Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Mã Anh Cửu thực hiện cuộc hội đàm lịch sử trong một khách sạn ở Singapore hôm 7/11. Ảnh: AP. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm lịch sử với người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ở Singapore ngày 7/11.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, cuộc gặp vẫn mang lại một số kết quả cụ thể. Ông Mã đề cập tới hàng loạt chủ đề nhạy cảm – đặc biệt là việc vùng lãnh thổ Đài Loan muốn thoát khỏi tình trạng cô lập về ngoại giao do sự phong tỏa của Trung Quốc và Bắc Kinh đặt nhiều tên lửa ở bờ bên kia của eo biển (chiều rộng của eo biển Đài Loan là 160 km).
Hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc lập đường dây nóng giữa các cơ quan phụ trách quan hệ giữa hai bên, cũng như ý tưởng lập văn phòng đại diện trên lãnh thổ của nhau. Một lần nữa ông Mã bày tỏ nguyện vọng của Đài Loan về việc tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và ông Tập nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ xem xét yêu cầu của chính quyền đảo Đài Loan theo cách thức phù hợp.
Một điểm đáng chú ý nữa là ông Tập đồng ý tổ chức cuộc hội đàm trên lãnh thổ một nước trung lập, không dùng cờ hay bất kỳ đồ vật nào liên quan tới đại lục hay Đài Loan. Thậm chí họ còn bỏ chức danh chính trị mà chỉ gọi nhau là “ông Tập”, “ông Mã”.
“Từ góc nhìn của đại lục, quyết định gặp ông Mã của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng tỏ ông sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để thay đổi mối quan hệ với đảo Đài Loan. Quyết định của ông Tập khiến người dân cảm thấy ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tự tin”, Mary Gallagher, một nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Michigan tại Mỹ, nhận xét.
Dường như chủ tịch Trung Quốc dự đoán ông sẽ đạt lợi ích lớn hơn bằng cách tỏ ra đồng cảm với vùng lãnh thổ Đài Loan. Do chỉ còn tại vị 6 tháng, ông Mã cũng hy vọng cuộc gặp sẽ giúp ông để lại một di sản, mặc dù nó tạo nên nguy cơ chính trị khá lớn cho Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử sắp tới.
“Mã Anh Cửu muốn chứng minh với cử tri ở Đài Loan rằng hợp tác với đại lục là việc khả thi và chủ trương ấy có lợi hơn cho người dân so với tình trạng đối đầu”, Andrew Nathan, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Columbia tại Mỹ, viết trên trang ChinaFile.
Mặc dù một bộ phận dân chúng ở đảo Đài Loan phản đối, cuộc hội đàm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và nhận được sự ca ngợi ở Trung Quốc cũng như cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới. Thậm chí giới lãnh đạo Mỹ ở Washington cũng ủng hộ cuộc gặp.
“Câu hỏi lớn nhất là cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc và ông Mã sẽ khiến cách nhìn nhận đại lục của người Đài Loan thay đổi thế nào? Liệu cuộc gặp sẽ giúp hai bên xích lại gần nhau hơn dưới thời của chính quyền mới ở Đài Loan không, khi mà đảng Dân Tiến có khả năng giành thắng lợi cao hơn?”, Gallagher bình luận.