Ông Donald Trump có thể đã giáng xuống Trung Quốc một đòn đau về thương mại hôm 22/3, nhưng tổng thống Mỹ đã rút tay lại để giữ gìn "giao tình" với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, vị tổng thống xuất thân doanh nhân đã nhiều lần nói về "quan hệ tuyệt vời" giữa ông với những nhà lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Argentina Mauricio Macri.
Song có lẽ mối quan hệ "tuyệt vời nhất", được vị nguyên thủ mới nhắc đến nhiều nhất, là giao tình với ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, dù mối quan hệ cá nhân này từng mang lại ít nhiều kết quả, có lẽ nó vẫn nằm trong tưởng tượng hơn là thực tế.
'Ông Tập không bị tình cảm chi phối'
Sau khi lên án Bắc Kinh về tất cả những hành vi gây tổn hại cho thương mại Mỹ, ông Trump đã bất ngờ "bẻ lái" thông điệp vào hôm 22/3, đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ.
"Tôi xem họ là bạn. Tôi dành sự tôn trọng lớn cho Chủ tịch Tập. Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời. Họ đã giúp chúng ta rất nhiều trong vấn đề Triều Tiên", ông nói. "Và đó là Trung Quốc".
Ông Trump từng thết đãi ông Tập một cách thân tình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở Florida. Ông Trump cũng coi Trung Quốc ngang hàng với Mỹ, thông qua việc chấp nhận tham vọng chiến lược của Bắc Kinh về "quan hệ giữa các siêu cường". Dù vậy, tất cả đều không ảnh hưởng đến việc Mỹ tăng cường trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 4/2017, khi ông Tập thăm Mỹ. Ảnh: Getty. |
Chủ tịch Tập từng đồng ý với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc. Điều này được xem là "sự chiếu cố" của Bắc Kinh với Mỹ, nhưng đồng thời cũng xuất phát từ mối quan ngại của chính Bắc Kinh về các vụ thử nghiệm vũ khí mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Đáng chú ý là nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nói trong một cuộc họp rằng ông sẽ không áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô và chế phẩm từ dầu sang Triều Tiên mà ông Trump từng đề nghị một cách riêng tư. Ông Tập sợ rằng nếu làm vậy, quân đội và cả chế độ tại Triều Tiên sẽ sụp đổ.
Chủ tịch Trung Quốc đã cho thấy ông sẵn lòng đi với ông Trump khi ở đó Trung Quốc có lợi ích, nhưng không xa hơn.
Và các chuyên gia bác bỏ nhận định rằng sự quan tâm của ông Tập đến mối quan hệ cá nhân với ông Trump không chỉ dừng lại ở những cơ hội mà mối quan hệ này mang lại để ông Tập đạt được những mục tiêu của mình.
"Ông Tập không hề bị tình cảm chi phối", Ryan Hass, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Thương mại có thể sẽ là chất thử để kiểm tra đánh giá trên và dường như là nơi cho thấy rõ ràng sự khác biệt về lợi ích giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kinh tế từ lâu đã trở thành vấn đề an ninh với các lãnh đạo ở Trung Nam Hải, những người buộc phải tạo ra công ăn việc làm nhanh chóng để ngăn chặn bất ổn xã hội.
Trên thực tế, lời đe dọa trả đũa được đưa ra chóng vánh. Hôm 23/3, Bắc Kinh tiết lộ danh sách những mặt hàng xuất từ Mỹ, từ thịt lợn đến trái cây và rượu, mà Trung Quốc có thể sẽ áp thuế với tổng giá trị 3 tỷ USD.
Theo ông Hass, ông Tập sẽ hành động "theo cách tối đa hóa ảnh hưởng từ phản ứng của Trung Quốc đối với nền tảng chính trị của ông Trump".
Nói ngắn gọn, chủ tịch Trung Quốc sẽ tấn công ông Trump ở điểm mà tổng thống Mỹ chịu thương tổn nặng nhất.
Ván cờ thương mại
Song diễn biến thực tế của cuộc tranh chấp sẽ tùy thuộc vào điều gì sẽ diễn ra tiếp theo và nếu mọi việc lại như những gì từng diễn ra với các phát ngôn của ông Trump trong quá khứ, những lệnh trừng phạt này sẽ không hơn một tiếng ho khan.
Hết lần này đến lần khác, những tuyên bố hùng hồn vào khung giờ vàng của ông Trump trên mạng xã hội đã không biến thành sự thật bởi sự can ngăn từ đội ngũ của ông và dưới những sức ép trong đời thực.
Hôm 22/3, cùng với việc công bố trừng phạt Trung Quốc, ông Trump tuyên bố tạm thời loại bỏ Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Argentina, Brazil, Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản ra khỏi danh sách bị áp đặt thuế nhôm và thép nhập khẩu. Động thái này được xem là nhằm giảm nguy cơ Mỹ phải đối mặt với trả đũa thương mại từ hàng loạt các đồng minh và đối tác thân cận.
Có thể ông Trump dễ "xù lông" nhưng trong đa số trường hợp, ông vui vẻ với việc đánh cược thật lớn khi máy quay hướng về phía mình, để rồi khi ánh đèn tắt, ông quyết định rời bỏ cuộc chơi trước khi nó trở nên tệ hơn.
Lần này, các cố vấn của tổng thống Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ từ việc trừng phạt Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng họ đã đề xuất ý tưởng đánh thuế trị giá 30 tỷ USD.
Con số biến thành 50 tỷ USD khi nó được đưa đến Phòng Bầu dục, và trong sự ngạc nhiên của các phụ tá, nó trở thành 60 tỷ USD khi ông Trump công bố trước ống kính phóng viên.
Con số thực sự sẽ không được biết trong ít nhất 2 tuần nữa khi Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra đề xuất cuối cùng.
"Ai cũng nôn nao phỏng đoán mức thuế quan áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cuối cùng sẽ ra sao nhưng chưa có cách nào để biết được cả", chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp Bill Adams nói.
Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc, bị Mỹ nhắm tới khi áp đặt thuế trừng phạt. Ảnh: Getty. |
Bắc Kinh có lẽ chỉ có thể phản ứng một cách toàn diện khi bức tranh đó lộ ra. Song thậm chí đến lúc đó, họ sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng thời đại của Trump đến nay đã có tác động tốt đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như với bản thân ông Tập.
Củng cố quyền lực nhanh chóng hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình, ông Tập vừa bước vào nhiệm kỳ thứ hai cùng với việc gỡ bỏ giới hạn về nhiệm kỳ chủ tịch nước. Đây chỉ là một trong ba vị trí mà ông nắm giữ, trong khi chức danh tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương không bị giới hạn nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là ông có thể sẽ tiếp tục ngồi ở vị trí đỉnh cao quyền lực sau năm 2022, khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc.
Kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, nước Mỹ đã rút ra khỏi chiến lược xoay trục về châu Á cho Tổng thống Barack Obama khởi xướng. Vị tổng thống tỷ phú đặt câu hỏi về quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí Australia, nơi các quan chức lo ngại về sức ép ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Ông Tập cũng cho thấy ông không hề nhún nhường trước ông Trump trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi lấp đảo, đá nhân tạo, xây dựng cơ sở quân sự, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế những năm qua.
Mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc giờ đây là đưa đất nước đi qua "kỷ nguyên mới" với sức mạnh quân sự và kinh tế ngang hàng các siêu cường.
Toàn cảnh quan hệ Mỹ - Trung có lẽ chịu tác động từ những thế lực lớn hơn rất nhiều, chứ không chỉ là một cuộc tranh chấp về thương mại hay bất kỳ "mối giao tình" nào.