Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Nước Mỹ điên loạn của tôi vẫn để người dân mang súng chạy quanh

Mỗi lần có xả súng xảy ra, ai cũng hướng lời cầu nguyện về các nạn nhân, nhưng tuyệt nhiên không có giải pháp. Và khi nào thảm kịch tiếp theo xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

xa sung o My anh 1

Nước Mỹ điên loạn của tôi vẫn để người dân mang súng chạy loanh quanh

Mỗi lần có xả súng xảy ra, ai cũng hướng lời cầu nguyện về các nạn nhân, nhưng tuyệt nhiên không có giải pháp. Và khi nào thảm kịch tiếp theo xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

xa sung o My anh 2

xa sung o My anh 3

Mark Ashwill

Cố vấn giáo dục

Tiến sĩ Mark A. Ashwill là nhà giáo dục người Mỹ sinh sống ở Việt Nam từ 2005. Ông từng là giám đốc World Languages Institute. Từ 2005-2009, ông giữ chức giám đốc quốc gia của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam. Ông là người sáng lập và giám đốc công ty tư vấn giáo dục Capstone Vietnam.

Trong lần về Mỹ gần đây, tôi bắt gặp một người đàn ông mang theo khẩu súng ngắn bên hông trong lúc mua đồ tại siêu thị. Mang tâm thức của một người vừa trở về từ Việt Nam, tôi nghĩ ngay anh này là cảnh sát.

Nhưng rồi tôi nhanh chóng điều chỉnh và hiểu rằng anh ta có thể chỉ là một người Mỹ bình thường, mang súng ra đường. Nhưng tại sao người đàn ông đó lại cầm súng khi đi mua sắm?

Rõ ràng người đàn ông này muốn làm cho mình trông quan trọng hơn. Hoặc có thể anh ta đang đợi cơ hội để trở thành người hùng, ở một đất nước mà khái niệm đó đã bị hạ giá đến mức không thể nhận ra nữa.

Tôi hỏi người thu ngân câu đó. Bà ấy chỉ nhìn và nhún vai.

Trong đầu tôi mường tượng lên viễn cảnh: Người đàn ông trong siêu thị có thể bóp cò rồi nói rằng anh ta thấy tôi và chiếc điện thoại là mối đe dọa.

Trên thực tế, ở nhiều bang của Mỹ, bạn có thể cầm súng ngắn mà không cần giấy phép đi khắp nơi.

Và sau đó anh ta có thể thoát tội hoặc chỉ bị một án nhẹ. Tôi lúc đó thì chắc đang phân hủy trong nấm mồ, trở thành một phần của những thống kê nằm trong báo cáo hàng năm về bạo lực súng ống của nước Mỹ.

Trên thực tế, ở nhiều bang của Mỹ, bạn có thể cầm súng ngắn mà không cần giấy phép đi khắp nơi, chỉ trừ một số chỗ như công viên, tòa án, đồn cảnh sát và nhà tù.

Ở bang Delaware quê tôi, mua súng dễ như ăn kẹo. Bạn chỉ cần 21 tuổi trở lên, đến cửa hàng súng gần nhất, xuất trình căn cước cá nhân hoặc bằng lái xe và khai lý lịch (chỉ 90 giây).

Ai không được mua súng? Thanh thiếu niên dưới 16 tuổi không có người lớn giám hộ; những ai từng phạm tội liên quan tới bạo lực hay bị xác nhận có vấn đề tâm thần.

Tình yêu vũ khí vô bờ bến

Nếu không vùi mình trong văn phòng hoặc chẳng ngó ngàng gì đến tin tức cuối tuần qua, ai cũng phải biết chuyện nước Mỹ lại một lần nữa rúng động vì hai vụ xả súng liên tiếp ở bang Texas và bang Ohio trong vòng chưa đầy 24 giờ. 29 người chết và 47 người bị thương.

Nước Mỹ có tình yêu vô bờ bến với vũ khí đến nỗi số súng do dân sở hữu hiện đã lên tới con số 393 triệu, nhiều hơn dân số nước này đến 20%.

Nước Mỹ có tình yêu vô bờ bến với vũ khí đến nỗi số súng ống do dân sở hữu hiện đã lên tới con số 393 triệu, nhiều hơn dân số nước này đến 20%.

Trong năm 2019, tính đến ngày 4/8, đã có 253 vụ xả súng xảy ra trên toàn nước Mỹ, làm 1.047 người ở 35 bang thiệt mạng hoặc bị thương.

Con số trên đồng nghĩa với việc có 1,17 vụ xả súng diễn ra mỗi ngày ở Mỹ từ đầu năm đến nay, phổ biến đến độ nhiều vụ nhỏ còn không được đưa tin.

Trong số đó, 280 người đã thiệt mạng. Theo định nghĩa, một vụ xả súng thường có từ 3-4 người trở lên bị bắn, trừ kẻ gây án và trừ cả các vụ việc liên quan đến tội phạm có tổ chức - như những vụ thanh trừng lẫn nhau của các băng đảng ma túy.

Mỗi ngày một vụ xả súng, như thể đó là chuyện thường ngày ở Mỹ, đất nước mà sở hữu súng là một quyền được quy định trong Hiến pháp.

Theo Tu chính án thứ 2, điều khoản thường xuyên được trích dẫn: “Vì một lực lượng dân quân có kỷ cương là cần thiết cho an ninh của đất nước tự do, quyền của người dân được nắm giữ và mang vũ khí là không thể bị xâm phạm”.

Nhưng hãy nhớ rằng đó là điều luật được viết ra vào những năm 1700, khi 4 triệu người di cư sống trên đất Mỹ mà không có cảnh sát hay quân đội bảo vệ, cũng không có các cửa hàng tạp hóa để mua bán thực phẩm.

Nói cách khác, những vũ khí người ta có vào thời đó, dù rất thô sơ so với ngày nay, là phương tiện để người dân tự vệ và săn bắn.

Hiến pháp Mỹ được thông qua cách đây đã 231 năm, đó cũng là lúc những loại vũ khí thông dụng như súng hỏa mai (súng trường kiểu cũ) và các loại súng thô sơ được sử dụng.

Một khẩu súng hỏa mai thường chỉ bắn được mỗi lần một viên đạn; có thể bắn tối đa 3 viên mỗi phút và tầm bắn là 50 m. Ngày nay, một khẩu súng trường bán tự động AR-15 có thể bắn 30 viên mỗi lần; một phút có thể bắn ra 45 viên với tầm bắn 550 m.

Sân chơi của các nhóm lợi ích

Quyền sở hữu súng không chỉ là quyền hiến định. Nó còn nuôi sống ngành công nghiệp đầy béo bở. Năm 2016, ngành công nghiệp súng đóng góp 51,3 tỷ USD, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, vào nền kinh tế Mỹ (tương đương 21% GDP của Việt Nam).

Sau mỗi vụ xả súng hàng loạt xảy ra - vốn đã không còn bất ngờ dù bản chất vẫn là thảm kịch - người ta lại tiếp tục hướng trái tim và lời nguyện cầu về các nạn nhân và gia đình. Cứ như thể ai cũng theo một kịch bản sáo mòn và rệu rã.

Nhưng tuyệt nhiên không có giải pháp hay sự thay đổi nào. Lại thêm những đám tang, nỗi buồn và cơn sang chấn tâm lý. Điệp khúc đó cứ tiếp diễn, và khi nào thảm kịch tiếp theo xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Như thể cả nước Mỹ bị nhiễm một hội chứng tâm thần tập thể. Ở đất nước mà số súng nhiều hơn số dân đến 65 triệu, không thể coi đó là một xã hội văn minh.

Với số lượng khổng lồ những khẩu súng trôi nổi, chúng ta đừng lấy làm lạ khi Mỹ đứng đầu thế giới ở những hạng mục không thể tránh được. Chẳng hạn như tỷ lệ người chết vì súng trong số các nước thu nhập cao.

Năm 2017, gần 40.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì súng, 60% trong số đó là tự sát. Mỹ cũng nằm trong nhóm 6 nước “đóng góp" vào phân nửa tỷ lệ tử vong liên quan đến súng của thế giới vào năm 2016. Về khoản này, Mỹ chỉ xếp thứ 2 sau Brazil và đứng trên Mexico, Venezuela, Colombia và Guatemala.

Ở đất nước mà số súng nhiều hơn số dân đến 65 triệu, không thể coi đó là một xã hội văn minh.

Theo một khảo sát gần đây của Reuters/Ipsos, gần 70% người được hỏi nói rằng họ muốn có các biện pháp kiểm soát, mạnh mẽ hoặc vừa phải, đối với việc sở hữu súng. Thế nhưng, chỉ có 8% người được hỏi “rất tự tin” rằng các nghị sĩ họ bầu nên sẽ có động thái gì đó.

Đây là điều xảy ra khi hệ thống chính trị trở thành cuộc chơi của các nhóm lợi ích. Giới tài phiệt thao túng chính sách trong khi các công dân bình thường hầu như không có quyền lực hay tiếng nói nào, ít nhất là ở tầm quốc gia. Nghiên cứu năm 2014 của hai giáo sư tại Đại học Princeton và Đại học Northwestern cho ra kết luận tương tự.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), nhóm vận động cho quyền sở hữu súng thành lập vào năm 1871, là trường hợp điển hình. Tổ chức có trụ sở tại Washington D.C. này có doanh thu 412 triệu USD trong năm 2018, và họ chi mức kỷ lục 10,2 triệu USD để vận động hành lang các nhà lập pháp cùng cơ quan liên bang trong giai đoạn 2017-2018.

Bất chấp hàng trăm vụ xả súng mà nước Mỹ phải gánh chịu mỗi năm, sự phẫn nộ của dư luận thường không đủ để tạo ra những thay đổi, dù là ở mức nhỏ. Mỗi lần có dự thảo về kiểm soát súng được đề xuất, NRA và các đồng minh của họ trong các cơ quan dân cử sẽ làm mọi cách để ngăn chặn chúng được thông qua.

Các tổ chức vận động cho việc kiểm soát súng đã giành được một số chiến thắng đáng kể ở các nghị viện cấp bang, chủ yếu là những bang do đảng Dân chủ kiểm soát.

Tuy nhiên, lợi thế về thể chế mà NRA và các nghiệp đoàn sản xuất súng đã xây dựng nên trong nhiều thập kỷ vẫn còn đó, thậm chí được củng cố bởi Tổng thống Donald Trump và các đảng viên Cộng hòa.

Một dự luật kiểm soát súng được thông qua tại Hạ viện - do đảng Dân chủ kiểm soát - hiện tắc lại ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế.

Cứ gọi tôi là lỗi thời, nhưng rõ ràng tôi dị ứng với những người không phải lực lượng chấp pháp mà mang theo súng lảng vảng quanh mình. Đó là hội chứng của cơn điên tập thể đã và đang làm nước Mỹ rúng động.

Không đất nước bình thường nào lại cho phép công dân chạy quanh và mang theo súng như thể chúng ta vẫn còn ở Miền Tây Hoang Dã.

Các số liệu không nói dối, và trong trường hợp này không có cách nào để bóp méo sự thật.

Mark A. Ashwill

Illustration: Hà My
Biên dịch: Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm