Ngày 18/9, tại Thanh Hóa, mực nước tại sông Mã dâng cao do mưa lớn kết hợp với nước sông từ thượng nguồn đổ.
Một số xã tại các huyện như Thạch Thành, Tĩnh Gia vẫn bị ngập lụt.
Tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ngày 17/9, khu vực trung tâm của xã Mai Lâm bị ngập nặng. Trụ sở UBND xã, trạm y tế xã… phải tạm ngừng hoạt động. Khu tái định cư tại xã Hải Yến cũng ngập cục bộ.
15h ngày 18/9, trường cấp 2 xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn chìm trong biển nước. Ảnh: Mai Giang. |
Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đã phân công lãnh đạo các ban, ngành xuống cơ sở chỉ đạo khắc phục tình hình. Tập trung tiêu úng các vùng ngập lụt; huy động các phương tiện, điều kiện giúp bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa; chỉ đạo các xã cho thu hoạch một số vùng nuôi trồng thủy sản.
Đến chiều 18/9, mực nước sông Bưởi, sông Cầu Chày và hạ lưu sông Mã vẫn tiếp tục lên nhanh.
Tuyến quốc lộ 15C đi qua xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát) bị sạt 1 điểm; quốc Lộ 217 trên địa bàn huyện Quan Sơn bị ngập tại Km 31+107 (cầu Phà Lò) và sạt lở tại 2 điểm, gây ách tắc giao thông.Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã gây thiệt hại về tài sản ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Thạch Thành, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia..
Theo báo Hà Tĩnh, mưa lớn trong những ngày 17/9 không chỉ cô lập nhiều địa bàn ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) mà còn gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản của người dân.
Đi lại khó khăn buộc người dân phải dùng thuyền chở xe máy ra quốc lộ 8A. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về tìm kiếm cứu nạn cho hay, tại Hà Tĩnh, suốt từ tối 14 đến 18/9 mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa nhiều nơi như Hương Sơn, Chu Lễ, Linh Cảm trên 500 mm, đẩy mực nước các sông lên cao, gây cô lập một số xã.
Tính tới chiều 18/9, tại tỉnh Hà Tĩnh, hai người đã thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi.
Nước lũ tràn về tuyến đường 12B, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.Ảnh: Báo Hòa Bình. |
Tại tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 4h ngày 18/9, trên tuyến đường 12B, tại khu vực Dốc Nứa, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy (từ trung tâm Kim Bôi đi đường Hồ Chí Minh) mưa lớn đã gây sạt hàng trăm m3 đất đá từ trên đồi cao đổ xuống gây tắc đường.
Bên cạnh khu vực sạt lở có một vài nhà dân sinh sống, rất may không gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Trong dòng nước lũ, con đường thuộc xã Pù Bin - huyện Mai Châu này trông giống một con sông lớn hơn là công trình giao thông. Ảnh: Facebook Tỉnh Hòa Bình. |
Trên tuyến 12B, đoạn ngã ba Hàng Đồi, tình trạng ngập lụt khiến phương tiện xe máy, ô tô con và xe trở khách cũng không qua lại được.
Nạn nhân bị thiệt mạng lũ cuốn, sét đánh
1. Lê Anh Tuấn (17 tuổi), xã Sơn Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh bị lật thuyền.
2. Nguyễn Tùng Dương (10 tuổi), xã Hương Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh bị lũ cuốn trên đường đi học.
3. Lê Minh Đăng (6 tuổi), xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An bị lũ cuốn.
4. Nguyễn Văn Thức (34 tuổi), ở Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình bị nước cuốn trôi mắc kẹt vào cống trong khi đi thả lưới bắt cá.
5. Bà Lê Thị Thứ (57 tuổi, Xuân Lộc, Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị sét đánh tử vong.
Ngoài ra, một người bị mất tích khi nước cuốn ở bờ suối là ông Cao Thanh Hải (39 tuổi), ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, mực nước trên sông Thao (Phú Thọ) và sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên nhanh.
Dự báo đêm 18/9, mực nước trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) tại Bến Đế tiếp tục lên nhanh đạt đỉnh ở mức 3,7 m (trên mức báo động 2 là 0,2 m) sau đó xuống; tại Yên Bái (sông Thao) tiếp tục lên nhưng còn dưới mức báo động 1.
Lũ quét, sạt lở đất tại các sông suối nhỏ có nguy cơ cao xảy ra ở vùng núi và trung du Bắc Bộ, đặc biệt tại một số tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình.
Vùng trũng, thấp, ven sông suối tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc có nguy cơ ngập úng.
Ngày 18/9, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ và Yên Bái về việc chủ động ứng phó với các tình huống mưa, lũ, sạt lở đất.
Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố cần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.