Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước cờ của Masan sau khi nhận 400 triệu USD từ Alibaba

Thông qua The CrownX, Masan đang xây dựng hệ sinh thái bán lẻ có sự tích hợp O2O; hệ thống sử dụng công nghệ, am hiểu người dùng và các sản phẩm tài chính kèm theo.

Hai năm trước, khi Masan nhận Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM) về để kết hợp với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH), giá cổ phiếu MSN xuống rất thấp, thậm chí còn dưới 50.000 đồng. Nhiều người nghi ngờ về khả năng hòa vốn của doanh nghiệp, chứ chưa muốn nói đến chuyện có lãi.

Đến tháng 5 năm nay, Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX (công ty thành lập ra để nắm giữ vốn và vận hành VCM và MCH) và vạch ra những nước đi cụ thể, Masan cho thấy tầm nhìn muốn xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ tương lai chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện lãi hay lỗ của từng cửa hàng.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, nhìn nhận mục tiêu Point of Life - nền tảng “tất cả trong một” - của Masan là kiểm soát toàn bộ hệ thống tiêu dùng, phục vụ 96 triệu dân đang có mức thu nhập tăng trưởng tốt tại Việt Nam.

Theo ông Long, để làm được điều này, hệ thống bán lẻ tương lai của Masan đầu tiên phải có sự tích hợp từ offline đến online (O2O). Vị chuyên gia phân tích Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á, cộng với kinh nghiệm trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ 1,4 tỷ dân tại Trung Quốc, Alibaba sẽ hỗ trợ Masan trong việc hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam.

SỐ LƯỢNG CỬA HÀNG VINMART VÀ VINMART+
Masan tiếp quản VinMart, VinMart+ từ cuối năm 2019
NhãnNăm 2014Năm 2015Năm 2016Năm 2017Năm 2018Năm 2019Năm 2020Năm 2021 (kế hoạch tối đa)
Số lượng cửa hàng
1755089811221828302123543054

Đối chiếu với thực tế, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cấp cao Đại học Bristol tại Anh, chỉ ra The CrownX đang có các sản phẩm tiêu dùng của MCH, có sẵn hệ thống cửa hàng vật lý VinMart, VinMart+ của VCM. Sắp tới, doanh nghiệp này có thêm hệ thống bán hàng trực tuyến Lazada, kèm với kinh nghiệm của Alibaba.

Sau khi được rót vốn 400 triệu USD, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp O2O tại Việt Nam. VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

Yếu tố thứ hai mà một hệ thống bán lẻ tương lai cần phải có, theo ông Long, là sử dụng công nghệ, am hiểu người dùng mà hệ thống có thể kết hợp vào đây là VinID. VinID là hệ sinh thái số, thuộc nhóm thương mại - dịch vụ dưới sự quản lý trực tiếp của One Mount Group. Cơ cấu cổ đông của One Mount Group gồm 51% cổ phần thuộc về Vingroup và có sự tham gia của đối tác Techcombank.

Do đó, các sản phẩm tài chính kèm theo trong hệ sinh thái là điều không thể thiếu. Giám đốc AFA Research & Education kể về trường hợp của Alibaba, tập đoàn tỷ phú Jack Ma xuất phát từ bán hàng trực tuyến nên có lượng người tiêu dùng cực lớn, tuy nhiên, công ty sinh lời lớn nhất tập đoàn lại là Ant Financial, chuyên bán các sản phẩm tài chính.

Masan suy tinh chien luoc gi sau khi duoc Alibaba rot 400 trieu USD? anh 1

Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group - chia sẻ về The CrownX.

“Hệ thống bán lẻ tương lai sẽ bao gồm bán lẻ O2O, kết hợp với chuỗi sử dụng công nghệ, am hiểu người dùng như VinID và kết hợp với sản phẩm tài chính kèm theo. Hệ sinh thái đó sẽ có năng lực siêu cạnh tranh để có thể đạt được mục tiêu Point of Life của Masan”, ông Long nói.

Về đối tượng được hưởng lợi nếu Masan xây dựng hệ sinh thái bán lẻ thành công, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho rằng là người tiêu dùng bởi khi giá trị gia tăng tạo ra càng lớn, người dùng sẽ càng giảm được nhiều chi phí.

Ví dụ khách hàng có thể đặt mua online một chiếc điều hòa, thanh toán bằng VinID, trả góp thông qua sản phẩm tài chính của ngân hàng liên kết, tích lũy điểm trong hệ sinh thái của Masan thì giá chiếc điều hòa sẽ thấp hơn rất nhiều.

Cả ông Tuấn và ông Long đều cho rằng thương vụ Alibaba đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX chỉ là điểm khởi đầu, mang tính chiến lược. Các bên sẽ có những hợp tác sâu rộng hơn và có thể có những vòng rót vốn tiếp theo.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MSN của Masan trong tuần qua tăng vọt. Kể từ ngày 7/5, MSN đã tăng tới 20%, từ 95.000 đồng/cổ phiếu lên 113.600 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5. Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu của Masan luôn đạt trên 2 triệu đơn vị.

Công ty con của Masan sẽ ra sao sau khi Alibaba rót vốn?

Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia nắm giữ 5,5%. Trong khi đó, Vingroup muốn rút khỏi công ty này.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm