiệm hay chiến thắng của ông là một chiến thắng "vang dội". Những điều trên đều không đúng.

Ông cáo buộc hàng triệu cử tri bất hợp pháp đã được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016 (và đó là lý do ông thua bà Hillary Clinton về lượng phiếu phổ thông). Không có bằng chứng cho việc này.

Ông đáp trả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng ông có một "nút bấm hạt nhân to hơn". Không có nút bấm nào như vậy cả.

Từ góc độ một người tiếp nhận thông tin, AP nhận định rằng bản thân tổng thống là người thường bỏ qua bộ máy thu thập thông tin đồ sộ của chính phủ để tiếp cận thông tin và tạo dựng "thực tại của ông ấy" thông qua tivi, đôi khi là thông qua trực giác của ông. Đó là lý do ông kết luận sai lầm rằng cuộc đột kích ma túy hiếm hoi ở Thụy Điển có liên quan đến những người tị nạn hay việc ông tuyên bố cựu tổng thống Obama nghe lén ông.

"Tôi là một người rất bản năng, nhưng bản năng  của tôi thường đúng", ông nói với Time. Ngoài ra, "tôi trích dẫn lại những người đáng kính trọng từ những đài truyền hình đáng kính trọng".

Trump: Tôi chỉ nói còn Bill Clinton lạm dụng phụ nữ Tại một cuộc tranh luận mùa bầu cử Mỹ 2016, ông Donald Trump nói "không ai tôn trọng phụ nữ hơn tôi" khi được hỏi về những phát ngôn tục tĩu trong một đoạn băng cũ.

Donald Trump và 365 ngày 'chống lại tất cả'

Ông Trump bước vào Nhà Trắng với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và thực tế một năm qua cho thấy vị tổng thống đã "chống lại tất cả", tái định nghĩa vai trò mà ông đảm nhận.

Một năm vì 'Nước Mỹ trên hết', ông Trump đã làm những gì?

Tổng thống Trump khởi đầu nhiệm kỳ bằng cái nhìn u ám về hiện trạng nước Mỹ, đề ra những chính sách gây tranh cãi và là cái tên nổi bật nhất chính trường thế giới năm qua.

Phương Thảo

Theo AP

Bạn có thể quan tâm