Không còn phải ra tuyên bố chung như các năm trước, hội nghị G7 trở nên khó đoán hơn, không còn là cuộc đua hối hả, dồn dập với những tranh luận, toan tính của các nước về hàng loạt vấn đề toàn cầu cấp bách nhất.
Thay vào đó, chỉ nước chủ nhà, chính là ông Macron, nắm nghị trình trong tay, và điều này đã cho phép ông thêm vào một vài bất ngờ - dường như được tính toán tới từng ly, CNN bình luận.
Không còn phải ra tuyên bố chung như các năm trước, hội nghị G7 trở nên khó đoán hơn. Ảnh: New York Times. |
“Pha bóng hiểm hóc” của người Pháp
Hội nghị G7 cuối tuần qua vốn đầy bất ngờ. Chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ở lại cho đến hết, cười và bắt tay chủ nhà cho đến cuối cùng -thay vì “khẩu chiến” như với chủ nhà Canada rồi rời hội nghị như năm trước - đã là một bất ngờ.
Nhưng bất ngờ hơn cả là nước cờ cao tay của ông Macron, mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới hội nghị mà không thông báo trước - điều chưa có tiền lệ.
Các cố vấn của tổng thống Mỹ gọi diễn biến này là một “pha bóng hiểm hóc” (curveball). Nhưng bằng cách nào đó, ông Trump lại hạ giọng trong căng thẳng với Iran.
Ngay trước khi ông Zarif đến nơi, ông Trump đã bác bỏ việc đã nhờ ông Macron đàm phán với Iran thay mặt cho nhóm G7. Nhưng đến sáng 26/8, ông có vẻ thuận theo chiêu ngoại giao âm thầm của ông Macron. Tổng thống Mỹ còn nói chính ông đã biết ông Zarif sẽ tới, thậm chí ông đã “bật đèn xanh” để tổng thống Pháp mời ông Zarif.
“Ông ấy đã nói với tôi”, ông Trump nói. “Ông ấy đã hỏi ý tôi. Tôi nói nếu ông muốn, thì cũng được. Tôi không coi đó là thiếu tôn trọng tôi, nhất là khi ông ấy đã xin sự chấp thuận của tôi”.
Dù vậy, khi đứng cạnh ông Trump ở họp báo chung, ông Macron đã đính chính lời kể của tổng thống Mỹ một cách nhẹ nhàng, và nói ông làm vậy vì nước Pháp, không phải thay mặt G7. “Tôi tự mình quyết định... Tổng thống Trump cũng được thông báo”, tổng thống Pháp nói một cách chung chung.
Tổng thống Trump trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi các lãnh đạo chụp ảnh chung. Ảnh: New York Times. |
Căng thẳng giữa Washington và Tehran diễn ra từ nhiều tháng nay, lên đỉnh điểm khi một số tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Ba Tư vào tháng 6.
Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc và đang âm mưu tấn công vào lợi ích của Washington cùng đồng minh trong khu vực. Nhà Trắng đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến Trung Đông, cũng như đưa lính đến căn cứ ở Saudi Arabia.
Căng thẳng leo thang lên mức nguy hiểm khi Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đáp trả bằng hành động quân sự, nhưng cuối cùng đã thu hồi mệnh lệnh sau khi nhận ra thương vong có thể lên tới 150 người.
Khi đứng cạnh ông Trump ở họp báo chung, ông Macron đã đính chính một cách nhẹ nhàng việc mời ngoại trưởng Iran: “Tôi tự mình quyết định”. Ảnh: CNN. |
Mỹ và Iran sắp ngồi lại đàm phán?
Khó có thể biết tường tận sự việc, nhất là khi hai lãnh đạo kể lại chung chung và muốn giữ thể diện của chính mình cũng như cho đối tác. Nhưng cuối cùng, ông Macron đạt được nguyện vọng nhiều tháng nay: khiến tổng thống Mỹ xích lại gần hơn một cuộc đối thoại với Iran. Thậm chí, ông Macron còn đi xa hơn khi tuyên bố “lúc nào đó sẽ có cuộc gặp giữa tổng thống Iran và tổng thống Mỹ”, và nói có thể sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa.
Ông Trump, ít nhất tới giờ, vẫn đang thuận theo. Ông nói “nếu tình hình khả quan, đúng hướng, tôi chắc chắn sẽ đồng ý (cuộc gặp)”, và “từ giờ tới khi đó, họ cần phải cư xử đúng”.
Đó là thành công thực sự của ông Macron. Chỉ một tháng trước, ông Trump còn một mực bác bỏ nỗ lực của tổng thống Pháp, và nói “không ai được phép thay mặt, nói hộ cho nước Mỹ, ngoài nước Mỹ ra”.
Không còn thái độ khó chịu như ở hội nghị G7 năm ngoái tại Quebec, Canada, tổng thống Mỹ dùng hội nghị năm nay để thay đổi hình ảnh của mình, như một đối tác, người bạn tốt, không ngừng đưa ra lời khen “chúng tôi rất hợp nhau”, “đầy sự đoàn kết”, “không có bất đồng nào”.
Không rõ các lãnh đạo khác cảm nhận thế nào. Thủ tướng Đức Angela Merkel nở một vài nụ cười với ông Trump - như thế đã hơn những lần tiếp xúc đầy băng giá trước đây. Về khả năng “hạ nhiệt” giữa Mỹ - Iran, bà chỉ nói mọi việc “đang tiến triển dần dần”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump quanh bàn họp G7. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhưng ông Trump, vẫn như mọi khi, luôn đẩy kỳ vọng lên cao nhất có thể, như thể Mỹ và Iran sắp bắt tay thành đối tác tới nơi.
“Họ có thể cần vay tiền hay một khoản tín dụng ngắn hạn”, ông Trump tuyên bố. “Không, chúng tôi không cho không tiền đâu. Nhưng có thể họ cần chút tiền để vượt qua giai đoạn rất khó khăn này”.
Vì thành tựu bước đầu này, ông Macron có vẻ đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson hết lời khen ngợi. Phát biểu chúc mừng ông Macron, ngay sau khi ông Macron thông báo cho cả hội nghị rằng ngoại trưởng Iran sắp đến, ông Johnson nói: “Ông làm tốt lắm, ông đang tổ chức tốt... Chúa ơi, ông làm tốt thật. Đây là một việc khó, nhưng ông xử lý thông minh”.
Không rõ ông Johnson đang khen ông Macron về điều gì cụ thể, giữa một hội nghị ngoại giao hàng đầu đầy lịch sự và tế nhị như G7.
Với sự khó đoán của Tổng thống Trump, chưa rõ sáng kiến của ông Macron có sống sót sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương về Mỹ của ông Trump hay không. Nhưng có lẽ, ông Macron đã trở thành bài học mới trong sách giáo khoa, về độ “cao tay” khi ngoại giao với vị tổng thống Mỹ mà CNN coi là “khó tính nhất trong lịch sử hiện đại”, nhằm giải quyết căng thẳng nguy hiểm nhất hiện nay ở Vùng Vịnh.