Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Công ty con của Masan sẽ ra sao sau khi Alibaba rót vốn?

Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia nắm giữ 5,5%. Trong khi đó, Vingroup muốn rút khỏi công ty này.

Ai dang lam chu The CrownX? anh 1

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần The CrownX được thành lập vào ngày 16/6/2020, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính và cũng là duy nhất là hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Ông Trương Công Thắng (sinh năm 1973, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Holdings) là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trên thực tế, The CrownX được Masan và Vingroup tạo ra để nắm giữ vốn tại Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM) và Công ty Masan Consumer Holdings (MCH), đồng thời vận hành cả hai doanh nghiệp này.

Theo thỏa thuận, Masan nhận 83,74% cổ phần phổ thông của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần tại The CrownX cho Vingroup; The CrownX sở hữu 85,71% cổ phần MCH. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động The CrownX, còn Vingroup giữ vai trò là cổ đông.

Ai dang lam chu The CrownX? anh 2
Số liệu tại thời điểm tháng 10/2019.

Định giá 6,9 tỷ USD

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng). Còn Masan cho biết để hợp nhất thương vụ VinCommerce, tập đoàn này đã phải chi 25.200 tỷ đồng.

Trước thời điểm công bố sáp nhập hai chuỗi bán lẻ vào Masan, VCM đang quản lý 115 siêu thị Vinmart cùng gần 2.500 cửa hàng Vinmart+. Đây đồng thời là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng có số điểm bán lớn nhất tại Việt Nam, gấp nhiều lần so với chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới Di động với 866 cửa hàng.

Nhờ số điểm bán lớn, 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu thuần bán lẻ đóng góp 23.571 tỷ đồng vào tổng doanh thu hợp nhất của Vingroup, cao hơn 11% so với của cả năm 2018. Tuy nhiên, bộ phận này lại là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ 2 tại tập đoàn với khoản lỗ trước thuế theo bộ phận là 3.461 tỷ đồng.

Trong năm 2018, lỗ trước thuế theo bộ phận của bán lẻ là hơn 5.000 tỷ đồng, số lỗ trong năm 2017 cũng là gần 3.800 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, tổng giá trị tài sản của mảng bán lẻ tại Vingroup đạt 15.845 tỷ đồng với nợ phải trả là 3.981 tỷ.

Ai dang lam chu The CrownX? anh 3

Về phía Masan, trong cơ cấu doanh thu thuần nửa đầu 2019 của toàn tập đoàn, MCH với các ngành hàng tiêu dùng nhanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất 46% (7.979 tỷ đồng). Gia vị - mặt hàng Masan chiếm hơn 65% thị trường - có mức tăng trưởng 2,6%, thấp hơn dự kiến.

Cà phê hòa tan và bia cũng gặp khó. Doanh thu cà phê hòa tan của Masan trong quý II cao hơn quý I nhưng vẫn thấp hơn 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản phẩm bia tiếp tục thu về kết quả dưới mức kỳ vọng.

Toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm. Ngành hàng thức ăn chăn nuôi có mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 0,7%. Masan Resources hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên sụt giảm doanh thu tới 17%.

Giữa bức tranh không mấy tích cực đó, một số sản phẩm đạt kết quả kinh doanh tốt của Masan là thực phẩm tiện lợi cao cấp với mức tăng trưởng 27%; nước tăng lực tăng 28,4% và đặt biệt là thịt chế biến tăng tới 68%.

Cơ cấu cổ đông tiếp tục thay đổi?

Sáng 18/5, Masan và nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX vì thế thay đổi thành 80,2%. Còn trước đó, trong tháng 6 và tháng 8/2020, Masan đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX từ bên thứ ba (Vingroup) với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan trong The CrownX tăng từ 70% lên 84,8%.

Trong cơ cấu sở hữu của Masan đối với The CrownX, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nắm trực tiếp xấp xỉ 14% cổ phần, tương đương khoảng 1 tỷ USD, hơn 66% còn lại thông qua Công ty TNHH The Sherpa. Công ty này cũng được thành lập vào tháng 6/2020 để hoàn tất giao dịch hợp nhất hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ và nông trại VinEco của Vingroup.

Hiện tại, Masan sở hữu 99,9% vốn góp tại The Sherpa. Công ty The Sherpa là công ty mẹ của The CrownX. Công ty The CrownX lại là công ty mẹ của VCM. Đây là pháp nhân sở hữu 100% VinCommerce và VinEco. VinCommerce là doanh nghiệp vận hành chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+.

Ai dang lam chu The CrownX? anh 4

VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada sau khi Alibaba rót vốn vào The CrownX. Ảnh: VinCommerce.

Hồi tháng 11/2020, Masan thông qua nghị quyết bổ sung 5.000 tỷ đồng vào số vốn góp tăng thêm tại The Sherpa.

Về phía Vingroup, trong báo cáo tài chính kiểm toán riêng công ty mẹ năm 2020, tập đoàn này cho biết đang muốn rút lui hoàn toàn khỏi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ bằng việc bán toàn bộ cổ phần sở hữu còn lại trong The CrownX. Cụ thể trong năm, Vingroup đã thực hiện chuyển nhượng hơn 2 triệu quyền chọn nhận cổ phần tại The CrownX cho một số đối tác (liên quan Masan).

Sau đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện chuyển đổi toàn bộ quyền chọn nhận cổ phần còn lại sang thành cổ phần sở hữu tại The CrownX. Qua quá trình chuyển đổi quyền chọn thành cổ phần, Vingroup đã bán 4,8 triệu cổ phần của công ty mới thành lập này cho một đối tác doanh nghiệp khác (Masan).

Đặc biệt, báo cáo của Vingroup tiết lộ tại ngày 31/12/2020, tập đoàn đã ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần còn lại trong The CrownX cho một đối tác doanh nghiệp khác.

Trong đó, giá gốc của số cổ phần còn lại Vingroup nắm giữ tại The CrownX được xác định là 5.538 tỷ đồng, tuy nhiên tập đoàn đang trong quá trình xác định lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư.

Như vậy, nếu thương vụ chuyển nhượng này thành công, Vingroup sẽ chính thức rút lui hoàn toàn khỏi The CrownX, qua đó không còn lợi ích liên quan tới chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Alibaba rót tiền vào công ty con của Masan

Alibaba và Baring Private Equity Asia sẽ mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm